Tinh Hoa

“Eurozone đã thực sự rơi vào suy thoái”

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp) vừa chính thức tuyên bố như vậy, và cảnh báo khủng hoảng đang lan nhanh.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thực sự rơi vào suy thoái. Cho dù cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde tuyên bố sẵn sàng giúp Liên minh châu Âu (EU) giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, song bản thân nước Mỹ cũng đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ.

Đây là lần đầu tiên nhóm chuyên gia tiền tệ quốc tế tuyên eurozone đã thực sự rơi vào suy thoái. Phát biểu với báo giới, Phó Tổng Thư ký OECD Pier Carlo Padoan thừa nhận: “Tình hình trong khu vực đồng euro đang xấu đi nhanh chóng và hiệu ứng lây truyền đang lan nhanh, không chỉ trong khu vực đồng euro mà còn tại Mỹ”.

 

Tình hình trong khu vực đồng euro đang xấu đi nhanh chóng

Moody’s – một trong số ba cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới cũng cho rằng tất cả các nước trong Eurozone đang đứng trước nguy cơ suy thoái bởi cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, Hãng Moody’s tin rằng đồng euro sẽ sống sót.

Ông Christian Noyer, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp nhận định:“Về nguy cơ tan rã của đồng tiền chung châu Âu, tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn vô lý. Không có Kế hoạch B. Điều đó chắc chắn không cần phải bàn tới”.

Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của EU tại Nhà Trắng hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẵn sàng giúp châu Âu giải quyết các vấn đề tài chính của mình. Ông cũng nhấn mạnh tới khả năng một thảm họa tài chính ở châu Âu sẽ tác động tới nước Mỹ.

“Chính phủ Mỹ và chính phủ các nước châu Âu đang nỗ lực hết mức. Mỹ sẵn sàng thực hiện phần của mình để giúp châu Âu giải quyết vấn đề tài chính. Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế của Mỹ”, ông Obama cam kết.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói rằng, cách đây một năm, chính phủ các nước châu Âu đã thực thi những quyết định mà ông gọi là “điều chưa từng nghĩ tới”, song thừa nhận giờ đây châu Âu có rất nhiều việc phải làm, trong đó trọng tâm là ban hành các quy định ràng buộc về mặt pháp lý để đảm bảo thực thi nghiêm túc kỷ cương về tài chính và kinh tế.

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tuyên bố, các nhà lãnh đạo châu Âu quyết tâm giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng nợ, song thừa nhận để ban hành và thực thi các quyết định sẽ mất thời gian.

Giới phân tích cho rằng, nguy cơ tan rã của khu vực đồng tiền chung châu Âu và thiết lập một liên minh tiền tệ mới với quy mô nhỏ hơn là điều khó xảy ra ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo hai bờ Đại Tây Dương chỉ dừng lại ở những “tuyên bố suông” mà thiếu quyết tâm chính trị và hành động mạnh mẽ, cùng với khó khăn tài chính ngày càng chồng chất, mọi khả năng vẫn có thể xảy ra và đó sẽ là “thảm họa thực sự” đối với toàn thế giới chứ không dừng lại ở Mỹ và châu Âu./.

Huy Hoàng

(Theo vov)