Một máy bay của hãng Qantas tại sân bay Heathrow, Anh.
Giám đốc điều hành của hãng Qantas Alan Joyce nói các chuyến bay sẽ được nối lại vào giữa buổi chiều với số lượng hạn chế.
Hôm thứ 7, Qantas đã thông báo ngừng mọi chuyến bay của hãng do một cuộc tranh cãi lao động giữa ban điều hành và các nghiệp đoàn đại diện cho các công nhân viên của hãng.
Quyết định bay trở lại diễn ra sau khi Toà án đình công của Australia, tòa án cấp quốc gia về quan hệ giữa chủ và người lao động, đưa ra phát quyết sau khi nghe các giải thích của hãng hàng không, các nghiệp đoàn và chính phủ.
Toà án ra lệnh chấm dứt cuộc đình công và yêu cầu các nghiệp đoàn trở lại bàn đàm phán. Ban giám đốc Qantas và các nghiệp đoàn phải đi đến một thoả thuận trong vòng 21 ngày.
Hãng hàng không và các nghiệp đoàn đã lâm vào một cuộc tranh cãi kể từ tháng 8 năm nay sau khi Qantas công bố kế hoạch tái cấu trúc hoạt động của hãng. Các nghiệp đoàn đã phản đối kế hoạch trên vì cho rằng khoảng 1.000 việc làm của hãng tại Australia sẽ bị cắt giảm.
Hồi tuần trước, Qantas khẳng định cuộc tranh cãi đã khiến hãng này thiệt hại khoảng 16 triệu USD mỗi tuần do hoãn và huỷ chuyến vì các cuộc đình công của các công nhân viên.
Cuộc tranh cãi đã lên tới đỉnh điểm hôm 29/10 khi Qantas có một động thái chưa có tiền lệ là ngừng toàn bộ các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Hàng chục nghìn hành khách đã bị ảnh hưởng do hàng trăm chuyến bay tại 22 quốc gia đã bị hủy bỏ, gây thiệt hại lớn cho Qantas nói riêng và chính phủ Australia nói chung.
Qantas cho hay 447 chuyến bay đã bị huỷ trong 24 giờ đầu sau thông báo ngừng bay. Tuy nhiên, Qantas không cập nhật các số liệu sau đó.
Qantas là hãng hàng không lớn nhất của Australia và lớn thứ 10 thế giới, với phi đội bay gồm 108 máy bay hoạt động tại 22 sân bay trên khắp thế giới.
An Bình
Theo BBC