dd

15/03/18, 09:22 Tin Tổng Hợp

 

12h trưa, tiếng chuông từ ngôi thánh đường ngân vang cũng là lúc cánh cổng sắt nhà bà Trần Thị Nguyễn (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) bật mở.

Đỗ xịch chiếc xe đạp trước cổng nhà, bà xuống bếp chuẩn bị cơm cho bọn trẻ. Bên mép tường, con gái bà, Đỗ Thị Dung (28 tuổi), lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế đòn hướng mắt ra phía cổng.

Số trời đã định

Thoạt vào nhà, ai nấy đều giật mình nếu không được người mẹ giới thiệu về cô con gái thứ hai.

“Dung nhà tôi đó, năm nay 28 tuổi rồi”, khóe mắt người mẹ đỏ hoe, “mấy năm trước nó còn sang nhà hàng xóm chơi không chịu về, giờ sức khỏe yếu rồi, không đi được nữa”.

28 tuổi, nhưng Dung cao chưa đầy 70cm, nặng khoảng 13kg.

Bà Nguyễn xót xa nhớ lại 6 tháng sau sinh, bà bế con gái đi tiêm phòng lao, nhưng về nhà cô bé bị sốt cao và nổi hạch ở nách. Hạch to dần, sau một năm rưỡi thì tự vỡ ra và sưng tấy.

Cũng từ đó, Dung không thể lớn.

Vợ chồng bà Nguyễn bồng bế con đi mấy bệnh viện gần nhà để khám thì bác sĩ chẩn đoán con gái bà mắc chứng não úng thủy.

Không có điều kiện chữa trị ở tuyến trên, vợ chồng đành ôm con về nhà mong chờ một phép màu.

“Mấy chục năm qua không ốm nặng đến mức phải đi viện, có đau bụng thì xức chút dầu gió là con khỏe ngay. Vậy mà nay con chỉ ngồi vậy thôi, ‘không chịu’ đi nữa”, bà kể.

“Bốn tuổi mới biết đi, biết nói. Hàng xóm ai đến nhà thì nó gọi tên, thế nhưng chưa một lần nó gọi tiếng mẹ”, bà Dung nghẹn ngào.

Giờ đã gần 60 tuổi nhưng người phụ nữ này cũng chỉ ao ước một lần được nghe con gái gọi mẹ.

Bà Nguyễn kể lần duy nhất Dung cất tiếng gọi bố cũng chính là ngày… ông mất.

Hai năm trước, chồng bà gặp tai nạn giao thông qua đời. Đúng 12h đêm, người dân mang ông về, Dung đang ngủ thảng thốt tỉnh dậy kêu: “Bố, bố ơi, dậy đi”.

Người mẹ bật khóc kể cũng từ ngày bố mất, Dung cứ giữ khư khư khăn tang của bố bên mình.

Mới đây, chiếc khăn tang cùng “chiếc túi thần kỳ” của Dung bị bọn trẻ trong làng lấy mất, cũng từ đó cô cũng không còn cười như trước nữa.

Mỗi ngày, niềm vui của cô gái nhỏ gói gọn trong “chiếc túi thần kỳ”.

Mỗi ngày, niềm vui của cô gái nhỏ gói gọn trong “chiếc túi thần kỳ”. Dung cười khúc khích, thò tay vào túi bóng màu đỏ khoe: “giấy… giấy”; “bim… bim”, “dép đẹp… đẹp”. 

Mấy đứa trẻ hàng xóm coi đây là “chiếc túi thần kỳ” chứa nhiều món quà vặt mà “chị Dung” ưa thích.

Cô cũng thích nghe con chó giữ nhà sủa inh tai, thích nô đùa với đứa cháu và xem chương trình vô tuyến vui nhộn.

Bàn tay Dung nhỏ bé như đứa trẻ.

Mang hình hài một đứa trẻ, suốt 28 năm qua, Dung chưa một lần được đến trường.

“Nó biết hết đó, nó xấu hổ vì bị mấy đứa trẻ trêu chọc. Hồi bé có trường mẫu giáo gần nhà kho, tôi cho nó đi học nhưng nó không chịu”, bà Nguyễn bộc bạch.

Phần đầu phình to, tay chân như một đứa trẻ, còn da mặt của Dung nay nhăn nheo lộ rõ tuổi tác.

Dung rất khó khăn trong việc đi lại, lẫm chẫm tập đi từng bước như một đứa trẻ và ngã dúi dụi nếu không có điểm tựa. Đi được mấy bước, cô thở hổn hển vì mệt nhọc.

Sức khỏe Dung đang yếu dần, hiện cô không thể bước ra khỏi cánh cổng nhà để đến chơi nhà hàng xóm như trước.

Dung rất thích những màu sắc sặc rỡ như hồng, đỏ. Trong ảnh, cô khoe chiếc tất hồng sắp được mẹ mang giúp.

Nhìn con gái nhỏ bé chẳng bằng đứa trẻ lên ba, bà Nguyễn bật khóc: “Tôi làm sao vui được nữa, lúc nào cũng mong con lớn mà chẳng được. 

Người ta có khuyên nên mang con đi chữa, nhưng giờ nó nhiều tuổi rồi, tôi cũng chẳng có điều kiện để cho con đi chữa nữa. Biết lấy tiền đâu ra. Thôi, số trời đã định cho con vậy rồi, biết sao”.

