Thời gian gần đây, hàng loạt các dự án bất động sản đã gây “sốc” thị trường với mức giảm giá cực lớn, từ 20 – 35%. Điều này làm dấy lên một làn sóng lo ngại trong giới đầu tư bất động sản, phải chăng các doanh nghiệp đã nằm trong vùng báo động “đỏ” về tín dụng hay đây chỉ là một chiêu PR để hút vốn?
Giảm giá dây chuyền
Việc Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí vừa thông báo về việc “đại hạ giá” 85 căn hộ thuộc dự án Petro Vietnam Landmark tại quận 2, xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), thấp hơn tới 35% so với mức giá mà công ty mua vào là 21.360.000 đồng/m2 (đã bao gồm VAT).
Khi áp dụng mức giá bán mới này thì khi bán hết số căn hộ trên, số lỗ dự kiến khoảng 70 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc “đại hạ giá” này được công ty giải trình là do năm 2011, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất vay vốn cao, nguyên vật liệu tăng giá liên tục đã đẩy PVL lâm vào giai đoạn khó khăn.
Ngay sau đó, mới đây Công ty Sài Gòn Mekong lại tiếp tục gây sốc khi đưa giá 500 căn hộ dự án An Tiến tại xã Phước Kiểng, Nhà Bè, TP HCM giảm giá từ 18 triệu đồng mỗi m2 xuống còn 14,5 triệu, tương đương giảm 20%.
Chủ đầu tư lo lắng vì nhiều dự án rớt giá |
Lý giải về việc giảm giá này, theo dại diện Công ty Sài Gòn Mekong, việc giảm giá này là nhằm nhanh chóng thu hồi vốn để tìm kiếm những cơ hội mới.
Với giá bán mới 14,5 triệu đồng mỗi m2, dự án An Tiến đang bỏ xa giá bán của nhiều chung cư khác tại huyện Nhà Bè nói riêng và khu Nam TP HCM nói chung với khoảng cách 5 triệu đồng mỗi m2. Còn đối với dự án PetroVietnam Landmark, giá bán chỉ còn một nửa so với hàng loạt dự án lân cận thuộc khu Đông TP HCM.
Tại thị trường Hà Nội, tuy mức giảm không lớn như ở TP.HCM, nhưng từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 này, nhiều dự án cũng tiếp tục giảm nhẹ từ 3 – 5 triệu đồng/m2.
Thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội những năm gần đây nổi lên với nhiều dự án lớn như Ecopark của Vihajico, Khu Đô thị Việt Hưng của Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Hanoi Garden City của Berjaya, ….
Tuy nhiên, thời điểm này giá đất tại các dự án này đang có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, khu đô thị mới Việt Hưng, giá đất dao động từ 40 – 42 triệu đồng/m2 đối với biệt thự, liền kề khoảng trên 50 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. So với thời điểm thị trường sốt nóng giá hiện giảm gần 10 triệu đồng/m2.
Một số văn phòng bất động sản lớn tại khu đô thị mới Việt Hưng, giá đất dự án quanh khu vực quận Long Biên đã giảm mạnh từ vài tháng nay, hiện không có giao dịch. Trong đó, những dự án đã hoàn thành xây thô có mức giảm nhẹ hơn so với dự án đang trong giai đoạn làm hạ tầng, góp vốn theo tiến độ.
Giá chung cư cũng đang có xu hướng giảm 2 – 3 triệu đồng/m2, chung cư dãn dân phố cổ Việt Hưng được chào bán nhiều với mức giá bình quân 14-15 triệu đồng/m2, chung cư khu đô thị mới Việt Hưng 19-20 triệu đồng/m2, chung cư Đặng Xá giá 17 triệu đồng/m2, chung cư C17 Ngọc Thụy – Gia Lâm 21 triệu đồng/m2, chung cư Ecopark chiết khấu còn 1,36 tỷ đồng/căn diện tích trên 100 m2….
Doanh nghiệp khốn đốn hay chiêu thức PR?
Đánh giá về việc hàng loạt các dự án bất động sản tại TP.HCM giảm giá mạnh như hiện nay, ông Nguyễn Thế Giang Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thế Gia cho rằng, thị trường bất động sản cách đây 2 năm đã rơi vào trạng thái trầm lắng, mặc dù đã duy trì những chiến lược bán hàng hay huy động nguồn vốn,
“Thời điểm này do chính sách kinh tế vĩ mô và dòng tiền, nguồn vốn trong và ngoài nước hạn chế nên để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này là rất khó khăn, nên giảm giá cũng là một xu hướng chung của thị trường bất động sản”, ông Giang nhấn mạnh.
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng thừa nhận, tình trạng xuống giá của nhiều dự án bất động sản là có thật và có tác động đến thị trường làm mặt bằng giá xuống thấp hơn.
Tuy nhiên, ông Võ cũng không loại trừ đây là một chiêu thức PR các doanh nghiệp dùng để gọi vốn, giảm giá để tập trung nguồn tiền tốt hơn.
“Giảm giá “sốc” đến thời điểm này, nguyên nhân thực sự chưa ai có thể biết được, liệu có thật doanh nghiệp đang bị ngân hàng siết nợ phải xuống giá hay là chiêu để hút vốn. Cái này cần phải xem xét cụ thể và có những số liệu điều tra”, GS Võ nhận định.
Ông Nguyễn Thế Giang cũng cho biết, việc Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí giảm giá tới 35% có thể là bước đi chiến lược của công ty này, cũng có thể chỉ là chiêu PR. Vì để tiếp cận được với mức giá đó, phải thông qua những bước nào thì phía người tiêu dùng chưa thể khẳng định được. Nếu chủ đầu tư bán trực tiếp tới tay khách hàng mức giá đó thì có thể tin vào mức giảm giá này thật. Còn nếu lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, thì có thể đó là một chiêu giảm giá “ảo”.
Hơn nữa, việc giảm giá bán này, nếu với số lượng hàng trăm, hàng nghìn căn hộ thì có thể lạ, nhưng chỉ có 85 căn hộ bán được mức giá đó thì cũng không có gì đặc biệt.
“Với các nhà đầu tư, tôi không cho đó là cơ hội đầu tư”, ông Giang nhấn mạnh.
Còn theo giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội nhận định, thời gian tới có thể sẽ có một làn sóng giảm giá, doanh nghiệp BĐS sẽ phải lựa chọn lỗ ít hay lỗ nhiều và phải tự cứu mình bằng nhiều cách.
“Thời gian tới giá bất động sản còn có thể rớt mạnh, nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính sẽ phải rút khỏi thị trường”, vị giám đốc này nhận xét.
Tuy nhiên, câu hỏi “liệu thị trường bất động sản đã xuống đáy” vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa thể chạm đáy. Cụ thể với phân khúc chung cư cao cấp, giá vẫn rất cao, nên chưa thể nói là đáy, phân khúc trung cấp cũng vậy. Còn các chung cư thương mại giá thấp và đất nền, khu đô thị thì đang có lợi rất lớn tại thị trường này.
Việc giảm giá “sốc” của hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM, theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ sẽ không có tác động tới thị trường Hà Nội, vì thị trường Hà Nội có quy luật riêng, kể cả vấn đề kêu gọi vốn đầu tư cũng có yếu tố khác với những nơi khác, nên không lo sẽ tác động tiêu cực tới thị trường Hà Nội.
Châu Anh