Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản
Được coi là vụ không kích kinh hoàng nhất trong lịch sử từ trước tới nay, khi Mỹ triển khai ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Loại máy bay được sử dụng trong chiến dịch này là B-29 Superfortress, máy bay hiện đại nhất thế giới thời điểm bấy giờ. Vũ khí được sử dụng là loại bom nguyên tử hình nấm kích cỡ 468 x 741, có sức tàn phá khủng khiếp lần đầu được nhân loại biết đến.
Sau những mất mát nặng nề ở Trân Châu Cảng, Mỹ chính thức tham gia vào Thế chiến thứ Hai. Cuối những năm 1944, Mỹ liên tiếp triển khai máy bay ném bom oanh tạc nhiều thành phố của Nhật Bản. Tuy nhiên, Mỹ quyết định nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến bằng cách ném bom nguyên tử xuống ba mục tiêu định sẵn là Hiroshima, Kokura và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945, nếu như điều kiện thời tiết cho phép.
Ngày 6/8/1945, máy bay ném bom B-29 biệt danh Enola Gay cất cánh từ căn cứ bí mật trên biển Thái Bình Dương nằm cách Tokyo 1.450 dặm. Lúc 8h15 sáng cùng ngày, quả bom nguyên tử đầu tiên nặng 4.406 kg mang tên Little Boy được thả xuống Hiroshima. Khi phát nổ, nó tạo ra quầng lửa hình nấm khổng lồ bốc lên từ mặt đất, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và của ở thành phố này.
Quả bom thứ hai tên là “Fat Man” được thả xuống thành phố công nghiệp Nagasaki ba ngày sau từ máy bay ném bom B-29 biệt danh Bockcar. Nó cũng gây ra những thảm họa tương tự ở thành phố Hiroshima, khiến Nhật Bản chìm trong sợ hãi. Rất may đó là quả bom nguyên tử cuối cùng trong kho vũ khí của Mỹ nên Kokura thoát nạn.
Nhật đầu hàng 5 ngày sau đó, kết thúc Thế chiến thứ Hai và mở ra kỉ nguyên hạt nhân ảm đạm cho nhân loại.
Chiến tranh Triều Tiên
Chiến tranh Triều Tiên đánh dấu sự góp mặt tích cực của không kích trong chiến đấu. Dù được sử dụng từ thời Phát xít Đức nhưng phải đến chiến tranh Triều Tiên, không kích mới thể hiện vai trò chủ lực trong tác chiến hiện đại. Đây là trận chiến trên không của hàng loạt các loại máy bay như F-51 Mustang, F-80 Shooting Star, F-9F Panther, F-86 Sabre và MiG-15 Fagot của cả hai phía.
Hai miền Nam – Bắc Triều Tiên nổ ra chiến sự tháng 6/1950. Hàn Quốc nhận được sự giúp đỡ của Mỹ, trong khi Triều Tiên được Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ. Vũ khí được sử dụng trong trận không kích chủ yếu do Mỹ và Liên Xô sản xuất. Với ưu thế của máy bay phản lực lần đầu tiên được sử dụng, các cuộc không kích diễn ra hết sức ác liệt. Tuy MiG-15 của Liên Xô vượt trội về công nghệ, nhưng do máy bay của Mỹ sử dụng số lượng để giành thế áp đảo nên ưu thế trên không vẫn ở thế cân bằng.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 mà không bên nào giành được thắng lợi. Cuối cùng, Hàn Quốc và Triều Tiên đành phải đình chiến và ở trong tình trạng đối đầu từ đó đến nay.
Vụ không kích đánh chiếm đảo Falklands
Quần đảo Falklands nằm dưới sự cai trị của Anh từ năm 1833, tuy nhiên năm 1982, Argentina muốn nỗ lực giành lại phần lãnh địa có vị trí vô cùng quan trọng này nên đã khiêu chiến với Anh.
Đây là cuộc chiến đầu tiên giữa không quân hiện đại của hai quốc gia sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt. Anh có lợi thế về kinh nghiệm chiến trường, trong khi Argentina chiếm phần hơn về mặt địa lí nhờ khoảng cách tới đảo Falklands gần hơn. Cuộc chiến này được đánh giá là hết sức cam go và căng thẳng, bởi cả hai bên đều ngang ngửa trong chiến đấu.
Trên thực tế, phía quân đội Anh sở hữu loại máy bay ném bom Avro Vulcan hiện đại hơn nhiều so với không quân Argentina. Một kế hoạch táo bạo và tối mật đã được không quân Hoàng gia hoạch định nhằm vô hiệu hóa không lực đối phương. Theo đó, hai chiếc Avro Vulcan sẽ mang theo 21 quả bom khối lượng gần 500kg mỗi quả để phá hủy sân bay quân sự và hai trạm radar của đối phương.
