Tự nhiên trời đất tối sầm, nước hồ cuộn sóng, con thuồng luồng dài hơn 10 thước xuất hiện, ôm quấn lấy ái phi Nguyễn Thị Hạo của vua Lý Thánh Tông.
Ảnh minh họa. |
Từ huyền thoại…
Theo Thần tích đức Linh Lang Đại vương và sách Đại Nam nhất thống chí, Linh Lang là con trai thứ tư của Vua Lý Thánh Tông. Thế nhưng, nguồn gốc thực sự của ông lại rất ly kỳ…
Chuyện kể rằng, ông bà ngoại của Linh Lang Đại vương là người đất Bồng Lai (nay thuộc Đan Phượng). Ông Nguyễn Thái Công (hay Nguyễn Thực) và bà Dương Thị Triệu (hay Lê Thị Năng) là người tu nhân tích đức, sinh hạ một gái là Nguyễn Thị Hạo vào ngày 10/2 năm Canh Thìn.
Sau khi cha qua đời, mẹ con bà Dương Thị Triệu bèn ra Thị Trại ở cùng một bà dì làm nghề buôn tơ lụa. Đến khi Nguyễn Thị Hạo vừa tròn 19 tuổi, thì xinh đẹp như tiên, chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn. Một hôm, Vua Lý Thánh Tông ra ngoại thành du ngoạn. Nhân dân đổ ra đường nghênh đón, Nguyễn Thị Hạo cũng tham gia đứng bên đường đón vua.
Lý Thánh Tông nhìn thấy cô gái xinh đẹp bên vệ đường, bỗng đem lòng yêu mến. Nhà vua sai quan đến thăm hỏi và sau đó đem 100 lạng vàng làm sính lễ rước bà về cung, làm cung phi thứ bảy. Nhà vua xây cho bà một cung điện ở Thị Trại, tức khu vực Thủ Lệ ngày nay.
Đã bốn năm sống bên nhà vua, bà Phi Nguyễn Thị Hạo vẫn chưa có thai. Một hôm, nhân trời mùa hè nóng bức, bà cùng các cung phi, thị nữ ra tắm ở hồ Tây. Tự nhiên trời đất tối sầm, nước hồ cuộn sóng, con thuồng luồng dài hơn 10 thước xuất hiện, ôm quấn lấy bà và phun rớt rãi đầy người, có mùi thơm… Thế nhưng, lát sau, trời đất quang tạnh, sóng lặng gió yên. Nhìn lại thì con thuồng luồng cũng biến mất. Bà trở về cung vẫn còn bàng hoàng, liền nói hết sự thật với vua.
Nhà vua nghe chuyện thì giận lắm, ngồi dựa vào long sàng mà ngủ thiếp đi. Vua vừa chợp mắt thì mơ thấy một người mặc áo long cổn, tay cầm bảo kỷ, từ trên trời xuống, đi thẳng tới trước mặt vua quỳ xuống và tâu: “Ba năm sau sẽ có giặc Vĩnh Trinh đến xâm lấn, Hoàng đế đã sai thủy thần ra đời, đầu thai vào làm con nhà vua, để sau này dẹp giặc cứu nước”.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Hạo có mang. Sau 13 tháng, bà sinh một người con trai khôi ngô tuấn tú, thân hình to lớn, sau lưng có 28 vết hằn trông như vẩy rồng và trên ngực có bảy hàng chấm, óng ánh như hạt ngọc…
Một thời gian sau đó, có người tên Nùng Tồn Phúc và giặc Vĩnh Trinh nổi lên làm loạn ở vùng núi phía Bắc. Với quân lực hùng hậu, ai ai cũng khiếp sợ, nhà vua bèn cho lập đàn cầu trời. Bỗng trên đám mây trắng có ông tiên giáng đàn bảo vua rằng:“Thế nước gieo neo có thánh tài/ Vận trời đã định há lo hoài/ Nếu cầu người giỏi nơi phường Trại/ Giặc Vĩnh Trinh kia chết chẳng sai”.
Vua Lý Thánh Tông đã sai người đến Thị Trại. Khi ấy, Hoàng Lang nghe tiếng quan rao, bỗng nhiên ngồi dậy, cất tiếng gọi me. Bà mẹ rất ngạc nhiên và bảo con: “Con còn thơ dại chả nhẽ lại muốn đi đánh giặc để đền báo nghĩa vua cha hay sao mà lại hỏi thế?” Hoàng Lang giục mẹ mời xá nhân vào và nói rằng: “Ngươi hãy mau mau về báo với nhà vua, xin sắm sửa cho ta một lá cờ dài 10 thước và một con voi thật lớn, rồi mang lại ngay cho ta, một mình ta đánh giặc, xin nhà vua đừng lo ngại gì cả”.
