Tôn giáo trong đời sống văn hóa người Việt Nam bộ
Những yếu tố thiên nhiên đa dạng, trình độ dân trí có hạn …là những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện các tôn giáo mang tính cứu thế suốt thế kỷ XIX, và rộ lên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nam Bộ có hai địa điểm huyền bí: miền Bảy Núi và núi Bà Đen, là các trung tâm xuất hiện hai tôn giáo mới: đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo.
Những tôn giáo mới xuất hiện
Những lưu dân từ miền Trung hay miền Bắc vào Nam Bộ vốn trước đây sinh sống ở những vùng tương đối thuần nhất xét về phương diện môi trường. Khi họ di cư vào Nam Bộ, họ thấy một thiên nhiên đa dạng và bí ẩn. Ruộng đồng mặc sức chim bay, biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi” hay, ‘Tới đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”.
Môi trường nơi con người sinh sống có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, đến việc hình thành những đặc trưng văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của một cộng đồng. Mảnh đất này còn là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng tộc người vốn từng sinh sống lâu đời hay mới di cư tới. Sự xáo trộn về phương diện dân cư thường bị tác động bởi nhiều yếu tố mà kết quả cuối cùng là dẫn đến sự giao lưu văn hóa.
Do cư dân ở đây vốn là tín đồ của các tôn giáo khác nhau nên cũng đã xảy ra sự tiếp nhận các yếu tố tôn giáo khác nhau. Hiển nhiên trong sự giao lưu đó sẽ có cả những yếu tố tích cực và cả yếu tố mê tín dị đoan. Một khía cạnh khác cũng cần lưu ý là ảnh hưởng của môn phong thủy (geomancie) xem vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long như là một vùng linh địa, miền đất thiêng, nơi xuất hiện những nhân vật hiển linh cứu người.
Núi Bà Đen, Tây Ninh |
Trong bối cảnh như vậy, những yếu tố thiên nhiên đa dạng, trình độ dân trí có hạn được giải thích một cách huyền bí là những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện các tôn giáo mang tính cứu thế suốt thế kỷ XIX, và rộ lên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. G.Cuolet đã có những miêu thuật khá tốt trong cuốn sách Những xã hội kín trên đất An Nam .
Đó là một đặc trưng đáng lưu ý ở Nam Bộ với hai địa điểm huyền bí: miền Bảy Núi và núi Bà Đen. Đó cũng là hai trung tâm xuất hiện hai tôn giáo mới: đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo.
Đạo Cao Đài được một nhóm trí thức và giới thượng lưu thời Pháp thành lập vào năm 1926, hỗn hợp giáo lý của các tôn giáo đương thời (kiểu tôn giáo Islam) nhuốm mầu sắc Đạo giáo về nội dung và phương pháp hành lễ lấy kinh nghiệm tổ chức đạo của Công giáo, tôn Đấng Chí tôn ngồi trên đài trên cao như một Đấng tối cao, đứng trên các vị sáng lập các tôn giáo Đông Tây theo nguyên tắc Tam giáo đồng nguyên, ngũ chi hợp nhất (Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, Công giáo và đạo Phong thần của Khương Tử Nha). Đạo phát triển mạnh ở miền Đông Nam Bộ, sau tràn lan ra khắp miền Nam.
Đạo Hòa Hảo thì ngược lại, lại xuất hiện ở miền Bảy Núi ra đời năm 1939 tại làng Hòa Hảo – làng của người đứng ra lập đạo Huỳnh Phú Sổ và cũng vì vậy mà đạo này được gọi là đạo Hòa Hảo. Đạo kế thừa truyền thống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (1848) và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa phát triển rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long, giáo lý dựa trên truyền thống của các tôn giáo dân tộc và đạo Phật được phổ thông hóa bằng bốn điều: ơn Tổ quốc, ơn Pháp bảo, ơn đồng bào, nhân loại được thể hiện qua các bài sấm truyền theo hình thức song thất lục bát của giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tự nhận là người được thánh nhân phù trợ, trời sai xuống cứu thế trước là cứu thể xác (chữa bệnh) sau là cứu linh hồn.
Triết lý của đạo mộc mạc, lễ thức đơn giản chỉ thờ một tấm trần điều, hương hoa, nước lã tại gia không có nơi thờ tự công cộng, thích hợp với tâm lý và tình cảnh của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.Và cũng lại chính vùng đất Nam Bộ trong thời kỳ tiến hành hai cuộc kháng chiến cho đến nay, nảy sinh và phát triển những đạo mới trong đó có đạo Dừa, một số đạo phái Tin lành khác xa với giáo lý của đạo Tin lành chính thống cũng như một số hiện tượng tôn giáo mới như Long Hoa Di Lặc, Thanh Hải vô thượng sư.
