Phong trào nghiên cứu Tưởng Giới Thạch – Trả lại thanh danh cho bậc kỳ tài

07/02/18, 11:33 Góc nhìn Lịch sử

Xưa nay “Được làm vua, thua làm giặc”, kẻ lên làm vua đều sửa lại lịch sử theo ý mình, sử dụng bộ máy tuyên truyền của nhà nước để đánh giá sai lệch các nhân vật mình không ưa thích và biến sự đánh giá đó thành quan điểm của đông đảo dân chúng. Tưởng Giới Thạch chính là nhân vật bị vùi dập như thế.

Do tác động của bộ máy tuyên truyền, hầu như toàn bộ dân Trung Quốc đều tin rằng Tưởng Giới Thạch là kẻ thù của họ, kẻ bán nước buôn dân. (Ảnh: TT)

Lịch sử Trung Quốc (TQ) xưa kia là một chuỗi bất tận những cuộc tranh giành quyền làm chủ thiên hạ theo quy luật muôn thủa Được làm vua, thua làm giặc. Kẻ lên làm vua đều sửa lại lịch sử theo ý mình, sử dụng bộ máy tuyên truyền của nhà nước để đánh giá sai lệch các nhân vật mình không ưa thích và biến sự đánh giá đó thành quan điểm của đông đảo dân chúng. Cách làm ấy cản trở bước tiến của xã hội.

Bởi thế, việc tìm kiếm sự đánh giá công bằng các nhân vật lịch sử trở thành sứ mạng của người trí thức chân chính. Đây là một công tác nghiên cứu học thuật đòi hỏi sự nỗ lực và dũng cảm, chỉ có thể làm được khi nhà cầm quyền biết tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận.

Hiện nay Tưởng Giới Thạch là nhân vật nổi bật nhất đang được người TQ, trước hết là các sử gia và nhà văn, hăng hái tìm hiểu, đánh giá lại. Nghiên cứu Tưởng Giới Thạch trở thành cơn sốt trên đại lục TQ.

Hiện tượng đó được Viên Vĩ Thời, giáo sư ĐH Trung Sơn ở Quảng Châu giải thích: “Trước kia Tưởng Giới Thạch bị yêu ma hóa ghê gớm quá, vì thế nhất định sẽ xuất hiện xu hướng muốn tìm lại sự thật. Thứ nữa, môi trường chính trị bây giờ tương đối thoáng, mọi người có thể tự do tìm hiểu sự thật. Đây là hai nguyên nhân khiến người ta hăng hái nghiên cứu và viết về họ Tưởng”.

Những thành kiến sai lệch thâm căn cố đế

Tưởng Giới Thạch (1887-1975) — nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc thời gian 1924-1949 và sau đó đứng đầu chính quyền Đài Loan cho tới khi chết — là nhân vật rất quan trọng trong lịch sử TQ. Tên tuổi ông gắn liền với việc Trung Hoa Dân Quốc trở thành một trong Tứ hùng chiến thắng Thế chiến II, là đồng sáng lập Liên Hợp Quốc và một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Tổng thống Mỹ Nixon từng nói: “Lịch sử nửa thế kỷ của TQ là lịch sử của Mao (Trạch Đông), Chu (Ân Lai) và Tưởng (Giới Thạch)”.

Thế nhưng từ sau năm 1949, do tác động của bộ máy tuyên truyền, hầu như toàn bộ dân đại lục TQ đều tin rằng Tưởng Giới Thạch là kẻ thù của họ, kẻ bán nước buôn dân, đối nội thực hành cai trị độc tài, đối ngoại dựa vào bè lũ đế quốc, không chống lại phát xít Nhật xâm lược.

Cuốn sách đầu tiên viết về Tưởng xuất bản ở đại lục TQ là cuốn Tưởng Giới Thạch kẻ thù chung của nhân dân” do Trần Bá Đạt (thư ký Mao Trạch Đông) viết, dùng luận điệu tuyên truyền chính thức của nhà nước phủ định toàn diện Tưởng Giới Thạch, đã tác động cực lớn đến nhận thức của toàn xã hội đại lục về nhân vật này.

