Tinh Hoa

Venezuela thu hồi 211,35 tấn vàng

Lộ trình thu hồi 17.000 thỏi vàng trị giá 11 tỉ USD ký gửi ở châu Âu và Mỹ theo lệnh của Tổng thống Hugo Chavez sẽ bắt đầu từ ngày 5-11 và kết thúc vào cuối năm nay.

 

 Thông báo trên đã được ông Nelson Morentes, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV),  chính thức loan báo hôm 21-8 và tái khẳng định hôm 5-10 vừa qua.

“Chúng tôi đang hoàn tất khâu chuẩn bị giao nhận hàng. Nhân dân Venezuela sẽ chứng kiến những thương thuyền đầu tiên mang vàng từ nước ngoài về cập các bến cảng ven biển” – ông Morentes nhấn mạnh.

Không phải phim Hollywood

Trước đó, ông Morentes cho biết đã liên hệ với Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) – nơi đang giữ 99,2 tấn – tương đương 80% số vàng Venezuela ký gửi ở nước ngoài – và bàn các thủ tục cần thiết để thực hiện chiến dịch thu hồi vàng từ nước này. Đồng thời, Venezuela cũng có động thái tương tự đối với những ngân hàng khác.

Venezuela là nước đứng 14  trên thế giới về lượng dự trữ vàng với 401,1 tấn (theo số liệu tháng 12-2010 của IMF). BCV hiện chỉ giữ lại 189,55 tấn theo chuẩn quốc tế, số còn lại trị giá hơn 11 tỉ USD ký gửi ở nước ngoài để sinh lợi, bao gồm 17.000 thỏi vàng loại 400 ounces (12,4 kg)/thỏi được chuyển ra nước ngoài dần dần từ năm 1986 đến 1992. 
Số vàng này được gửi ở BoE, Ngân hàng Mỹ JP Morgan, Ngân hàng toàn cầu Barclays, HSBC, Standard Chartered, Ngân hàng Pháp BNP Paribas và Ngân hàng Canada Bank of Nova Scotia.

Cũng có tin Venezuela sẽ thuê máy bay vận tải thay vì thuê tàu chở hàng. Theo nguồn tin Ice Station Zebra, Venezuela cần ít nhất 40 chuyến bay, mỗi chuyến chở 5 tấn vàng. Nhiệm vụ của BCV là không chỉ  tìm một công ty chuyên ngành bảo đảm việc vận chuyển an toàn mà còn tìm cho được một công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm hàng hóa đặc biệt này.

Nhật báo Anh Daily Mail dẫn lời một số chuyên gia an ninh Anh cho biết  đó là một thách thức quá lớn bởi hầu như không có công ty bảo hiểm nào dám mạo hiểm với một số vàng khổng lồ như thế. Hơn nữa, chủ hàng lại là một nước có tổng thống không thân thiện với Mỹ và châu Âu.

Như vậy, tàu thủy vẫn là phương tiện duy nhất nhưng đầy bất trắc. Nó nằm ngoài tầm tay bọn cướp biển Somalia nhưng không có nghĩa là chẳng có gì đáng sợ như ông Morentes trấn an: “Xin đồng bào an tâm. Sẽ không có chuyện cướp bóc hay mất mát. Đây không phải là phim Hollywood”.

Hầm dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Anh. Ảnh: NewsCast

Mike Cundy, Giám đốc An ninh G4S, công ty chuyên ngành vận tải quý kim lớn nhất thế giới, chia sẻ trên tờ Financial Times: “Đây là một phi vụ cực kỳ lớn. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến quy mô lớn như vậy”.

Ông Morentes cũng cho biết phí vận chuyển không quá  lớn, chỉ vào khoảng 9 triệu USD, bao gồm tiền thuê phương tiện, bảo vệ, bảo hiểm và tái bảo hiểm. Dĩ nhiên, ông Morentes không thể tiết lộ các chi tiết vì lý do an ninh.

9 triệu USD là ít hay nhiều? Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia về hậu cần cho biết chi phí thật sẽ rất cao vì quá trình thu hồi vàng từ các nước phương Tây “tiềm ẩn rủi ro cao, tốn nhiều thì giờ và tiền bạc”.

Trước thế chiến II chỉ có một vụ việc tương tự. Năm 1936, trước khi nội chiến bùng nổ, Tây Ban Nha vận chuyển bằng tàu hơn 500 tấn vàng từ Madrid đến Moscow. Các nhà sử học cho biết riêng “tiền cò” chiếm 2,1% tổng giá trị bằng tiền; phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí khác chiếm thêm 1,2%. Nói chung, BCV đứng trước một bài toán an ninh rất nhức đầu.

Cẩn tắc vô ưu

Quyết định thu hồi 90% lượng vàng ký gửi ở nước ngoài của Tổng thống Hugo Chavez trong bối cảnh giá vàng xác lập kỷ lục 1.913 USD/ounce (giá ngày 23- 8-2011) là đề tài bình luận sôi nổi trên báo chí phương Tây.

Phần lớn các nhà phân tích tin rằng quyết định của ông Chavez nhằm bảo vệ Venezuela trước cuộc khủng hoảng tiền tệ, USD ở Mỹ và đồng euro ở châu Âu.
Ông Gregory Hines phân tích khía cạnh chính trị trên trang web Seeking Alpha rằng sau biến cố ở Libya dẫn đến cái chết bi thảm của đại tá Gaddafi và tài sản của ông này ở nước ngoài bị Mỹ và các nước phương Tây phong tỏa, ông Hugo Chavez hoàn toàn có lý do để âu lo.
Trong con mắt của Washington, ông Chavez là một “cái gai” ở Nam Mỹ, một nhân vật “có vấn đề”  vì luôn đối đầu với Mỹ trên nhiều mặt trận. Từ lâu, Mỹ muốn “bứng” ông Chavez nhưng chưa có thời cơ thuận tiện.
Nay sau khi Mỹ mượn tay NATO dẹp được ông Gaddafi, ông Chavez sợ mình trở thành mục tiêu sắp tới của Mỹ. Ngày 21-8, ông Chavez đã từng tố cáo phe đối lập  chuẩn bị làm loạn giống như ở Libya và Syria, tạo cớ cho “đế quốc chiếm dầu thô của Venezuela”.

Tuy nhiên, theo ông Hines, động cơ chính của ông Chavez vẫn là kinh tế. Với chủ trương đổi 6,2 tỉ USD tiền mặt và trái phiếu chuyển đổi sang đồng real của Brazil, nhân dân tệ của Trung Quốc và rúp của Nga, Venezuela tỏ ra là một nhà đầu tư khôn ngoan.

Trong bối cảnh USD mất đến 95% giá trị so với USD cách đây 40 năm (tức từ khi Tổng thống Nixon từ bỏ kim bản vị), đồng euro khốn đốn vì khủng hoảng nợ công của các nước EU và đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ngày càng có giá trị so với USD, việc Venezuela thu hồi vàng ở nước ngoài cũng được xem là hoàn toàn hợp pháp  và hợp lý.

Theo Người Lao Động