Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục yếu và đảng Cộng hòa tìm ra được ứng viên sáng giá thì các cử tri Mỹ chắc chắn sẽ đánh bật cả ông Obama và đảng Dân chủ khỏi các vị trí quyền lực, CS Monitor nhận định.
Theo tờ báo này, Quốc hội Mỹ đang rơi vào tình trạng tồi tệ khi mà các thành viên đảng Dân chủ, Cộng hòa và cả các nghị sĩ độc lập đều không tán thành cách hoạt động của chính bản thân Quốc hội. Theo khảo sát mới đây của Gallup, tỷ lệ ủng hộ Quốc hội ở cả ba nhóm trên đều dưới 20%.
Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do sự chia rẽ phe phái. Các nghị sĩ Dân chủ khó chịu khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện và ngược lại, phe Cộng hòa “tức mình” khi Thượng viện nằm trong tay phe Dân chủ. Còn những nghị sĩ độc lập thì phẫn nộ trước cuộc đấu không biết mệt mỏi của hai phe lớn trên ở cả hai viện.
Thực tế này khác xa so với cách đây hai năm, khi cả hai viện đều do đảng Dân chủ nắm quyền. Cụ thể, cuộc khảo sát hồi mùa xuân năm 2009 cho thấy, tỷ lệ những nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ Quốc hội là 20% và con số này là 29% trong số những nghị sĩ độc lập. Tuy nhiên, khi đó có tới 63% nghị sĩ Dân chủ tán thành cách điều hành của Quốc hội do họ nắm đa số.
Sự chia rẽ đảng phái trong Quốc hội Mỹ đang ngày càng sâu sắc. |
Tuy nhiên, theo giới phân tích, không chỉ Quốc hội Mỹ phải đối mặt với thực trạng này. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi yếu ớt cùng “quả bom” nợ đang treo lơ lửng, hầu hết người Mỹ đều không hài lòng với cách điều hành của Chính phủ liên bang.
Trong cuộc thăm dò ý kiến mới đây của đài NBC, đa số những người được hỏi cho rằng, nếu có thể, họ sẽ dùng lá phiếu của mình để đánh bật hết các nghị sĩ ra khỏi Quốc hội, trong đó có cả những đại biểu của họ. Các cuộc khảo sát khác cũng cho thấy, hầu hết người dân Mỹ không muốn Tổng thống Obama tái đắc cử.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu các cử tri Mỹ có hiện thực hóa mong muốn của họ trong cuộc bầu cử năm sau? Dù về mặt lý thuyết, các cử tri có thể “lật đổ” tất cả những người đương chức ở cả hai đảng nhưng kết quả của hành động này sẽ là tạo tiền lệ xấu trong lịch sử Mỹ.
Một khả năng khác có thể là cử tri sẽ bỏ phiếu để duy trì thực trạng của Quốc hội và quyền lực của Tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, với sự bất mãn như hiện nay trong dư luận Mỹ thì viễn cảnh này dường như khó xảy ra.
CS Monitor nhận định, ông Obama có thể bị đánh bật khỏi vị trí quyền lực sau cuộc bầu cử năm 2012. |
CS Monitorcho rằng, viễn cảnh khả thi nhất có thể là cử tri Mỹ sẽ chọn lựa một trong hai đảng phái mạnh hơn: Dân chủ hoặc Cộng hòa. Nếu kinh tế Mỹ không khá hơn và đảng Cộng hòa tìm ra được ứng viên sáng giá thì cơ hội cho ông Obama và đảng Dân chủ là không cao.
Vả lại, nếu nhìn lại tiền lệ ở bốn kỳ bầu cử hồi năm 1956, 1972,1984 và 1996, khi đó bộ máy chính quyền cũng bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay, thì có thể thấy, cử tri chắc chắn giành ưu ái cho phe đối lập, đặc biệt trong cuộc bầu cử Hạ viện.
“Rất có thể chúng ta sẽ có một Tổng thống mới thuộc phe Cộng hòa với quyền kiểm soát ở cả hai viện, một kịch bản chưa từng xảy ra kể từ năm 1928. Khi đó, đảng Cộng hòa sẽ có quyền kiểm soát tuyệt đối song cũng là trách nhiệm nặng nề. Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế không nhỏ cũng như tâm lý hoài nghi trong dư luận. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì khả năng họ lại phải chịu làn sóng giận dữ của dư luận vào giữa nhiệm kỳ – năm 2014 là rất cao”, CS Monitor cho hay.
CS Monitor nhận định, nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng dự đoán của họ, tức là đảng Cộng hòa lên nắm quyền và tiếp tục bị chỉ trích thì dư luận Mỹ khi đó sẽ nghĩ đến đảng phái thứ 3, tạo điều kiện cho một sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống chính trị.
“Dù việc đảng phái mới lên ngôi là rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Nếu đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục cho thấy sự yếu kém trong cách điều hành của mình thì người dân Mỹ không còn cách còn khác là tìm một thế lực mới để gánh vác đất nước”, CS Monitor nhấn mạnh.