Tấm lòng người mẹ

Đi khắp xóm đạo, ai cũng xôn xao về “căn bệnh lạ” của Đỗ Thị Dung và xót xa cho hoàn cảnh của cô gái nhỏ.

“Từ bé đã như thế rồi, bố mẹ nuôi mãi đến hai mấy tuổi đầu vẫn như vậy, ngồi đâu ăn đấy. Trước đây con bé Dung còn hay sang nhà bên cạnh chơi, nhưng giờ hết rồi. Số nó khổ” – bà Phạm Thị Mão (68 tuổi, hàng xóm) chia sẻ.

Còn ông Vũ Văn Chính (một hàng xóm khác) thì kể về người mẹ mà ông cảm phục.

Chồng mất nhưng bà Nguyễn vẫn cố gắng làm lụng nuôi con, chăm con bệnh tật. Anh cả lấy vợ, rồi chị Thơm thứ tư lấy chồng nhưng hoàn cảnh ai cũng nghèo nên không đỡ đần gì cho mẹ.

Ngoài Dung, con gái thứ ba của bà đau ốm liên miên, con trai út Đỗ Văn Thiệp năm nay học lớp 6 nhưng cũng chỉ nặng 13kg, cao 95cm.

Từ ngày chồng mất, một tay bà làm 4 sào ruộng, trồng lúa, trồng rau nuôi nấng ba đứa con còn nhỏ dại mà đứa nào cũng bệnh tật.

“Gia đình không còn hi vọng gì, chỉ mong có các nhà từ thiện, các bác sĩ làm xét nghiệm thì may ra bắt được bệnh” – ông Chính bày tỏ.

Một hàng xóm khác thì kể mới hôm trước đi khám bệnh về thấy đám trẻ con trêu chọc thằng Thiệp vì “nó chỉ cao bằng một nửa so với bạn bè cùng trang lứa”.

Ở trường, cô giáo nhận xét trong học bạ Thiệp mắc chứng “trầm cảm, ít nói, ít giao tiếp” với mọi người xung quanh.

Thiệp bẽn lẽn, ánh mặt luôn cụp xuống khi đối diện với người lạ. Về nhà cậu bé thích sà vào lòng mẹ, tự tay chế tạo, lắp ghép ôtô đồ chơi.

“Con thích học vẽ, còn môn Toán con không học kịp. Ở trường, con bị bạn bè trêu chọc, không cho con chơi cùng. Con muốn cao lớn như các bạn, muốn được đi học”, Thiệp thỏ thẻ nói.

Xoa đầu con trai, bà Nguyễn nói bà không hiểu vì sao cả hai đứa con chỉ lớn được chừng đó, có bao nhiêu tiền bạc trong nhà là bà mua thuốc bồi bổ, mua đồ ăn, mua sữa cho các con hết nhưng cũng không đủ.

“Giờ tôi chỉ mong con bé Dung khỏe mạnh, đi chơi được để tôi đi làm, suốt ngày nhìn con chỉ ngồi như vậy, đau lòng lắm. Tôi chỉ lo sau này tôi già yếu, chẳng biết ai nuôi, ai chăm lo cho mấy đứa đây”, bà Nguyễn trăn trở.

Thông qua một người bạn ở TP.HCM, chúng tôi biết được câu chuyện của cô gái Đỗ Thị Dung từ một người đàn ông là Việt kiều Mỹ.

Tình cờ nhìn thấy hình ảnh của Dung trên mạng xã hội, người đàn ông đó đã “mất ăn mất ngủ” và tìm mọi cách liên hệ với người thân ở miền Nam nhờ tìm đầu mối ở miền Bắc tìm kiếm, xác minh thông tin về hoàn cảnh gia đình chị.

Như mối cơ duyên, không chỉ đồng cảm với hoàn cảnh gia đình, nhiều lúc ông nấc nghẹn trong điện thoại khi nhắc đến chị Dung.

Rồi dù cách xa Việt Nam đến nửa vòng trái đất, múi giờ lệch nhau… nhưng ông vẫn “canh” thời gian, chọn thời điểm thích hợp để gọi điện cho người bạn rồi phóng viên và sau này điện thoại qua hàng xóm nói chuyện và động viên bà Nguyễn, người mẹ một tay chăm sóc Dung mấy chục năm qua.

Thời điểm trước tết Nguyên đán, người đàn ông không có máu mủ ruột rà, chưa một lần gặp mặt gia đình chị Dung đã thông qua phóng viên báo Tuổi Trẻ chuyển một khoản tiền hỗ trợ để bà Nguyễn sửa sang nhà cửa…

“Trước mắt phải làm ngay cái cửa rào để cô bé không bị bọn trẻ nghịch phá lấy mất đồ chơi”, ông lo lắng dặn tới dặn lui.

“Nhìn bé Dung cười, tôi mãn nguyện lắm” – người đàn ông đã ngoài 70 tuổi chia sẻ và nói giờ chỉ mong sự san sẻ của cộng đồng để cuộc sống của cô và mẹ bớt cơ cực phần nào.

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

Ad will display in 09 seconds

Darwin đã dạy Hitler điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

    Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

    Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

  • Darwin đã dạy Hitler điều gì?

    Darwin đã dạy Hitler điều gì?

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?