Nhiều trí thức TQ phản đối cách đánh giá ấy nhưng họ đành gác bút không viết gì về họ Tưởng; họ hiểu rằng trong môi trường học thuật đã bị chính trị hóa, nếu muốn được xuất bản các ấn phẩm đề tài này thì phải viết những điều trái với lương tâm. Quốc Dân Đảng, Tưởng Giới Thạch luôn luôn là đề tài cấm kị. Trong Cách mạng Văn hoá từng có chuyện vợ chồng gia đình nọ phải tự tử khi Hồng Vệ Binh khám nhà phát hiện thấy một tờ báo cũ thời Tưởng.

Gió đổi chiều

Sau khi TQ thi hành cải cách mở cửa, nhất là sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, mâu thuẫn ý thức hệ nhạt nhòa dần, tự do tư tưởng và ngôn luận được nới rộng, dư luận bắt đầu quan tâm tới Tưởng Giới Thạch.

Thoạt tiên, giới đầu nậu xuất bản in lậu nhiều tác phẩm của Tưởng, bán rất chạy. Dân chúng truyền tay nhau những bản sao chụp sách mang từ ngoài nước về như “Truyện Tưởng Giới Thạch”, “Bộ mặt Tưởng Giới Thạch”, các bài viết liên quan của nhà văn Đài Loan Lý Ngạo, người từng bị ngồi tù nhiều năm vì tội “chống chế độ” Tưởng.

Tiếp đó, một số học giả TQ bắt đầu sưu tầm tư liệu để dựng được một bức tranh chân thực về Tưởng Giới Thạch.

Người đi đầu là sử gia nổi tiếng Dương Thiên Thạch, suốt từ năm 1983 tới nay chuyên nghiên cứu các tư liệu nói về Tưởng hiện có ở TQ, Đài Loan và ở Mỹ, Anh, Nhật. Ông là người TQ đầu tiên đọc bản gốc “Nhật ký Tưởng Giới Thạch” được công khai từ năm 2006 tại Viện Nghiên cứu Hoover thuộc ĐH Stanford.

>>> Nhật ký Tưởng Giới Thạch: Vĩ nhân bị vùi dập bởi bộ máy tuyên truyền

Ông cũng là người đầu tiên dám nói những sự thật lịch sử nhưQuốc Dân Đảng từng là chính đảng yêu nước, cách mạng, Tưởng Giới Thạch từng là nhà cách mạng chống triều đình Mãn Thanh, chống Viên Thế Khải, từng là đội trưởng đội cảm tử trong trận tấn công nha môn Tuần phủ Hàng Châu, có công cứu Tôn Trung Sơn khi nguy cấp, có công sáng lập trường võ bị Hoàng Phố v.v… Các phát ngôn ấy của ông mới đầu bị dư luận lên án gay gắt. 

Dương nói ông không thích Tưởng Giới Thạch nhưng vẫn nghiên cứu nhân vật này, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu làm khoa học của một sử gia, nhu cầu phát triển mối quan hệ hoà bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan và nguyện vọng biết rõ mọi tình tiết sự việc.

Cho tới nay TQ đại lục đã xuất bản hơn 200 đầu sách viết về Tưởng. Nổi tiếng hơn cả có “Tưởng Giới Thạch đại truyện”, “Tưởng Giới Thạch tự truyện”, “Tưởng Giới Thạch Nhật ký”, v.v…

Nhà xuất bản Đoàn Kết tại Bắc Kinh là nơi chuyên xuất bản các ấn phẩm đề tài Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch; từ năm 1987 tới nay đã cho ra cả trăm đầu sách. Mấy năm nay, năm nào họ cũng xuất bản được 20-30 đầu sách. NXB này thuộc Ủy ban Cách mạng Quốc Dân Đảng TQ, vốn là phái tả trong Quốc Dân Đảng, từ 1948 là thành viên mặt trận thống nhất do ĐCSTQ lãnh đạo.