Khi kế hoạch được triển khai, quân đội Anh phát hiện ra mình không có căn cứ quân sự nào để Avro Vulcan gần vị trí chiến đấu. Vì thế, mỗi máy bay sẽ phải vượt qua quãng đường 13.000km để đến được mục tiêu tấn công. Đây là sứ mệnh tấn công dài nhất trong lịch sử nhân loại thời điểm đó.
Tuy nhiên, khi tiến hành chiến dịch, một trong hai chiếc may bay gặp sự cố và buộc phải quay về nên chỉ còn một chiếc đơn thương độc mã. Khi cách mục tiêu 500km, chiếc máy bay mang theo 10 tấn bom này chỉ được bay cao hơn mực nước biển vài chục mét để tránh bị phát hiện.
Nhiệm vụ tưởng như bất khả thi này đã được chiếc Avro Vulcan thực hiện một cách hoàn hảo, đánh dấu phương án tác chiến mới và khả năng di chuyển không tưởng của một chiếc máy bay ném bom.
Chiến dịch El Dorado Canyon không kích Libya năm 1986
Sau những vụ khủng bố liên tiếp nhằm vào nước Mỹ năm 1986, cơ quan tình báo Hoa Kỳ khẳng định đã có những bằng chứng “không thể chối cãi” rằng Libya là nguồn cung tài chính cho các hoạt động tấn công trên. Trước mối nguy khủng bố ngày càng tăng, quân đội Hoa Kỳ quyết định chiến dịch không kích Libya từ căn cứ quân sự đóng trên lãnh thổ Anh.
Các chiến đấu cơ được cử tham chiến lần này bao gồm F-111 Aardvark và F-18 Hornet sẽ cất cánh từ căn cứ không quân của Anh bởi các quốc gia đồng minh khác như Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha từ chối hợp tác với Hoa Kỳ.
F-111 là loại máy bay ném bom hiện đại, có tốc độ bay nhanh, tuy nhiên, nó chưa bao giờ được giao nhiệm vụ tiên phong cho một chiến dịch với khoảng cách tấn công xa như El Dorado Canyon. 24 chiếc F-111 được triển khai thực hiện nhiệm vụ ké
o dài 13 giờ với khoảng cách lên tới hơn 10.000 km. Để thực hiện nhiệm vụ này, mỗi chiếc F-111 sẽ được tiếp nhiên liệu trên không 12 lần để tấn công, sau đó trở về căn cứ an toàn. Nhiệm vụ này đòi hỏi không ai được phép mắc sai lầm.
Nhằm tấn công những địa điểm quan trọng trên đất Libya trong khi chúng được bảo vệ bằng hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại do Liên Xô sản xuất, quân đội Mỹ phải chuẩn bị hết sức kĩ càng. Tuy nhiên, một chiếc máy bay F-111 của quân đội Mỹ vẫn bị trúng tên lửa, khiến toàn bộ thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Đánh trúng nhiều cơ sở quan trọng, trong đó có dinh thự của nhà lãnh đạo Gaddafi, cuộc không kích bắt đầu ngày 14/4/1986 của Mỹ được đánh giá là thành công.
Chiến dịch ném bom trong chiến tranh Vùng Vịnh
Chiến tranh vùng Vịnh có sự góp mặt của gã khổng lồ B-52 và máy bay F-117 Nighthawk do Mỹ phát động nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Đây được coi là vụ không kích lớn nhất mọi thời đại, bởi sự tham gia của nhiều nước nhằm chống lại Iraq, trong đó có Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất, Pháp, Italy, Kuwait.
“Diều hâu đêm” F-117 là loại máy bay chiến đầu tàng hình hiện đại nhất thế giới, gánh nhiệm vụ phá hủy các cơ sở phòng ngự Baghdad, sau đó máy bay ném bom rải thảm lớn nhất lịch sử từng được chế tạo B-52 sẽ quần thảo bầu trời và phá hủy những mục tiêu còn lại. Tuy chịu thảm bại ở chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội (Việt Nam), nhưng B-52 vẫn thực sự là con quái vật đáng sợ đối với bất kể quân đội quốc gia nào thời điểm bấy giờ.
Lần này, nhiều máy bay trong số những chiếc B-52 của Mỹ đã vượt qua khoảng cách 22.000 km trong gần 35 giờ để tham gia tấn công. Trong chiến dịch kéo dài hơn một tháng, tất cả các cơ sở hạ tầng có giá trị của Iraq đều bị phá hủy. Những máy bay ném bom dẫn đường bằng tia laser của các nước đồng minh đã phá hủy hoàn toàn đường sá và cầu cống, đồng thời đánh chặn mọi đường tiếp viện của quân đội Iraq.
Không thể cầm cự được thêm, cuối cùng Iraq phải chấp nhận ngừng bắn vào ngày 3/3/1991. Sau 20 năm, người ta vẫn nhìn thấy những vết tích của cuộc không kích ở Iraq sau những đợt ném bom rải thảm của Mỹ.
Trịnh Duy
Theo Bưu điện Việt Nam