Chúng tôi đã nêu lên một số nguyên nhân dẫn đến sự ra đời những tôn giáo bản địa ở Nam Bộ vào những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các nghiên cứu gần đây cũng đã giải thích những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ. Trong bài viết “Đạo Cao Đài – một thực tiễn khách quan, một thế ứng xử” Gs. Đặng Nghiêm Vạn đã đưa ra “một số nguyên nhân dẫn đến đạo Cao Đài trở thành tôn giáo” như sau:
– Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến ngày nay. Sự xuất hiện các tôn giáo hay một số hiện tượng tôn giáo mới thường do những nguời ở tầng lớp giàu có, tri thức đương thời khai sáng. Đạo Cao Đài hơn các đạo mới thành lập khi mọc, khi lặn ở chỗ đã hiểu được tâm lý xã hội người nông dân Nam Bộ đương thời. – Về phương diện tôn giáo, điều đáng lưu ý nhất là đạo Cao Đài mang tính thực tiễn.
Có thể có các cách lý giải khác nhau về nguyên nhân ra đời các tôn giáo bản địa Nam Bộ. Nhưng có một thực tế là các tôn giáo chỉ ra đời trong xã hội của người Việt Nam Bộ và cũng chỉ giới hạn trong phạm vi đó.
Sự tác động của tôn giáo lên đời sống
Rõ ràng xã hội của người Việt Nam Bộ và bối cảnh của xã hội Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời các tôn giáo ở Nam Bộ và cũng chính những điều đó lại chế định vùng ảnh hưởng cuả các tôn giáo đó. Khi các tôn giáo đó ra đời và xác lập được vị trí của mình trong đời sống của cư dân Nam Bộ đến lượt mình các tôn giáo mới lại tác động đến đời sống mọi mặt của cư dân.
Bởi vì, một sự du nhập hay là sự xuất hiện của một tôn giáo ở một xã hội nào đó nếu xét trên bình diện văn hóa là sự xuất hiện một thành tố văn hóa mới. Tôn giáo, dù là những tôn giáo có tính quốc tế (như Phật giáo, Công giáo…) hay một tôn giáo có tính khu vực (như Ấn Độ giáo, Khổng giáo…) hay có tính địa phương (như Cao Đài, Hòa Hảo…) cũng chỉ là một thành tố (component) văn hóa của một tộc người.
Vì rằng, trước khi các tôn giáo đó du nhập hay mới xuất hiện ở một tộc người thì bản thân tộc người đó đã có một nền văn hóa của mình. Nhờ có những giá trị văn hóa nên các tộc người mới tồn tại và phát triển Cho nên, mặc dù tôn giáo có ảnh hưởng
rất lớn đến đời sống mọi mặt của một tộc người, thậm chí còn là nền tảng văn hóa của một tộc người nhưng không phải là tất cả.
Văn hóa của một tộc người bao gồm những giá trị vật thể và phi vật thể mà tôn giáo chỉ là một trong nhiều thành tố (component) góp phần làm phong phú văn hóa của tộc người. Tôn giáo không phải là tổng thể văn hóa của một tộc người. Nhưng “tôn giáo là hình thái ý thức xã hội ra đời và phát triển từ hàng ngàn năm nay, tồn tại cùng loài người trong một thời gian khó mà đoán định trước được.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa – xã hội và tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của nhiều quốc gia, dân tộc của các tầng lớp người, nhất là đối với thế hệ trẻ” . Một nhận định có tính chất bao quát như vậy theo chúng tôi cũng rất phù hợp với tình hình thực tế ở Nam Bộ khi các tôn giáo bản địa ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Và trong bối cảnh cụ thể của Nam Bộ khi các tôn giáo mới ra đời cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống mọi mặt của cư dân. Chúng tôi được trở lại vấn đề các tôn giáo bản địa ra đời ở Nam Bộ vào những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống mọi mặt của cư dân Nam Bộ, trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo.
Như là một hệ quả, các tôn giáo đó với tư cách là một thành tố văn hóa mới đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa của người Việt Nam Bộ. Các tôn giáo bản địa ra đời vào các thời điểm khác nhau nhưng đều ra đời ở Nam Bộ mà tín đồ chủ yếu là nông dân, địa bàn cư trú chủ yếu vẫn là nông thôn nơi có điều kiện bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống.
Nếu như trước đây trong không gian văn hóa Nam Bộ, người Việt với những giá trị văn hóa truyền thống của mình đã cùng cộng cư với người Khmer, người Hoa, người Chăm có những đặc trưng văn hóa riêng đã tạo nên bức khảm văn hóa khá đa dạng. Tuy nhiên, văn hóa người Việt vẫn là một thể thống nhất cho dù có một bộ phận người Việt theo Phật giáo hoặc Công giáo với số lượng hạn chế.