Năm 1988, “Cuộc đời Tưởng Giới Thạch” của Tống Bình xuất bản, bán được 80 vạn cuốn, một con số rất lớn hồi ấy. Năm sau, “Truyện Tưởng Giới Thạch” của giáo sư sử học Dương Thụ Tiêu (ĐH Chiết Giang) được in, đi tiên phong trong việc khẳng định một số mặt tích cực của Tưởng Giới Thạch, nhân vật bao năm nay bị bêu riếu là ngu xuẩn, thô bạo, tham lam hiếu sắc, độc tài chuyên chế, không có chí lớn.

Năm 1992, nhà văn Diệp Vĩnh Liệt hoàn thành “Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông”, nhưng sách này không được xuất bản vì trên không duyệt tên sách, với lý do “Tưởng Giới Thạch là đại diện giới đại tư sản mại bản, đại quan liêu, sao có thể coi ngang hàng với Chủ tịch Mao?”. Nhiều năm sau, cũng cùng tên sách đó, chỉ bổ sung thêm một ít nội dung, nhưng sách của ông lại được xuất bản.

Năm 2010, Diệp Vĩnh Liệt xuất bản một tác phẩm bộ ba, trong đó cuốn “Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông” in 40 nghìn bản, bán chạy hơn hai cuốn còn lại.

Biến “ma quỷ” và “thần thánh” thành người

Trong khi đại lục TQ đánh giá Tưởng Giới Thạch ngày càng tích cực hơn, biến ông từ “ma quỷ” thành con người, thì tại Đài Loan, đảng Dân Tiến cầm quyền (2000-2008) lại kéo ông ra khỏi đền thờ, biến ông từ thần thánh thành con người.

Dân Tiến phát động phong trào “Xóa Tưởng”. Đầu tiên họ dỡ bỏ hơn 100 bức tượng Tưởng Giới Thạch trong các trại lính, và bức tượng Tưởng lớn nhất toàn đảo ở Cao Hùng. Họ còn đề nghị đổi tên Nhà Kỷ niệm Trung Chính thành Nhà kỷ niệm dân chủ Đài Loan (Trung Chính là tên của Tưởng Giới Thạch).

Để phản đối “Xóa Tưởng”, ông Mã Anh Cửu (người Quốc Dân Đảng) lên tiếng đòi đánh giá khách quan Tưởng Giới Thạch, phục hồi sự thật lịch sử. Chủ trương “Xóa Tưởng” cũng không được lòng dân Đài Loan. Đảng Dân Tiến chủ trương Đài Loan là quốc gia độc lập, còn Quốc Dân Đảng chủ trương hoà bình hợp tác với Bắc Kinh. Năm 2008, Quốc Dân Đảng thắng cử lên cầm quyền Đài Loan, Dân Tiến trở thành đảng đối lập.

Năm 2010, giáo sư ĐH Harvard Jay Taylor xuất bản cuốn The Generalissimo (Vị Tổng Tư lệnh; TQ dịch là Truyện Tưởng Giới Thạch), là cuốn tiểu sử Tưởng Giới Thạch viết bằng tiếng Anh hoàn chỉnh nhất cho tới nay. Báo Washington Post bình luận: “Lâu nay đại lục TQ gọi Tưởng Giới Thạch là ‘giặc (phỉ)’, ‘chó săn của đế quốc Mỹ’, giờ đây ông được trả lại bộ mặt vốn có”.

Tờ Economist viết: “Hình ảnh tiêu cực của Tưởng Giới Thạch chủ yếu là do cách tuyên truyền của các nhà chính trị phái tả hồi thập niên 40 thế kỷ trước tạo ra, ngày nay The Generalissimo ‘đã lật đổ được một số hiểu lầm lớn’”.

