Vào ngày kỷ niệm trận Trân Châu Cảng, các nhà lịch sử vẫn còn tiếp tục tranh luận về những bí ẩn của nó. Cuộc tấn công của quân Nhật đã tạo ra một số câu hỏi chưa có lời giải đáp lớn nhất trong lịch sử quân sự.
Ở Mỹ, riêng cái tên Trân Châu Cảng cũng có nghĩa sự bất ngờ, sự thất bại và sự gượng dậy từ đống tro tàn. 70 năm trôi qua, cuộc tấn công bất ngờ của quân Nhật nhằm vào lực lượng Mỹ đóng ở Hawaii vẫn là một trong những ký ức lịch sử mạnh mẽ nhất của công chúng Mỹ.
Năm nào cũng vậy, vào ngày 7/12, nước Mỹ lại dừng lại để tưởng nhớ 2.400 quân nhân đã thiệt mạng trong ngày đó và tưởng nhớ thế hệ người dân đã nhặt lá cờ bị đánh đổ ở Trân Châu Cảng để tham gia giành chiến thắng trong Thế Chiến II.
“Chúng ta nhìn về ngày 7/12/1941, để thấy sức mạnh mà những người con yêu nước này đã tạo ra và tưởng nhớ tất cả những người đã hi sinh vì sự tự do của chúng ta”, Tổng thống Mỹ Obama phát biểu trong Ngày tưởng nhớ Trân Châu Cảng 2011.
Nhưng 70 năm sau, Trân Châu Cảng vẫn là một bí ẩn. Cụ thể hơn, nó vẫn là một sự kiện với một số câu hỏi chưa có lời giải đáp lớn nhất lịch sử quân đội.
Đó là vì sao quân Nhật lại tấn công một nước mà sức mạnh công nghiệp của nước này lớn hơn? Tại sao Mỹ không thấy dấu hiệu về một cuộc tấn công đang đến? Ai trong số hàng loạt chỉ huy của Mỹ chịu trách nhiệm cao nhất cho “tội” không sẵn sàng chiến đấu của Mỹ?
Ngày nay các nhà lịch sử vẫn tiếp tục tranh luận về nhiều bí ẩn của Trân Châu Cảng, đưa ra những bằng chứng và giả thuyết mới. Dưới đây chỉ là một vài trong số chúng.
Vì sao các căn cứ của Mỹ không được cảnh báo?
Đợt tấn công đầu tiên của máy bay Nhật nhằm vào Trân Châu Cảng vào 8h sáng giờ địa phương ngày 7/12/1941. Trong vòng vài giờ, quân Nhật cũng đánh Philippines, Wake Island, Guam cùng các mục tiêu khác ở Thái Bình Dương. Các căn cứ của Mỹ ở nơi nào cũng bị bất ngờ.
“Sự trơ trụi của các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương vẫn tiếp tục khiến thế hệ sau này không hiểu”, nhà báo, nhà lịch sử người AnhMax Hastings viết trong cuốn sách mới về Thế chiến II “Inferno” của ông.
Hastings phủ nhận thông tin cho rằng Tổng thống Franklin Roosevelt cho phép Trân Châu Cảng bị tấn công để Mỹ có “cớ” tham gia vào Thế chiến II. Nhưng ông cho biết dù sao cũng “rất bất thường” khi các lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ không đảm bảo được Trân Châu Cảng và các căn cứ ở Thái Bình Dương luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Cố giáo sư Gordon Prange của trường đại học Maryland khi còn sống cho rằng vấn đề cốt lõi là chính phủ Mỹ tự trong thâm tâm không tin những cảnh báo của chính họ về sự hiếu chiến của Nhật là sự thật.
“Hoài nghi căn bản này là gốc rễ của toàn bộ thảm kịch”, ông Prange kết luận trong cuốn sách “At Dawn We Slept” (Tạm dịch Bình Minh mà chúng ta ngủ).
Một ủy ban của quốc hội Mỹ đã tiến hành điều trần sâu rộng về thảm họa Trân Châu Cảng sau khi chiến tranh kết thúc. Trong số những kết luận được đưa ra có kết luận lực lượng Mỹ đã tập trung quá nhiều vào huấn luyện đến nỗi họ bị “mù” trước một cuộc tấn công có thể xảy ra và các chỉ huy quân đội Mỹ đã quá lo lắng về sự phá hoại đến nỗi họ “khóa” hết các kho đạn dược chống máy bay, thay vì phân phát nó cho các điểm bắn. Hải quân không duy trì các cuộc tuần tra bằng máy bay trên biển do thiếu thiết bị. Tuy nhiên, không một vị chỉ huy nào của Mỹ yêu cầu hàng loạt tàu trên biển tuần tra thay thế.
Ngoài ra, hai nhà sử học Jonathan Parshall và J. Michael Wenger cho biết trên tạp chí Lịch sử Hải quân của Mỹ rằng lý do Mỹ bị bất ngờ là các chỉ huy không hiểu được một cuộc chiến với sự tham gia của tàu sân bay phát triển nhanh tới mức nào.
Kế hoạch tấn công vào Trân Châu Cảng gồm sự tham gia của hàng trăm máy bay xuất phát từ nhiều tàu sân bay, rồi hợp thành một đàn ong tấn công. Đó là kỹ năng mà Mỹ không hề biết quân độ Nhật sở hữu.