Thì giờ đây khi xuất hiện các tôn giáo mới cho dù có được tổ chức chặt chẽ hay không, có hệ thống giáo lý hay không, một sự kế thừa các tôn giáo có trước, hay là một sự hỗn dung thì các tôn giáo đó vẫn tồn tại như một thực thể và chính những điều đó đã góp phần làm cho bức tranh văn hóa Nam Bộ thêm phong phú.
Những quy định của giáo luật mà mỗi tín đồ của các tôn giáo này thực hiện và phải tuân thủ (như quy định về y phục, lễ phục, việc búi tóc, hình thức thờ cúng, lễ vật, …) đã làm cho họ khác với những người không theo các tôn giáo đó. Có một thực tế là các tôn giáo ra đời ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng văn hóa Việt, mà cái nôi là đồng bằng sông Hồng có truyền thống ngàn năm đã hằn sâu vào tiềm thức các thế hệ người Việt cho dù họ sinh sống ở đâu.
Những lễ hội truyền thống, việc thờ cúng tổ tiên những quan hệ dòng họ, quan hệ làng xã là hằng số văn hóa tạo nên bản sắc không dễ dàng có thể loại bỏ. Các tôn giáo mới ra đời trong sự kế thừa và hỗn dung các tôn giáo có trước không đủ mạnh để thiết lập ảnh hưởng một cách tuyệt đối nên không đủ sức phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống bền vững của người Việt, để xác lập vị trí độc tôn của tôn giáo mới như chúng ta đã thấy hiện tượng đó đã xảy ra ở một số nơi .
Do đó, ảnh hưởng của các tôn giáo này đến đời sống tín ngưỡng người Việt cũng có giới hạn. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao các tôn giáo mới ra đời ở Nam Bộ lại không cực đoan như một số giáo phái mới ra đời ở các nơi khác, thường mở rộng vùng ảnh hưởng cũng như giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tôn giáo bằng các cuộc bạo lực vũ trang mang nặng tính ký thị tôn giáo.
Vùng Bảy Núi, An Giang |
Và nó cũng thể hiện khả năng tiếp biến văn hóa của người Việt trong môi trường mới. Những người nông dân Việt trong quá trình khai hoang lập làng cùng cộng cư với các tộc người khác, có ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo khác biệt nhưng bằng năng lực và dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống đã biết cởi bỏ những ràng buộc không còn phù hợp để tiếp nhận có chọn lọc những giá trị văn hóa của các tộc người khác làm phong phú văn hóa, nhưng lại không làm mất đi những nét đẹp của văn hóa truyền thống.
Các tôn giáo ra đời ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều thể hiện tính nhập thế như là một trào lưu diễn ra trong suốt thế kỷ XIX và rộ lên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Phật giáo Hòa Hảo nói pháp môn là học Phật tu nhân nhưng trong thực tế đời sống nhiệm vụ của người tín đồ tập trung vào tu nhân. Thực hiện tu nhân các tín đồ chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và đi vào cụ thể hơn như đã được nhấn mạnh trong quan điểm tứ trọng đại ân: ân tổ tiên, cha mẹ, ân quê hương, đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào, nhân loại.
Còn đối với Cao Đài, trừ nhóm nhỏ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, còn các phái khác đều tự xem là phổ độ, hướng dẫn đồng bào tu hành để được giải thoát. Các hoạt động thực tiễn của Cao Đài và Hòa Hảo kể từ khi lập đạo cho đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, khi mà ở một mức độ nào đó vai trò của những người đứng đầu các tôn giáo này đã giảm, đã thể hiện rõ tính nhập thế.
Những người đứng đầu các tôn giáo này thậm chí đã thành lập các đảng phái chính trị, các lực lượng vũ trang tham gia tích cực vào đời sống chính trị, trở thành những thế lực nhất định trên chính trường ở miền Nam trước năm 1975.
Với tinh thần bình đẳng, khoan dung, ý thức trách nhiệm chia sẻ với đồng loại, có một hoạt động mang tính xã hội rất tiêu biểu của các tín đồ hai tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo là việc làm từ thiện.
Là một người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc khi vào công tác ở miền Nam lúc đầu chúng tôi rất ngạc nhiên về hoạt động nhân đạo của các tổ chức và các cá nhân, nhất là các tôn giáo. Bất kỳ một sự thiệt hại nào do thiên tai gây ra cho đồng bào ở các vùng miền khác nhau như lũ lụt, bão gió thì có ngay một phong trào quyên góp ủng hộ, chia sẻ.
Với các tín đồ của các tôn giáo bản địa, những hoạt động từ thiện còn nằm trong đường hướng tu hành, với một tinh thần chia sẻ khó khăn khi hoạn nạn, việc làm từ thiện được các tín đồ thực hiện hàng ngày và rất tự nhiên.
Ngô Văn Lệ (Trích Các tôn giáo bản địa và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa của người Việt Nam Bộ, trong Đề tài cấp nhà nước Đặc trưng tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cư dân Nam Bộ, 6/2011).