Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou vừa phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp khi bạo động bùng phát dữ dội sau tuyên bố của ông cho mở trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Hôm qua, Thủ tướng Hy Lạp nói ông sẽ cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ khẩn cấp mới nhất của EU.
Thỏa thuận cứu trợ được ra sau cuộc hội đàm nhiều giờ ở Brussels vào hôm 27/10 nhằm giúp Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay vốn đang làm chao đảo cả châu Âu.
Gói cứu trợ cho phép Hy Lạp được xóa tới một nửa số nợ của nước này với khu vực tư nhân cũng như nhận được khoản cho vay mới trị giá 100 tỷ euro.
Một ngày sau khi EU đạt được thỏa thuận cứu trợ, một số thành phố của Hy Lạp đã chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối. Theo một cuộc thăm dò dư luận thì đa số người dân Hy Lạp có nhìn nhận tiêu cực về thỏa thuận cứu trợ.
Nhiều người Hy Lạp tin rằng chính phủ của họ đã đi quá xa trong việc cho phép EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ra lệnh các biện pháp kinh tế khắc khổ mà nước này cần phải thực hiện để được nhận cứu trợ.
Ngày trưng cầu dân ý hiện vẫn chưa được xác định, nhưng Thủ tướng Papandreou nói rằng nó sẽ diễn ra sau khi EU và các chủ nợ chốt lại các chi tiết của thỏa thuận.
“Canh bạc” mạo hiểm với Thủ tướng Papandreou
Đây là một canh bạc lớn của Thủ tướng Papandreou, trong bối cảnh chỉ số tín nhiệm đảng cầm quyền đã sụt giảm thê thảm và thế đa số của đảng trong Quốc hội đang bị thu hẹp sau khi một vài thành viên của đảng đã bỏ sang các đảng khác.
Sáu nhân vật hàng đầu của đảng cầm quyền ở Hy Lạp kêu gọi Thủ tướng George Papandreou từ nhiệm, chưa đầy một ngày sau khi ông tuyên bố cho mở trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của EU.
Các nhà phân tích cho rằng với lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý, chính phủ của Thủ tướng Papandreou, vốn đang gánh chịu sự giận dữ của công chúng đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, đã đẩy trách nhiệm quyết ̣định tương lai đất nước cho người dân Hy Lạp.
“Thỏa thuận cứu trợ sẽ được trình lên Quốc hội phê chuẩn và sau đó đưa ra cho nhân dân Hy Lạp quyết định,” Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos nói với kênh truyền hình Antenna. “Dĩ nhiên, người dân Hy Lạp có quyền nói không nhưng họ nên suy nghĩ đến hậu quả của quyết định như thế,” ông nói thêm.
Các đảng đối lập thì chỉ trích rằng chính phủ công bố trưng cầu dân ý chỉ nhằm mục đích tránh phải tổ chức bầu cử sớm. “Thủ tướng đang cố gắng câu giờ,” Costa Gioulekas của đảng Nền dân chủ mới thuộc cánh hữu nhận xét.
“Chúng tôi muốn thấy giải pháp rõ ràng, và giải pháp rõ ràng đó rất hiển nhiên: tổ chức bầu cử,” ông nói.
Thủ tướng Hy Lạp thuyết phục người dân rằng nếu không có gói cứu trợ này thì đất nước sẽ vỡ nợ và điều đó sẽ là thảm họa. Tuy nhiên, nhiều người dân nói rằng họ muốn chẳng thà Hy Lạp vỡ nợ trong hỗn loạn còn hơn sống những năm tháng khắc khổ.
Các thị trường chứng khoán thế giới sụt giá mạnh sau quyết định về trưng cầu dân ý đầy bất ngờ của Hy Lạp đối với kế hoạch cắt giảm nợ của châu Âu. Các chỉ số chứng khoán châu Á giảm mạnh, trong khi giá cổ phiếu châu Âu cũng sụt giảm.