Thay đổi trong quan điểm của lãnh đạo TQ

“Nhật ký Tưởng Giới Thạch” là bản nhật ký hoàn chỉnh nhất do chính Tưởng Giới Thạch viết trong hơn nửa thế kỷ (1917-1973). (Ảnh: Ifeng)

Từ nửa cuối thập niên 80, về cơ bản ở TQ đã không còn sự cấm kị nghiên cứu Tưởng Giới Thạch. Nguyên nhân chính là do lãnh đạo TQ thay đổi chính sách đối với Đài Loan: nhằm đẩy mạnh sự nghiệp thống nhất tổ quốc, ĐCSTQ muốn tranh thủ đoàn kết Quốc Dân Đảng, lôi kéo dân chúng Đài Loan; ngoài ra cũng nhờ có cải cách mở cửa.

Một số lãnh đạo cấp cao bắt đầu tỏ thái độ mềm dẻo với Quốc Dân Đảng. Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh viết thư cho Tổng thống Đài Loan Tưởng Kinh Quốc, Đặng Đĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) viết thư cho Tống Mỹ Linh kêu gọi thống đất nước. Bắc Kinh công bố nhiều văn kiện nói về thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan.

Một số cán bộ lãnh đạo lên tiếng ủng hộ tiến hành nghiên cứu Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng. Bài viết “Bí ẩn vụ chiến hạm Trung Sơn” của Dương Thiên Thạch đưa ra sự đánh giá tích cực về Tưởng Giới Thạch được Hồ Kiều Mộc (Ủy viên Bộ Chính trị) đánh giá cao.

Năm 2002, Dương Thiên Thạch xuất bản cuốn “Hồ sơ bí mật của họ Tưởng và sự thật về Tưởng Giới Thạch”, tuy bản thảo đã được Tổng Nha xuất bản nhà nước và Ban Thống nhất Trung ương duyệt, nhưng sách này vẫn bị một số người kết tội là tâng bốc Tưởng. Họ còn đòi cách chức tổng biên tập tạp chí Bách Niên Trào (nguyệt san do Phòng Lịch sử đảng TWĐCSTQ chủ trì) của Dương Thiên Thạch. Sau 2 tháng bị đập tơi bời trên mạng, cuối cùng ý kiến thẩm duyệt của cấp trên viết: “Sách này là một trước tác học thuật nghiêm cẩn; nghiên cứu chứ không tâng bốc”.

Năm 2005 trong diễn văn đọc nhân dịp kỷ niệm 60 năm Kháng chiến chống Nhật thắng lợi, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói: “Quân đội kháng Nhật do Quốc Dân Đảng TQ và Đảng Cộng sản TQ lãnh đạo đã gánh vác nhiệm vụ tác chiến trên các chiến trường chính diện và ở vùng hậu địch, hình thành tình thế cùng nhau chống lại Nhật xâm lược”.

Việc ông Hồ xếp Quốc Dân Đảng lên trước Đảng Cộng Sản thể hiện quan điểm mới của lãnh đạo TQ trong đánh giá cuộc kháng chiến chống Nhật, trước kia ĐCSTQ chưa bao giờ công khai nói như vậy, chứng tỏ ĐCSTQ đã đánh giá khách quan cuộc kháng chiến đó.

Cũng năm ấy Dương Thiên Thạch sang Đài Bắc dự hội thảo khoa học 60 năm kháng chiến chống Nhật và 60 năm thu hồi Đài Loan, Tổng thống Mã Anh Cửu đến nói chuyện, mở đầu bằng câu: “Tôi xin báo một tin tốt lành cho mọi người biết, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh cũng khẳng định công lao kháng chiến của Quốc Dân Đảng chúng ta”.

Hôm 8/4/2011, khi tiếp ông David Brady phó giám đốc Viện Hoover, ông Mã Anh Cửu nói gần đây ông chú ý tới việc các giới xã hội có thay đổi rõ rệt trong quan điểm bình luận Tưởng Giới Thạch, nhất là Trung Hoa đại lục; điều này khiến ông hết sức ngạc nhiên.

