Việt Nam quyết xóa sổ chất phá hủy tầng ozon
Trách nhiệm của Việt Nam trong các năm tiếp theo là loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC để bảo vệ tầng ozon – tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất.
Nội dung này được nhấn mạnh tại buổi họp báo nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon (16/9/2011) Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Lỗ thủng tầng ozon phía trên Nam Cực. |
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Cục phó Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, tầng ozon là tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các tia cực tím có hại từ mặt trời. Do đó, Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon có chủ đề “Loại trừ các chất HCFC – Một cơ hội duy nhất”.
Ông Hiếu nhìn nhận, trong quá trình phát triển, con người đã phát minh, sử dụng và thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất làm suy giảm tầng ozon (viết tắt là ODS). Hậu quả là tầng ozon bị suy thoái, lỗ thủng ở tầng ozon đã xuất hiện ở Nam Cực vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước và có nguy cơ lan rộng.
“Tầng ozon bị suy giảm trong thời gian qua đã đe dọa sự sống trên hành tinh chúng ta, tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái… Các chất làm suy giảm tầng ozon như CFC, HCFC, HFC (hóa chất được sử dụng trong cơ chế làm lạnh của thiết bị điều hòa, máy lạnh…) có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao gấp ngàn lần CO2 và các chất HFC bị kiểm soát bởi Nghị định thư Kyoto” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Cục phó Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, tầng ozon được ví như mái nhà của Trái đất đã bị suy giảm trong thời gian qua, đe dọa sự sống trên hành tinh (Ảnh: TD) |
Theo đó, việc ra đời Công ước Vienna để bảo vệ tầng ozon (1985) và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon (1987) đã gắn kết sự hợp tác quốc tế giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển trong việc loại trừ các chất ODS. Các thành viên Nghị định thư Montreal đã góp phần giảm phát thải vào khí quyển 135 gigaton CO2 tương đương, cao gấp 4-5 lần mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Nghị định thư Kyoto đã đặt ra trong thời kỳ cam kết ban đầu.
Từ ngày 1/1/2010, toàn bộ các chất CFC, halon, CTC đã được loại trừ hoàn toàn trên thế giới ngoại trừ một lượng nhỏ sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc men.
Việt Nam tham gia Nghị định thư Montreal tháng 1/1994 và đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC, 3,8 tấn halon – lượng tiêu thụ hàng năm ở nước ta.
Có thể thấy, nếu không có việc đóng cửa các nhà máy sản xuất các chất này (theo Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal) thì thế giới có thể đối mặt với sự tăng thêm 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca đục thủy tinh thể, chưa kể đến tác hại do tia cực tím gây ra với hệ miễn dịch của con người, tác hại với động vật hoang dã và nông nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, trách nhiệm của Việt Nam trong các năm tiếp theo là loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC, quá trình này có thể kéo dài đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ các tổ chức quốc tế thì Việt Nam có thể hoàn thành loại trừ các chất HCFC vào năm 2025 (đối với các lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, chúng ta vẫn được phép sử dụng HCFC đến năm 2040).
Kiều Minh