Nghe vậy, xá nhân về bẩm lại với vua, vua hết sức vui mừng, ngay hôm sau sai người mang đến đủ cùng 5.000 binh lính chiêu mộ được, cho làm gia thần. Ở Thị Trại chọn được mười hai người và có hai tì tướng theo giúp, ngoài ra còn có các họ khác cũng xin đi theo để đánh giặc. Thế là Hoàng Lang liền nghiêng mình lắc mạnh, thân hình bỗng nhiên cao lớn đến chừng chín thước, tay cầm lá cờ lớn 10 thước nhảy lên lưng voi và vung cờ thét lớn: “Ta là thiên tướng”. Con Voi lồng lên chạy như bay, lao như tên bắn thẳng đến đồn giặc. Tướng giặc Vĩnh Trinh nhìn thấy sợ ngã lăn ra, quân lính thì chạy toán loạn vì khiếp sợ.
Dẹp được giặc giã, nhà vua vui mừng và mở tiệc lớn chiêu đãi binh sĩ. Mấy tháng sau, vua có ý định nhường ngôi cho Hoàng Lang nhưng ngài từ chối. Lúc này, Hoàng Lang bị mắc bệnh đậu mùa đã được ba tháng, không sao chữa khỏi. Nhà vua ngự tới cung Hoàng Lang an ủi: “Bệnh đậu mùa dù nguy nan đến đâu cũng có thể tự khỏi được”. Hoàng Lang liền nói: “Thần vốn không phải con nhà vua, mà là con của Long Quân. Do thấy thế nước gian nguy, nên vâng theo thiên hạ, thần thác sinh làm hoàng tử để dẹp giặc, nay giặc giã đã dẹp yên, thần xin được trở về thủy quốc. Xin vua cho ra Thạch Bàn ở hồ Tây, cầm lá cờ sắt tung lên trời, rồi cờ bay về phương nào, cho thần hưởng tự ở nơi đó”.
Hoàng Lang sau đó thần hoá thành thuồng luồng dài hơn 10 thước bò xuống hồ Tây.
… Đến hiện tại
Thần Linh Lang Đại vương được nhiều nơi trong cả nước thờ cúng, mỗi nơi đều có bản thần tích riêng. Theo thống kê tại kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm, đã có trên 70 vạn bản thần tích ghi chép về sự tích thần Linh Lang. Hình tượng thần Linh Lang là hình tượng người anh hùng trong công cuộc dẹp giặc ngoại xâm giữ nước của dân tộc.
Ở Hà Nội có ngôi đền cổ, tên Voi Phục, thờ vị thần sông nước huyền thoại này; đồng thời nơi đây cũng được xem là một trong tứ trấn (trấn Tây) của Thăng Long, cùng với đình Kim Liên – trấn Nam (quận Đống Đa), đền Bạch Mã – trấn Đông (quận Hoàn Kiếm), đền Quán Thánh – trấn Bắc (quận Ba Đình).
Đền Voi Phục.Ảnh tư liệu |
Đền Voi Phục có dạng chữ Công. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ. Trung đường 1 gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX. Dưới ngai thờ thần là tượng 2 vị tuỳ tướng quỳ chầu.
Hậu cung cũng 5 gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là pho tượng đức Linh Lang Đại vương với nét mặt thanh tú, cao sang. Phía trước pho tượng Ngài là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu trên hòn đá này. Hai bên hòn đá là tượng 2 vị phụ tá đứng chầu.
Trong đền, ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí. đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Hàng năm, lễ hội Đền Voi Phục được tổ chức từ mùng 9 đến 11 tháng 2 (Âm lịch).
Đền Voi Phục được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 28/4/1962.
Sách Người và cảnh Hà Nội của Hoàng Đạo Thuý lại ghi: “Sự thật, Linh Lang là ông hoàng Bẩy đời Lý. Mẹ ông đi mò ốc ở hồ Tây, bị vua chấm. Đến lúc có mang lại bỏ. Bà về nuôi con khôn lớn, làm nhà cho con học ở Tào Sách, trên quán La, bờ hồ Tây. Khi giặc Tống đến, ông đi đánh, lập công to. Bấy giờ vua mới nhận và phong cho là Dâm Đàm Vương. Dâm Đàm là tên cũ của hồ Tây. Nhưng ông hoàng không thích giàu sang, vẫn cứ sống đời bình thường. Khi ông mất, nhà vua trao cho một trại giữ lệ cúng giỗ, vì thế trại lấy tên là Thủ Lệ. Nay khu đền thành công viên”. |
theo datviet