“Hải quân Mỹ không có chút ý niệm nào về khả năng chiến đấu của các tàu sân bay của Nhật và vì vậy không thể đánh giá chính xác các mục tiêu hoạt động”, Messrs. Parshall và Wenger cho biết.
Vì sao quân Nhật không “thừa thắng xông lên”?
Sau hai đợt triển khai máy bay tàn phá “Hàng tàu chiến” và các căn cứ không quân của Mỹ ở Trân Châu Cảng, phi công Nhật trở về tàu sân bay của họ trong khải hoàn.
Đô đốc Chuichi Nagumo khi đó dẫn đầu nhóm thảo luận xem một cuộc tấn công nữa có khả thi hay không. Nhiều chỉ huy không quân ủng hộ tấn công tiếp, tin rằng các kho nhiên liệu, các trạm sửa chữa và các cơ sở hậu cần của Mỹ vào thời điểm đó rất dễ tấn công.
Là một chỉ huy thận trọng, Nagumo đã quyết định không tấn công thêm nữa. Bởi các máy bay Nhật cần phải được quay trở về tàu sân bay để nạp thên đạn được, nhiên liệu vào thời điểm mà vị trí của các tàu sân bay, tàu ngầm của Mỹ vẫn chưa được rõ. Quân Nhật cũng đã có một chiến thắng “ngoạn mục”. Vậy tại sao lại liều đánh đổi chiến thắng đó?
“Quyết định quay trở lại của Nagumo lúc đó khiến nhiều phi công Nhật thất vọng, bởi họ muốn khai thác cơ hội của họ”, Prange viết.
Phá hủy cơ sở hạ tầng của Trân Châu Cảng có thể đã buộc được Mỹ rút lực lượng hải quân của mình về Bờ Biển Tây nước Mỹ. Trong suốt nhiều thập niên, một số nhà lịch sử cho rằng Nagumo đánh mất cơ hội có thể đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Tuy nhiên, trong cuốn sách “Inferno”, Max Hastings cho rằng nghiên cứu mới chỉ ra rằng một cuộc tấn công tiếp là không khả thi.
“Ngày mùa đông ngắn, nên không thể xuất kích và thu hồi (một đợt máy bay nữa) và cũng có khả năng lượng bom của quân Nhật quá nhỏ để nhấn chìm được các căn cứ, trạm sửa chữa của Trân Châu Cảng”, Hastings viết.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thắng trận?
Thế giới sẽ khác như thế nào nếu quân Mỹ được cảnh báo vào sáng chủ nhật tháng 12 của 70 năm về trước? Rốt cục, chỉ mất có vài giờ vào buổi sáng sớm có thể thay đổi cục diện của một trận chiến. Máy bay chiến đấu của Mỹ có thể đã ở trên bầu trời và pháo phòng không đã sẵn sàng. Họ có thể đã bắn hạ hàng loạt máy bay Nhật khi chúng tiến tới.
Nhưng sự thực ngày nay là Nhật, dù chiến thắng tại Trân Châu Cảng, lại bị bại trận trong Thế chiến II. Nhiều tàu bị phá hủy ở Trân Châu Cảng đã được kéo lên và sửa chữa để tiếp tục tham chiến trong những trận đấu sau này. Điều quan trọng nhất, công chúng Mỹ vốn chia rẽ về khả năng tham gia Thế chiến II bỗng chốc trở nên đoàn kết. “Người Mỹ không còn hỏi cuộc chiến là của ai hay hỏi họ nên làm gì với cuộc chiến nữa”, Prange viết.
Song Prange cũng nhấn mạnh rằng Mỹ chắc chắn sẽ tham gia Thế chiến II thậm chí ngay cả khi trận Trân Châu Cảng không xảy ra. Vấn đề là vào thời điểm nào mà thôi. Vì vậy công chúng Mỹ có ủng hộ rộng rãi việc tham chiến nếu không có cuộc tấn công bất ngờ của Nhật hay không luôn là một bí ẩn lớn của lịch sử.
Nhà lịch sử quân đội Mark Grimsley tại trường đại học bang Ohio cho rằng nếu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ phản pháo và đẩy lùi được quân Nhật, rất có thể chỉ huy hạm đội, đô đốc Husband E. Kimmel sẽ điều các tàu chiến và tàu sân bay thực hiện sứ mệnh truy bắt và tiêu diệt quân Nhật.
Theo Grimsley cả hai bên có 8 tàu chiến sẵn sàng chiến đấu. Quân Nhật có một lượng lớn máy bay trên các tàu sân bay, nhưng Mỹ có thể sẽ tận dụng các máy bay đóng ở các căn cứ trên đất liền, trên Wake Island.
Kết cục có thể sẽ rất khó đoán. Một chiến thắng về phía quân Mỹ có thể đã rút ngắn được Chiến tranh Thái Bình Dương. Nhưng “một thất bại nghiêm trọng của quân Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn trận Trân Châu Cảng rất nhiều”, Grimsley nhận định. “Hầu hết các tàu bị phá hủy hoặc bị chìm tại Trân Châu Cảng cuối cùng đã được sửa chữa và hoạt động trở lại, trong khi đó tàu chiến bị mất ở Trung Thái Bình Dương chắc chắn sẽ vĩnh viễn chìm sâu dưới hàng ngàn mét dưới biển”, Grimsley cho hay.
Phan Anh
Theo CSM