Hàng trăm dân nghèo bỏ tiền triệu mua hàng “xa xỉ” để… mong giàu

17/08/11, 12:00 Tin Tổng Hợp

Nhiều tháng nay, hàng trăm người dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Glei, Kon Tum đua nhau bán nông sản “non” và vay nợ mua máy ôzôn, bếp từ, máy mát xa… với giá “khủng” chỉ để… ngắm và chờ tiền.

 

Nhịn ăn nhịn mặc để mua hàng “xa xỉ”

 


Anh A Mắc đang khoe cái máy ôzôn 4,7 triệu mà anh mua về 4 tháng nay chưa 1 lần sử dụng
Với người dân tộc thiểu số ở xã Đắk Long, Đắk Môn, Đắk Kroong…  huyện Đắk Glei, Kon Tum, cuộc sống quanh năm đói nghèo, hàng năm đều phải được nhà nước cứu đói vào những tháng giáp hạt (tháng 5, 6). Đời sống của người dân còn rất lạc hậu, chưa biết đến cái nồi cơm điện là gì. Ấy vậy mà từ nhiều tháng nay, một chuyện thật như đùa lại đang diễn ra nơi đây: hàng trăm gia đình vay nợ, bán nông sản “non” để có tiền sắm những thứ hàng “xa xỉ” không bao giờ dùng đến như: bếp từ, nồi cơm điện, máy khử ôzôn, máy mát xa, “túi vú, túi xi-líp” hút bệnh…

 

35 tuổi nhưng vợ chồng A Mắc và Y Nin (thôn Đắk Ác, xã Đắk Long) đã có đến 5 đứa con. Làm 1 ha mì, gần 3 sào lúa và vài sào bắp nhưng cuộc sống của gia đình luôn bấp bênh chỉ với 1 ngôi nhà gỗ vài m2, trong nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi. Thế mà tháng 4 vừa rồi, vợ chồng A Mắc mang 15 triệu đồng xuống Quy Nhơn, Bình Định “tậu” về 1 nồi cơm điện, 1 bếp từ (giá 5,2 triệu đồng), 1 máy ôzôn (4,5 triệu), 1 “túi vú” và “túi xi- líp” mặc vào có thể “hút bệnh” (2,5 triệu) xuất xứ từ Trung Quốc…

 

Tất cả những thứ “xa xỉ” trên vợ chồng A Mắc chưa qua một lần sử dụng, mua về chỉ để… ngắm. Đơn giản như bộ quần áo lót được cho là có khả năng “hút bệnh”, những phụ nữ dân tộc H’Lăng như Y Nin chỉ nhớ gọi là “túi vú”, “túi xi-líp”, mặc vào “xấu hổ lắm”, nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền triệu ra mua.
 
Chiếc áo lót này được bà con dân tộc sẵn sàng mua với giá 2,5 triệu đồng.

 

Anh A Mắc cho biết, phần lớn số tiền trên hai vợ chồng anh đi vay bà con và gia đình anh Quân người Kinh, đến mùa thu hoạch mì thì sẽ bán trả nợ. “Mình mua vì “trăm hoa đua nở”, khi nào khung 1 đầy 100 người cộng từ Hà Nội vào Nam thì mình sẽ được hưởng 1 triệu đồng, khung 2 là 10 triệu đồng, khung 3 là 40 triệu đồng. Lúc đó mình sẽ có nhiều tiền, còn mấy cái hàng này khi nhận tiền rồi mình vứt đi chứ để làm gì”, anh A Mắc giải thích.

 

A Mắc cho biết thêm, vì mua những thứ trên nên mấy tháng nay gia đình rơi vào thế đói. Cũng như anh A Mắc, hàng ngày phải trèo đèo, lội suối hàng chục km để lên rẫy từ sáng sớm đến tối mới về, kiếm không đủ ăn nhưng A Thìn (làng Pim Long) cũng cố “rinh” về 1 mát mát xa hiệu “Kang Fwu life saver” giá 6,3 triệu đồng. Mua máy hơn 4 tháng nay nhưng gia đình mới sử dụng thử 5 lần, bởi “lên rẫy người đã mệt nhừ, về đến nhà chỉ muốn nằm ngủ cho khỏe”.
 
Nồi cơm điện và bếp từ 5,2 triệu cũng chỉ để ngắm trong khi gia đình đang thiếu đói nheo nhóc

 

Được cậu con rể động viên, ông thôn trưởng A Jêu, thôn Đắk Ác cũng dẫn vợ xuống Quy Nhơn “tậu” 1 máy ôzôn, một nồi điện và bếp từ với giá gần 10 triệu đồng: “Mình đi mua hàng nên công ty lấy xe đưa đón không mất tiền, mình chỉ mất 130.000 tiền thuê khách sạn và tiền ăn 1 đêm, 2 ngày thôi. Bếp từ mình không dùng, còn máy ôzôn 1 tháng dùng 1 đến 2 lần, vì chỉ khi nào mua thịt hoặc cá mình mới dùng để rửa thôi”, ông trưởng thôn cho biết.

