Tinh Hoa

Gắn “mác” Sài Gòn, quýt Trung Quốc đánh lừa người mua

Để giữ cho cành và lá quýt được tươi lâu, người bán hàng cho biết chủ vườn thường phun vào quýt một loại nước để làm tươi lá và quả…

Nhìn những quả quýt còn nguyên cuống và lá xanh tươi và được người bán khẳng định “quýt Sài Gòn”, không ít người tiêu dùng bị đánh lừa khi hầu hết loại quýt này được đưa từ Trung Quốc về Việt Nam.

Thị trường tràn ngập “quýt Sài Gòn”

Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa quýt ngọt vào tháng 10, tháng 11 là chị Hà (Trại Cá, Hà Nội) lại thường xuyên mua quýt cho cả nhà ăn thay những hoa quả khác. Nhìn túi quýt mọng nước, có vị ngọt đậm, quả quýt lại tươi ngon, còn nguyên lá xanh… được người bán hàng khẳng định là quýt Sài Gòn, chị Hà hoàn toàn yên tâm mình mua được quýt ta.

“Sáng nào đi chợ chị cũng mua 1 – 2  kg quýt. Có hôm giá rẻ, quýt chỉ còn 15.000 đồng/kg. Quả còn tươi nguyên thế này thì chỉ có thể  ”, chị Hà cho biết.

Còn chị Bùi Thị Lan (Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) lại nghiện món quýt vì dễ ăn, ngọt đậm và giá mềm. Chị Lan khoe: “Chị mua quýt này cách đây hai tháng rồi, ngày nào cũng làm vài cân. Bọn trẻ con nhà chị thích ăn quýt này hơn ăn quýt to vì ngọt mà lại ít hạt. Chị toàn mua của người quen trong chợ Đông Tác nên chưa bao giờ lo hàng kém chất lượng”.

Những quả quýt vỏ còn tươi nguyên, lá xanh ngon đã

đánh lừa người tiêu dùng Việt.

Ngay cả nhiều người trực tiếp bán hàng cũng cho rằng quýt nhỏ là quýt ta, loại quýt chum, cam to mới là của Trung Quốc.

Chị Thảo – bán hoa quả trên phố Định Công (Hà Nội) cho biết: “Táo, lê thì của Trung Quốc thật nhưng nho và táo xanh, quýt nhỏ là của nước ta. Nho của Ninh Thuận, quýt Sài Gòn, táo Lào Cai…”.

Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi hỏi mua quýt về bày tiệc đám cưới, người bán hàng hăm hở chào hàng: “quýt Sài Gòn ngon lắm em. Hàng nhà chị là hàng nội đấy. Nếu mua chị lấy 250.000 đồng/thùng 13 kg”.

Thấy khách băn khoăn giữa hàng Trung Quốc và hàng Thái Lan, người bán hàng vội vàng trấn an bằng kinh nghiệm chọn hàng của mình: “Em nhìn đi, lá quýt, cuống quýt còn tươi nguyên như thế này ai nói là hàng nhập khẩu. Tất cả là hàng nội hết. Nhà chị không tưới nước gì vào hoa quả mà vẫn tươi ngon như thế này. Hàng mới hái được 1,2 hôm chứ có phải để cả tuần đâu mà sợ hàng nhập khẩu chứ. Hàng nhập khẩu cũng không có giá hơn 10 nghìn/kg”.

Ruột Sài Gòn, vỏ Trung Quốc

Trong khi người bán hàng khẳng định quýt nhỏ là hàng Sài Gòn, Vũng Tàu thì tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), những loại quýt này trước khi tung ra thị trường được đựng trong những thùng xốp còn nguyên niêm phong, dán keo và in chữ Trung Quốc.

Tại một quầy hoa quả ngay cổng chợ Long Biên, người bán hàng mời khách mua quýt với giá 220.000 đồng/thùng loại 14kg. Những thùng quýt còn nguyên đai nguyên kiện được khẳng định nhập từ Trung Quốc.

“Em đi cả chợ này đâu cũng là hoa quả của Trung Quốc cả. Hàng Thái Lan vỏ thùng có chữ Thái, hàng miền Nam có ghi rõ chủ vườn nào ở vỏ hộp. Quýt này đều của Trung Quốc từ mấy năm rồi chứ có phải bây giờ mới có đâu. Em mua về làm đám cưới thì mua ở đâu cũng từ chợ này mà ra”, một chủ hàng khẳng định.

Những thùng đựng quýt đựng trong hộp niêm phong bằng chữ Trung Quốc

Đi khắp chợ hỏi mua quýt ta, chúng tôi bị người bán hàng nhìn với ánh mắt khó hiểu vì mùa này, lấy đâu ra quýt Sài Gòn thật. Tất cả người bán hàng đều mách, nếu muốn mua hàng Sài Gòn chị chỉ cần đổ quýt vào mấy cái thùng catton đựng hoa quả miền Nam là quýt lại biến thành hàng nội ngay.

“Người ăn cứ mua chứ có ai để ý nguồn gốc của nó đâu mà em phải lăn tăn. Em nhìn xem dâu, táo, nho, lê dưa vàng thậm chỉ cả dưa hấu đều là từ Trung Quốc chở về hết”, chị Phụng – người bán hàng thuê trong chợ Long Biên, cho biết.

Không chỉ được nhập từ Trung Quốc, để giữ cho cành và lá quýt được tươi lâu người bán hàng cho biết các chủ vườn thường phun vào quýt một loại nước để làm tươi lá và quả.

“Nước đó là nước gì chị cũng không biết. Nhưng nếu mở nắp hộp ra thì lá quýt vẫn tươi đươc 2,3 ngày đấy”, người bán hàng này thừa nhận.

Theo GDVN