Về phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), chúng tôi nghe người dân xì xào bàn tán về cậu bé Lưu Văn Quân được mệnh danh là “thần đồng”. Điều đặc biệt, trước khi biết nói và có khả năng đọc sách báo khi mới được 3 tuổi Quân đã được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tự kỷ.
“Thần đồng” từng là đứa trẻ tự kỷ
Phải đi lòng vòng một lúc lâu chúng tôi mới tìm thấy nhà vợ chồng anh Cương, chị Hiền (bố mẹ của cháu Quân) nằm trong con hẻm nhỏ của đường Lê Thánh Tông (phường Đông Sơn, TP.Thanh Hóa). Căn nhà của anh chị chỉ rộng khoảng 12m2, không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy dùng làm phương tiện để anh chạy xe ôm. Nhưng cũng chính trong căn nhà này, cậu bé “thần đồng” Lưu Văn Quân đã được sinh ra và có những câu chuyện đầu đời rất đặc biệt.Anh Lưu Văn Cương kể: “Khi sinh ra được vài tháng tuổi, vợ chồng tôi phát hiện nhiều triệu chứng bất thường ở cháu, cơ thể càng ngày càng chậm phát triển, nhưng càng về sau chúng tôi lại phát hiện thêm những biểu hiện không bình thường khác. Năm đó khi cháu khoảng 14 hay 15 tháng tuổi gì đó, vợ chồng tôi không thấy cháu bập bẹ nói như những đứa trẻ khác mà cứ lầm lầm lỳ lỳ, không chơi với một ai. Vợ chồng thấy lo lắng bèn đưa cháu ra Hà Nội khám. Các bác sỹ nhận định rằng cháu có thể bị thiểu năng trí tuệ, một dạng của tự kỷ”.Hiện nay cháu Quân đã 5 tuổi nhưng có vóc dáng khá nhỏ nhắn. Tuy vậy, qua tiếp xúc chúng tôi cũng không khó để nhận thấy cháu rất hiếu động, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn hẳn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhìn Quân như vậy, ít ai biết rằng từ khi sinh ra cho đến năm lên 3 tuổi, cháu là một đứa trẻ không bình thường.
Kết quả khám bệnh của con như tiếng sét đánh ngang tai với đôi vợ chồng trẻ. “Có bệnh thì vái tứ phương”, có lẽ không có phương nào là gia đình anh chị không “vái”. Hết ông thầy này bà nọ cứ khuyên về làm cách này, cách nọ thì cháu sẽ biết nói… Nhưng không có kết quả gì, chỉ thêm tốn tiền. Gia cảnh vốn đã khó khăn (chị Hiền làm công nhân nhà máy gach còn anh Cương chạy xe ôm), từ khi biết con bị bệnh tật lại càng khó khăn hơn.
“Từ khi sinh ra đến bây giờ cháu thường xuyên phải đi bệnh viện vì bệnh đường ruột, cứ một tháng vợ chồng thay nhau đưa cháu lên bệnh viện vài lần để điều trị. Có những thời điểm, thời gian cháu nằm ở bệnh viện điều trị còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Nhiều lúc tôi nói với vợ có khi phải chuyển nhà lên gần bệnh viện ở để tiện chữa trị cho thằng Quân”, anh Cương kể.
Bỗng dưng biết đọc biết nói?
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi, và rồi anh chị Cương, Hiền cũng dần quen với bệnh của cháu Quân. Tưởng chừng hi vọng chữa khỏi bệnh cho con đã hết thì bỗng một hôm Quân cất tiếng nói đầu tiên trong sự ngỡ ngàng xen lẫn hạnh phúc khôn tả của hai vợ chồng.
Quân bỗng dưng biết đọc cho biết: “Xưa nay chuyện “thần đồng” thì tôi nghe nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy đứa trẻ nào có biểu hiện đặc biệt như cháu Quân. Từ nhỏ cho tới khi gần 3 tuổi cháu không nói một lời, nhưng khi biết nói thì cháu lại biết đọc lưu loát”.Anh Cương kể: “Hôm đó cả nhà tôi đang xem chương trình ti vi vào ban đêm thì thấy cháu Quân lẩm bẩm trong miệng đọc theo những dòng chữ hiện trên màn hình. Lúc đó tôi không tin, nên bật nhỏ âm thanh để xem có thật là cháu nói không. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cháu đọc rất nhanh và chuẩn. Vẫn chưa thể tin nổi điều kỳ diệu vừa đến, tôi bèn lấy một số tờ báo cũ cho cháu đọc thử thì thấy cháu cũng đọc rất lưu loát. Lúc đó vì sung sướng tôi chạy sang nhà hàng xóm khoe rồi hét ầm lên”. ông Cường, một người hàng xóm đã có mặt khi cháu
Nghe anh Cương và ông Cường nói chúng tôi chưa đủ niềm tin và đành mạnh dạn làm một phép thử bằng cách lấy một tờ báo đưa cho cháu đọc. Ngay lập tức Quân cầm lấy tờ báo đọc một cách rất lưu loát. Làm một phép thử khó hơn khi chúng tôi đưa cho cháu xem một bản đồ có tên nhiều quốc gia trên thế giới (dưới bản đồ có in danh sách tên của nhiều quốc gia, viết theo phiên âm quốc tế-PV).
