Cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ tại Libya, ông Muammar Gaddafi, hồi cuối tuần này đã mở đường để bộ máy cầm quyền mới của quốc gia châu Phi này tiến hành tái xây dựng đất nước.
Nhưng câu hỏi đặt ra là một chính quyền do dân bầu liệu có khả năng đoàn kết một xã hội thường xuyên chia rẽ như Libya, vốn chỉ gắn bó suốt 4 thập kỷ qua nhờ bàn tay sắt của ông Gaddafi.
Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo dài hơi nhất của thế giới Arab, đã nhận một kết cục đẫm máu hôm 20/10 vừa qua. Một số báo cáo nói rằng ông bị bắt tại quê nhà Sirte và bị bắn chết. Thông tin khác cho rằng xe cứu thương chở Gaddafi tới bệnh viện bị binh lính trung thành với ông nã đạn, gây nên vết thương chí mạng vào đầu.
Mất Gaddafi, nguy cơ nội chiến rất cao
Chẳng cần biết câu chuyện nào là thực, cái chết của Gaddafi vẫn không khiến thế giới ngạc nhiên bởi quê nhà Sirte, thành trì cuối cùng của ông, đã bị vây hãm và việc cựu lãnh đạo quốc gia châu Phi này bị bắt hoặc bị giết chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng câu hỏi là liệu cái chết của ông có mang tới hòa bình cho Libya hay không vẫn chưa thể có lời giải đáp.
Liệu “tuần trăng mật” thời hậu Gaddafi của Libya sẽ kéo dài tới đâu?
Giới phân tích nói rằng thách thức đầu tiên với sự hòa bình ổn định của Libya sẽ tới từ những lực lượng trung thành với Gaddafi. “Gaddafi giờ đã là một người tử vì đạo và có thể trở thành nguyên nhân để gây ra xung đột giữa các bộ tộc, nếu chưa phải trong tương lai gần thì cũng sẽ về mặt trung và dài hạn” – George Joffe, một chuyên gia về châu Phi ở Đại học Cambridge nhận xét – “Khi NATO gây ra cái chết của ông, vấn đề trở nên rất đáng lo ngại, vì nó có thể làm suy yếu tính hợp pháp của Hội đồng Chuyển quyền Quốc gia (NTC)”.
Nhưng thách thức lớn hơn mà NTC phải đối mặt lại chính là việc kiểm soát sự đoàn kết nội bộ của họ. Theo Gabriele Iacovino, một chuyên gia về Bắc Phi và Địa Trung Hải ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế (CESI), khoảng trống Gaddafi để lại có thể dẫn tới sự tranh giành quyền lực giữa nhiều nhóm chính trị khác nhau đã thành lập nên NTC. Ông nói rằng nguy cơ xảy ra nội chiến là rất cao.
“Mục tiêu chung cho mọi nhóm chính trị trong NTC là đánh bại Gaddafi để mở đường cho việc xây dựng một chính quyền mới. Xét theo chiều ngược lại, sự tồn tại của Gaddafi là yếu tố đoàn kết đất nước, ngay cả trong thời điểm có xung đột. Giờ Gaddafi đã chết và chẳng ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra” – Iacovino nói.
Một đất nước với quá nhiều lực lượng quân sự
Arturo Varvelli, một nhà nghiên cứu ở trung tâm phân tích chính trị quốc tế ISPI có trụ sở ở Milan, Italia, nhấn mạnh tới sự tương phản rõ rệt giữa hai lực lượng chính hiện nay trong NTC: các chiến binh được ủng hộ bởi những nhóm Hồi giáo và số còn lại đứng dưới trướng những người Libya sống lưu vong mới trở về hoặc các quan chức cũ của chính quyền Libya chạy sang phe chống đối.
“Cả 2 nhóm này đều đang tìm kiếm sự ảnh hưởng về mặt chính trị và điều quan trọng là họ phải có sự thỏa hiệp với nhau. Sự thành công của giai đoạn chuyển quyền sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự hợp tác giữa nhiều nhóm trong NTC trên tinh thần cùng tồn tại một cách hòa bình”- Varvelli nói.