Ông Mã tỏ ý quan tâm tới một cuốn sách mới xuất bản tại đại lục có tên “Đội Bảo vệ Thiết huyết của Tưởng Giới Thạch”. Sách này đánh giá họ Tưởng tương đối khách quan, thí dụ nói tới việc ông chống tham nhũng, tích cực chống Nhật, về già có thái độ khoan dung v.v…, cũng phê phán ông có thái độ dung túng đối với các trường hợp người thân của ông tùy tiện hành động theo ý riêng của họ. 

Sách dày 500 nghìn chữ, bán hết ngay 1 triệu cuốn, phía Đài Loan cũng mua để các quan chức cấp cao đọc. Đơn vị xuất bản sách là NXB Biên dịch Trung ương trực thuộc Cục Biên dịch Trung ương ĐCSTQ. Do có đánh giá tích cực về Tưởng Giới Thạch mà cuốn sách đã góp phần tăng cường sự hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Có thêm nhiều tư liệu lịch sử quan trọng

Khê Khẩu (ở tỉnh Chiết Giang), quê hương họ Tưởng là Di tích lịch sử trọng điểm toàn quốc được nhà nước bảo vệ, trở thành điểm nóng du lịch, nơi đây có 10 công ty du lịch, mỗi năm đón 6 triệu du khách tới thăm. Món bánh Thiên Tầng ngày xưa họ Tưởng thích ăn nay trở thành món khoái khẩu của du khách, có cả một dãy phố làm và bán món này. Khách đại lục tham quan Đài Loan ai cũng đến thăm Nhà Kỷ niệm Trung Chính. Họ Tưởng trở thành nhân vật được ngành du lịch khai thác nhiều nhất.

Năm 2008 cuốn “Đi tìm Tưởng Giới Thạch đích thực – đọc Nhật ký Tưởng Giới Thạch” của Dương Thiên Thạch xuất bản rất thuận lợi ở đại lục và Hong Kong, được chọn là 1 trong 10 sách hay nhất năm đó. Tác giả cho biết, khi nộp bản thảo, ông rất lo sẽ không được duyệt vì trong sách có nhiều chỗ nhạy cảm.

Thí dụ phần nói về cuộc đàm phán Trùng Khánh, do Tưởng Giới Thạch có ý định bắt giữ Mao Trạch Đông (khi Mao đến Trùng Khánh) để đưa ra tòa xét xử, vì thế Tưởng đã liệt kê một loạt tội trạng của Mao và của ĐCSTQ. Sự kiện chưa ai từng biết này có viết trong “Nhật ký Tưởng Giới Thạch” nay Dương Thiên Thạch chép nguyên văn vào trong sách mà vẫn được duyệt xuất bản khiến tác giả vô cùng vui mừng.

Đầu năm 2010, Hội thảo quốc tế “Tưởng Giới Thạch với TQ cận đại” được tổ chức trọng thể, có nhiều tham luận. Ngoài ra hình ảnh Tưởng xuất hiện ngày một nhiều trong các bộ phim lịch sử lớn của TQ đã kích thích dân chúng muốn tìm hiểu nhân vật này.

Một yếu tố quan trọng nữa là ngày càng có thêm nhiều tư liệu lịch sử về Tưởng Giới Thạch, tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu.

Việc năm 2010 NXB Nhân dân xuất bản Hồi ký Trần Thành càng làm tăng nhiệt cơn sốt nói trên. Sách này hầu như in nguyên văn bản gốc xuất bản tại Đài Bắc, chỉ có sửa các từ “Cộng phỉ” (giặc cộng sản) thành “Cộng đảng” (đảng cộng sản).

