Sợ vào trại tị nạn, chồng ôm vợ con nằm cố thủ trên đường ray
Một người đàn ông trong cơn tuyệt vọng đã ôm vợ và con nhỏ lao ra nằm cố thủ trên đường ray ở thành phố Bicske, Hungary, để phản đối việc cảnh sát đưa họ đến trại tị nạn.
Tuy nhiên, để bảo vệ an toàn cho cả gia đình, các sĩ quan cảnh sát cuối cùng cũng đã lôi họ khỏi đường ray bất chấp sự kêu khóc phản đối của cả 2 vợ chồng.
Gia đình 3 người nói trên nằm trong số 2.000 người tị nạn đã đổ dồn về nhà ga tàu hỏa Keleti ở Budapest để tìm đường sang Áo từ ngày 1/9. Chính quyền Hungary đã đóng cửa nhà ga này và cho cảnh sát trấn thủ suốt 2 ngày qua. Đến khi lực lượng cảnh sát rút đi vào sáng ngày 3/9, những người tị nạn lập tức tràn vào một đoàn tàu đang đỗ trong ga gây nên tình trạng hỗn loạn.
Hàng trăm người tị nạn tự leo lên tàu với hy vọng sẽ đến được Áo và Đức để bắt đầu cuộc sống mới, nhưng khi đoàn tàu đến thành phố Bicske, cách Budapest khoảng 20 dặm, thì lập tức bị lực lượng cảnh sát giữ lại.
Cảnh sát đã yêu cầu những người tị nạn xuống tàu di chuyển đến một trại tị nạn ở trung tâm thành phố Bickse nhưng những người tị nạn không muốn như vậy và 2 bên đã xảy ra xung đột.
Trong khi gia đình này phản đối trên đường ray, những người còn lại trên tàu đã cùng hô to “không vào trại, không vào trại” và đập vào cửa sổ các toa tàu để yêu cầu chính quyền địa phương không đưa họ đến trại tị nạn.
Cuối cùng, cảnh hỗn loạn cũng tạm được ổn định nhưng hàng trăm người vẫn ngồi lại tại nhà ga Bicske và yêu cầu được cung cấp nước uống.
Đây là những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất châu Âu kể từ sau chiến tranh Nam Tư những năm 1990. Trong đó, Hungary trở thành “điểm nóng” vì hàng ngàn người tị nạn cho rằng đây là “cửa ngõ” đến Tây Âu. Chỉ tính riêng trong tháng 8 đã có khoảng 50.000 người tị nạn vào lãnh thổ Hungary.
Trong một diễn biến khác, khủng hoảng di cư cũng đang xảy ra ở khu vực Đông Nam Á khi mới đây một chiếc thuyền gỗ ọp ẹp chở 100 người di cư đã bị đắm trên khu vực eo biển Malacca thuộc Malaysia vào sáng sớm 3/9 khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
Theo người đứng đầu cơ quan an ninh hàng hải Malaysia Mohamad Aliyas Hamdan, hiện vẫn chưa thể khẳng định những nạn nhân trên thuyền đang di cư sang Malaysia hay đang cố vượt biên trái phép khỏi Malaysia. Tuy nhiên, nhiều khả năng họ là những người di cư từ Indonesia sang Malaysia tìm việc làm, vì lâu nay Malaysia vẫn là “nam châm” thu hút những người Indonesia đến đây mưu sinh. Hiện có khoảng 2 triệu người nhập cư trái phép đang làm việc tại Malaysia mà phần lớn trong số họ đến từ Indonesia.
Theo Người Lao Động