Theo đó, tất cả người dân sống trên lãnh thổ Iran cố gắng truy cập vào trang iran.usembassy.gov của Bộ Ngoại giao Mỹ đều sẽ chỉ nhận được dòng thông báo: “Theo quy định của luật pháp về tội phạm công nghệ thông tin, việc truy nhập vào trang web này là không thể”.
Tehran đổ lỗi cho phương Tây đang tìm cách lật đổ nhà nước Hồi giáo ở Iran, đồng thời khẳng định việc kiểm soát Internet nhằm mục đích ngăn chặn người Iran khỏi bị chi phối bởi những nguồn tin nước ngoài.
Ngoại trưởng Clinton tuyên bố thành lập “Đại sứ quán ảo” của Mỹ ở Iran. |
Thậm chí, hãng thông tấn FARS của Iran còn khẳng định, việc các quan chức nước này quyết định chặn “Đại sứ quán ảo” của Mỹ đã góp phần “vô hiệu hóa một âm mưu bí mật của Hoa Kỳ”.
Theo lời Alaeddin Borujerdi, người đứng đầu hội đồng an ninh và chính sách nước ngoài của Quốc hội Iran, “Đại sứ quán ảo” của Mỹ là sự núp bóng, hòng lừa bịp người dân Iran. “Hành động mở cửa đại sứ quán ảo của Mỹ là một sự lừa dối trắng trợn”, ông Borujerdi cho biết.
Trang web được coi là “sứ quán ảo” của Hoa Kỳ được lập ra một tuần sau khi Anh rút hoàn toàn các nhân viên ngoại giao khỏi Tehran, đồng thời trục xuất đại sứ Iran khỏi London, đẩy mối quan hệ Iran – châu Âu xuống mức cực thấp.
Mỹ hiện không có bất kỳ mối quan hệ ngoại giao nào với Iran, kể từ khi đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị xâm phạm năm 1979, năm mà cuộc cách mạng Hồi giáo diễn ra, khiến các nhân viên sứ quán Mỹ bị bắt giam 444 ngày.
Kể từ đó, Hoa Kỳ chính thức tìm cách cô lập Iran với lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm khắc nhất, nhằm chống lại các hoạt động hạt nhân được tin là phục vụ cho việc chế tạo bom nguyên tử của Tehran, bất chấp việc các nhà chức trách nước này luôn phủ nhận.
Trên thực tế, người dân Iran vẫn có thể sử dụng các phần mềm nhằm tìm lỗ hổng trong tường lửa của chính phủ để truy cập vào địa chỉ trên. Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã nhận được tin trang web của mình bị chặn, nhưng tin rằng người dân Iran vẫn có thể truy cập vào đó theo những kênh nhất định.
Hồng Duy
Theo Bưu điện Việt Nam