 

Chính quyền bất lực

 

Hỏi kỹ ra thì được biết những người dân ở đây tham gia hệ thống kinh doanh của một Công ty kinh doanh đa cấp khá “tiếng tăm” từ trong Nam tới ngoài Bắc. Quy tắc kinh doanh ở đây với tên gọi khá “mỹ miều” là “trăm hoa đua nở”: ai mua hàng từ 5 triệu đồng trở lên sẽ được tham gia vào hệ thống. Khi khung 1 đầy 100 người tham gia, người chơi sẽ nhận được khoản tiền 1 triệu đồng. Đầy khung khung 2 sẽ có cơ hội nhận 10 triệu đồng và đầy khung 3 sẽ được 30 triệu đồng. Ngoài ra công ty này còn “phỉnh” người tham gia bằng cách cho “lên chức” tổ trưởng kinh doanh nếu rủ được 3 người tới công ty mua hàng. Ngoài ra nếu ai rủ thêm được 1 người mua hàng của công ty với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng ngay từ 400 – 600 nghìn đồng. Chính vì cách thức trên mà những người dân nghèo cứ tự rỉ tai nhau, lôi kéo nhau bỏ ra những khoản tiền lớn tới công ty này mua những món đồ mà theo họ là “vứt đi chứ để làm gì”.

 

Đau xót hơn, nhiều người vì ham “thoát nghèo” mà vay nợ, thiếu đói, nheo nhóc; rồi để “gỡ lại vốn” họ lại cố gắng rủ rê chính những người thân của mình bỏ tiền triệu ra mua hàng.

 

Ông A Sô Lai, Bí thư  Đảng ủy xã Đắk Long, cho biết: Cả xã có hơn 90% là người H’Lăng và người Jẻ, hơn 60% là hộ nghèo. Tổng thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã là 5 triệu đồng/người/năm. Năm nào bà con trong xã cũng thiếu đói vào những tháng giáp hạt nên phải nhận sự cứu đói của nhà nước. Nhưng cả xã hiện có hàng trăm hộ bỏ tiền ra mua những món đồ trên với tổng số tiền lên đến gần 800 triệu đồng – một số tiền khổng lồ đối với người dân nơi đây.
 
Ông Lai – Bí thư xã – ngậm ngùi nhìn danh sách hàng trăm người dân nghèo bỏ gần 1 tỷ mua hàng “xịn” về cất

 

“Bà con tham gia chỉ là hám lợi chứ đâu có biết gì, cả ngày trên rẫy đến tối mới về mệt ngủ lăn ra chứ có dùng đến những thứ mua về đâu. Nhiều gia đình thậm chí rất nghèo, cơm không đủ ăn, quần áo thiếu mặc nhưng cũng cố gắng vay tiền để tham gia mua hàng vì chương trình “trăm hoa đua nở”. Có gia đình nghèo quá vay không được tiền, chuẩn bị bán nhà để lấy tiền mua hàng, may mà xã kịp thời can thiệp”, ông Lai chua xót.

 

Trước tình trạng trên, cán bộ xã đã kết hợp với bộ đội biên phòng họp dân, động viên, phân tích cho người dân hiểu không nên mua những món hàng “xa xỉ” trên nhưng người dân vẫn bỏ ngoài tai. “Khi họp nói thì họ nghe, nhưng sau đó vẫn đâu vào đấy. Trước đây cứ đủ 10 người là công ty (công ty kinh doanh đa cấp nói trên- PV) cho xe vào tận nhà để đón dân đi xuống Quy Nhơn mua hàng. Khi xã ngăn chặn thì họ không cho xe vào đón nữa mà người dân tự nguyện lén lút chạy xe máy xuống Quốc lộ 14 để lên xe công ty chờ sẵn đưa đi” – ông Lai cho biết thêm.

 

Cũng theo ông Lai, xã đã từng mời người đại diện của công ty nói trên là ông Trương Thanh T. lên làm việc. Ông này đưa ra bảng giá hàng khác hoàn toàn với giá người dân mua, rẻ hơn tới 5, 6 lần. Ông T. còn nói những chường trình như “trăm hoa đua nở” đều là do dân tự nghĩ ra chứ công ty không có. Ông ta cũng hứa 1 tuần sau lên làm việc tại xã, nhưng 2 tháng nay không thấy xuất hiện, gọi điện thoại thì không nghe. Bây giờ xã chỉ còn biết nhờ cơ quan chức năng cấp cao can thiệp.
 
Chương trình “trăm hoa đua nở” do chính công ty kinh doanh đa cấp này in, phát cho dân nghèo nhưng đại diện công ty lại khẳng định là do người dân tự nghĩ ra.

 

Theo tìm hiểu của người viết, không chỉ tại xã Đắk Long mà một số xã khác cũng đang có hàng trăm người dân nghèo vay nợ, bán nông sản “non” để được tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp này.

 

Nhìn người dân mua “hàng xịn” về cất trên cái đói, cái nghèo, sự nheo nhóc, sự ngây thơ mông muội mà xót xa!

 

Thiên Thư

Theo dantri

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

Ad will display in 09 seconds

Darwin đã dạy Hitler điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

    Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

    Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

  • Darwin đã dạy Hitler điều gì?

    Darwin đã dạy Hitler điều gì?

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?