Trần Thành (1898-1965) là người thân tín nhất của Tưởng, được gọi là Tiểu Tưởng Giới Thạch, thượng tướng Quân đội Cách mạng quốc dân, Phó Chủ tịch Quốc Dân Đảng, từ 1945 là Chủ tịch chính quyền tỉnh Đài Loan, Viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan 1950-1964 (tức Thủ tướng). Hồi ký của Trần Thành có nhiều tư liệu về các quyết sách quan trọng của Tưởng Giới Thạch, nhất là thời gian chiến tranh kháng Nhật, qua đó cho thấy Tưởng quyết tâm chống Nhật đến cùng.

Năm 2005, cháu dâu Tưởng Giới Thạch là bà Phương Trí Dy (vợ Tưởng Hiếu Dũng, con trai Tưởng Kinh Quốc) giao bản gốc Nhật ký Tưởng Giới Thạch cho Hoover Institute bảo quản, nhằm để có thể công khai tư liệu lịch sử này cho công chúng đọc. Đây là một quyết định rất sáng suốt của các hậu duệ họ Tưởng, bởi lẽ tập nhật ký viết tay này sau nhiều năm đã xuất hiện những hư hỏng, cần được bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Vả lại Viện Hoover là nơi lưu giữ an toàn nhất các tư liệu lịch sử, hơn nữa viện này mới có điều kiện để công khai tài liệu cho công chúng đọc.

Đây là bản nhật ký hoàn chỉnh nhất do chính Tưởng Giới Thạch viết trong hơn nửa thế kỷ (1917-1973). Tài liệu lịch sử có một không hai này đã thu hút các học giả người Hoa trên toàn thế giới, nhất là người đại lục xưa nay vốn hiểu sai về họ Tưởng. Có lúc hơn chục học giả đại lục TQ đồng thời đọc trong thư viện. Hậu duệ các cựu quan chức Quốc Dân Đảng cũng rất muốn biết Tổng thống Tưởng viết gì về cha ông họ.

Viện Hoover quy định, người đọc không được mang theo máy tính, máy ảnh, chỉ được đọc bản micro-phim, chỉ được chép tay, không được chụp ảnh hoặc photo copy, muốn trích dẫn nguyên văn câu nào trong Nhật ký thì phải xin phép gia đình họ Tưởng, chỉ được dùng bút và giấy do Viện cung cấp tại chỗ. Do nhật ký rất dày mà tốc độ chép tay rất chậm nên việc đọc và chép mất thời gian nhiều tháng trời.

Các sử gia và nhà văn TQ từng đọc Nhật ký cho biết tuy không ghi nhiều sự kiện quan trọng nhưng Nhật ký rất bổ ích cho việc tìm hiểu thế giới nội tâm của Tưởng Giới Thạch; nội dung Nhật ký rất thật, không có chỗ nào giả tạo, không phải loại nhật ký viết cho người khác đọc.

Nhà báo Nhan Xương Hải nhận xét: “Đọc ‘Nhật ký’ có thể thấy Tưởng Giới Thạch có phẩm chất siêu quần. Quá trình học tập tu thân lập chí của ông đáng để các thế hệ sau noi theo. Từ năm 1917 trở đi ngày nào ông cũng viết nhật ký, liên tục 55 năm. Ông không chỉ ghi chép chính sự mà cũng ghi cả chuyện riêng, kể cả chuyện xấu, chuyện trăng hoa của mình. Qua Nhật ký có thể thấy ông là người dám chịu trách nhiệm với lịch sử, có nội tâm trong sáng. Thử hỏi có mấy nhà chính trị TQ dám phơi bầy nội tâm bằng cách ghi nhật ký như thế. Ông toàn suy nghĩ những việc lớn của TQ chứ không nghĩ chuyện thế lực cá nhân. Một người có công trạng lớn, đạo đức cao thượng như vậy thật là một trong các vĩ nhân TQ thế kỷ XX”.

Theo Vanhoanghean

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

Ad will display in 09 seconds

Darwin đã dạy Hitler điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

    Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

    Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

  • Darwin đã dạy Hitler điều gì?

    Darwin đã dạy Hitler điều gì?

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?