Từ vũ trụ con người có thể xác định vị trí các đô thị trên trái đất vào ban đêm nhờ ánh sáng đèn điện. Ảnh: Discovery. |
Nếu quan sát trái đất từ một nơi nào đó trong vũ trụ – chẳng hạn như Trạm Không gian Quốc tế (ISS) – chúng ta có thể xác định vị trí các thành phố nhờ ánh sáng đèn điện phát ra vào ban đêm. Ánh sáng đèn điện là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của nền văn minh trên địa cầu. Chúng ta cũng có thể phát hiện sự tồn tại của các nền văn minh khác theo cách tương tự. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Abraham Loeb tại của Đại học Harvard và Edwin Turner tại Đại học Princeton, Discovery đưa tin.
Từ trước tới nay giới khoa học chỉ tập trung vào việc thu nhận tín hiệu radio từ vũ trụ để tìm kiếm những nền văn minh ngoài trái đất. Tuy nhiên, cách thức đó chưa mang đến bất kỳ kết quả hứa hẹn nào. Nhiều người nghĩ tín hiệu radio có thể di chuyển qua một khoảng cách gần như vô tận trong vũ trụ, song trên thực tế chúng chỉ có thể “bay” qua khoảng cách vài năm ánh sáng. Vì thế, nếu một hành tinh có nền văn minh cách trái đất hàng trăm năm ánh sáng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thu được tín hiệu radio từ họ.
Như vậy, thay vì chờ đợi tín hiệu radio, Loeb và Turner cho rằng loài người nên tìm kiếm những dạng ánh sáng phi tự nhiên. Chúng phải là những dạng ánh sáng mà các ngôi sao không thể tạo ra – như ánh sáng điện và ánh sáng đèn LED.
Những kính thiên văn hiện đại nhất hiện nay vẫn chưa thể giúp con người phát hiện ánh sáng phi tự nhiên trên bề mặt các hành tinh xa xôi. Để quan sát một thành phố trên một hành tinh khác, ánh sáng phát ra từ thành phố phải có độ sáng gần tương đương ánh sáng ban ngày trên trái đất. Leob và Turner tin rằng thế hệ kính thiên văn tiếp theo – như kính thiên văn không gian James Webb của Mỹ và kính thiên văn cực lớn của châu Âu – sẽ có khả năng phát hiện các thành phố trên hành tinh khác.
Theo tính toán của hai nhà khoa học, những kính thiên văn hiện đại nhất ngày nay có thể phát hiện những thành phố có kích thước tương đương Tokyo nếu chúng được đặt trên một thiên thạch cách trái đất khoảng 7.500 triệu km, tức 50 lần khoảng cách trung bình giữa địa cầu và mặt trời.
Minh Long