Thật bất ngờ, khi chỉ không đầy 3 phút cháu đã đọc hết 56 quốc gia trên bản đồ. Đặc biệt Quân còn có khả năng đọc những chữ số hàng triệu một cách chính xác, đọc được cả các số La Mã từ một đến mười, làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia chính xác trên máy tính rồi đọc rõ ràng kết quả. Một số các từ viết tắt như TNHH (trách nhiệm hữu hạn), GV (giáo viên), TMCP (thương mại cổ phần)… Quân đều đọc thành thạo.
Anh Cương cho chúng tôi biết thêm: “Quân có sở thích xem các chương trình tivi. Hầu hết thời gian cháu về nhà đều gắn với công việc xem tivi và đọc báo. Quân thuộc đến mức nghe nhạc hiệu quảng cáo là đoán được sản phẩm đó là gì. Đặc biệt, khả năng hát karaoke của em thì không thể chê vào đâu được. Hơn nữa Quân còn có khả năng ghi nhớ rất tốt, tất cả số điện thoại của bố, mẹ, người thân và đọc lưu loát”.
Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp Quân cho hay: “ở trong lớp, Quân có nhiều biểu hiện rất khác các bạn trong lớp, cháu năng động, hay tò mò và tinh nghịch. Nhưng có một điều đặc biệt, khả năng ghi nhớ và tiếp thu của cháu rất nhanh. Đây là trường hợp đầu tiên trong 10 năm đi dạy, tôi thấy có đứa trẻ phát triển sớm như vậy”. Cô Trần Cẩm Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hồng Đức cho chúng tôi biết: “Tại trường của chúng tôi có hàng trăm trẻ đến học, nhưng trường hợp của cháu Quân là một trường hợp hiếm có mà từ trước tới nay tôi chưa hề gặp”.
Khổ vì con “thần đồng”!
Khả năng của cháu Quân đã được rất nhiều người kiểm chứng qua thực tế, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những lời đồn đại, bàn tán ác ý… Trao đổi với chúng tôi anh Cương, chị Hiền không giấu được sự lo lắng. Anh Cương cho biết: “Cháu có khả năng hơn các đứa trẻ bình thường khác là một điều mừng đối với gia đình tôi, nhưng lo vì liệu cháu sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới, nhất là khi những đứa trẻ như thế có sự phát triển về tâm lý rất khác người.
Có nhiều người cứ động viên nên đưa cháu đi kiểm tra chỉ số IQ, nhưng một phần vì hoàn cảnh, một phần vì mong muốn con mình phát triển bình thường nên anh chị lại thôi. Nỗi lòng của anh chị cũng phần nào dễ hiểu khi chiếc giường cho gia đình, anh chị còn chưa thể mua nổi để nằm thì huống gì là đầu tư cho Quân phát triển.
“Có thể do phát triển vùng ngôn ngữ chậm” Về trường hợp của cháu Lưu Văn Quân chúng tôi đã có buổi trao đổi với các chuyên gia tâm lý. Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Quyết – Nguyên phó trưởng khoa Tâm lý học, trường Đại học sư phạm Huế nhận định: “Đối với những đứa trẻ như thế này chưa hẳn đã là mắc bệnh tự kỷ. Bởi trẻ tự kỷ thường có những biểu hiện như: Suốt ngày lầm lỳ không nói, thường đập đầu vào tường, đập phá mọi thứ xung quanh… Như vậy, không thể khẳng định đứa trẻ này là mắc bệnh tự kỷ được. Có thể do cháu Quân phát triển chậm ở vùng ngôn ngữ nên khi đủ tuổi cháu tự nhiên có thể nói được. Trường hợp này thường xuất hiện nhiều ở những đứa trẻ từ 3 – 5 tuổi. Và khi đó, những đứa trẻ này phát âm rất chuẩn”. Còn tự nhiên, một đứa trẻ 3 tuổi biết đọc, biết viết đây là một khả năng đặc biệt kỳ lạ. Có rất ít trẻ có những khả năng đặc biệt này. Đây cũng là trường hợp hy hữu mà có thể là do bẩm sinh mà có. Với những trường hợp này cần cho trẻ giáo dục một môi trường đặc biệt để tránh thui chột đi tài năng vốn có. Đồng thời, nếu đứa trẻ được giáo dục tốt đây sẽ là một tài năng của đất nước sau này. Lê Quyết (ghi) |
Anh Toản – Kim Thoa