Các chiến binh NTC khoe một khẩu súng ngắn mạ vàng từng thuộc về Gaddafi. Có tin nói cựu lãnh đạo Libya đã bị bắn chết bằng chính khẩu súng này
Một vấn đề nữa là Libya hiện có quá nhiều các nhóm chiến binh, trong bối cảnh đất nước đang ngập tràn vũ khí và ai cũng có thể tiếp cận với chúng một cách dễ dàng. “Đất nước này có vấn đề về các lực lượng dân quân lớn hơn ngoài sức tưởng tượng của tôi” – nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã phải thốt lên sau chuyến viếng thăm Tripoli hôm 29/9 – “Riêng Tripoli đã có 28 lực lượng dân quân. Gần như mọi bộ tộc, mọi nhóm chính trị đều có đạo quân riêng của họ và đây là vấn đề lớn”.
Trong mấy tuần gần đây, Tripoli đã chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các lực lượng vũ trang thuộc NTC, thấy rõ nhất qua việc nhóm nào cũng khẳng định họ là lực lượng an ninh hợp pháp duy nhất của chính quyền mới. Việc Libya có quá nhiều các nhóm vũ trang đã khiến Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain lên tiếng kêu gọi NTC phải nhanh chóng đưa họ vào tầm kiểm soát, trong một lực lượng an ninh chung như quân đội và cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên lúc này câu hỏi đặt ra là các chiến binh trên sẽ nghe lệnh ai, họ sẽ đối xử với nhau ra sao và yêu cầu của họ với chính quyền là gì.
Cuối cùng, NTC sẽ phải đáp ứng rất nhiều kỳ vọng tới từ 6 triệu người dân Libya về một sự thay đổi của chính quyền mới. “Giờ sẽ có một sự kỳ vọng khổng lồ, đi theo nó là áp lực tương xứng. Cho tới trước đó, họ (NTC) vẫn viện dẫn lý do đang có chiến tranh để né tránh vấn đề này. Nhưng giờ họ không còn lý do gì nữa và sẽ phải đáp ứng nguyện vọng của người dân” – chuyên gia John Hamilton ở tổ chức Cross Border Information nói với Reuters” – “Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Họ phải mang tới sự thay đổi cho người dân. Nói cách khác, “tuần trăng mật” hình thành sau khi Tripoli sụp đổ chỉ có thể kéo dài nếu người ta có thể nhanh chóng dựng lên một chính phủ hiệu quả trong thời gian thật ngắn”.
Con đường nguy hiểm ở phía trước
Được biết theo một thỏa thuận chung của NTC, sau khi chiếm được Sirte, Libya sẽ chính thức tuyên bố giải phóng và tiến hành bầu cử dân chủ. NTC sẽ chuyển trụ sở từ Benghazi tới Tripoli và thành lập một chính phủ chuyển quyền trong vòng 30 ngày. Một hội nghị quốc gia với 200 thành viên sẽ được lập ra trong vòng 240 ngày và họ sẽ chỉ định tân Thủ tướng, người sẽ thành lập chính phủ mới. Hội nghị quốc gia sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu quốc hội mới.
Một số người lo ngại các cuộc vận động liên quan tới việc thành lập chính quyền mới trong mấy ngày tới có thể làm rạn nứt liên minh giữa các lực lượng địa phương đã đóng góp quân lật đổ ông Gaddafi. Trong bối cảnh Gaddafi đã bị lật đổ và vấn đề quyền lợi xuất hiện, chất keo kết dính các lực lượng này sẽ nhanh chóng bốc hơi.
Nhiều nhà phân tích đã thể hiện sự lo ngại về tương lai của quốc gia châu Phi này. “Chúng tôi khá bi quan về việc tiến trình chuyển quyền sẽ diễn ra thành công và ổn định” – giáo sư Michael Greig, một chuyên gia về xung đột quốc tế ở Đại học Bắc Texas, người đã nghiên cứu 41 cuộc chuyển quyền trên thế giới trong vòng 170 năm qua nhận xét – “Một trong những yếu tố quan trọng mang tới sự tồn vong của một nền dân chủ mới là sự gắn kết của xã hội. Xã hội càng đa sắc tộc thì chính quyền mới được lập ra càng ít ổn định”.
Còn Ali Abdullatif Ahmida, nhà khoa học chính trị người Libya ở Đại học New England đánh giá: “Đây là sự chấm dứt của một thời đại, nhưng cuộc chiến về một chính quyền mới đã bắt đầu nổ ra. Tất cả sẽ tuỳ thuộc vào việc giới lãnh đạo NTC hàn gắn đất nước và con người Libya ra sao, hay họ chỉ tập trung vào các hoạt động mang tính báo thù, tính sổ. Cả một con đường nguy hiểm đang chờ đón Libya ở phía trước”.
Tường Linh-(TT&VH)