Ở Nhật, phụ huynh hầu như không đưa đón con tận nơi mà kết hợp với nhà trường “tập kết” nhiều học sinh gần nơi sinh sống.
Bài viết của kỹ sư Hữu Bằng, người từng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội, sau đó sang Nhật học về xử lý chất thải.
Hệ thống đường trên cao làm giảm tải ùn tắc giao thông ở Nhật Bản. Ảnh: lhccshtd.org |
Cho trẻ em tự lập
Ở Nhật việc đưa đón trẻ em được giao phó hoàn toàn cho phụ nữ, những người hầu như chỉ lo công việc gia đình. Vì vậy việc đưa đón con với họ không thành vấn đề.
Vậy ta học được họ ở điều gì? Đó là họ không trực tiếp đưa đón con tới tận trường mà kết hợp với nhà trường để “tập kết” học sinh tại địa điểm gần nơi sinh sống.
Ở Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn phải đưa đón con tận trường. Ảnh minh hoạ: Phạm Thịnh |
Xe buýt sẽ đón từng nhóm học sinh (với sự giám sát của nhà trường và những người tình nguyện). Sau đó đỗ ở điểm gần trường để các em tự đi đến trường và về nhà theo một lộ trình cố định.
Việc đưa đón và đi theo nhóm sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, mỗi học sinh tiểu học đều đeo theo một chuông báo động.
Họ cũng luyện cho học sinh quen dần với việc tự đi bộ đến trường. Ban đầu gia đình sẽ kèm đưa gần đến trường, dần dần khoảng cách sẽ kéo xa dần.
Khi trẻ em đã quen với lộ trình đó thì bố mẹ sẽ không xuất hiện nữa, thay vào đó là nhà trường và những học sinh lớp lớn hơn sẽ làm việc đưa đón.
Thực ra việc đưa đón tập trung bằng xe bus một số trường ở Hà Nội như Đoàn Thị Điểm cũng đã triển khai, tuy nhiên địa điểm tập kết vẫn khá xa và trẻ em sẽ khó tự đi về nhà được.
Với việc đi làm “lệch” giờ giữa các cơ quan, hiện ở Nhật, hầu hết các công ty bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 5giờ 40phút đến 6 giờ chiều.
Các trường học cũng hầu như bắt đầu từ 9 giờ sáng, ngoại trừ tiểu học bắt đầu từ 8 giờ 30 phút. Có nghĩa là có sự lệch pha không nhiều giữa trường học và các cơ quan.
Tuy nhiên hầu hết các cơ quan đều có chế độ “linh động về giờ giấc”, cho phép nhân viên linh hoạt trong việc sử dụng thời gian, miễn là đảm bảo đủ số giờ lao động và không ảnh hưởng đến việc chung.
Nhật Bản cũng tắc đường
Vậy Nhật Bản có tắc đường không? Xin khẳng định luôn là có và thậm chí tắc kéo dài hàng giờ cũng có. Nhưng cách thức họ xử lý trước vấn đề đó như thế nào?
Trước hết đó là vấn đề thông tin. Hàng ngày thông tin giao thông được cập nhật thường xuyên qua truyền hình, qua mạng internet. Nhờ đó mà người tham gia giao thông có thể chủ động chọn đường đi, phương tiện di chuyển và ra khỏi nhà sớm hơn.
Đến đây tạm quay trở lại Việt Nam, liệu bạn có chịu ra khỏi nhà sớm hơn khi biết chắc chắn đoạn đường này sẽ tắc? Chắc sẽ ít người chả lời là có. Nhưng người Nhật thường nói với tôi thế này: “Chúng tôi có thể xem xét nếu bạn đưa ra lý do mình đến muộn nhưng tốt nhất đừng bao giờ đưa lý do tàu chậm hay tắc đường để thanh minh. Có nghĩa là chậm hay không đều do chính chúng ta quyết định cả”.
Nên khi có sự cố xảy ra người ta lập tức có sự lựa chọn cho mình một cách thức di chuyển khác. Các hãng vận tải có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với nhau để sớm giải quyết sự cố. Còn người tham gia giao thông thì luôn có nhiều phương án dự phòng tình huống xấu xảy ra.
Sẽ nhiều người thắc mắc họ làm được như thế bởi họ có một hệ thống giao thông công cộng phát triển. Còn Việt Nam hệ thống xe buýt quá tải, chật chội …Vậy tại sao hệ thống giao thông công cộng của họ phát triển?
Vì thứ nhất là xã hội có kỷ luật cao. Ở đó, cơ quan, trường học… nhiều nơi hạn chế phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Một xã hội tuân thủ theo quy định thì điều này nhanh chóng được thực hiện. Cái này giờ Việt Nam đang cố gắng làm.
Thứ hai là vấn đề kinh tế. Việc sử dụng phương tiện công cộng rẻ hơn nhiều so với sở hữu phương tiện cá nhân. Ngoài tiền nhiên liệu, người sở hữu phương tiện cá nhân hàng năm phải đóng hàng trăm thứ khác như bảo hiểm, thuế, bãi đỗ…tất nhiên là không hề rẻ. Cái này Việt Nam làm không chặt, hoặc các loại phí còn rẻ khiến cho nhiều người chưa muốn nghĩ tới việc tìm cho mình một phương tiện thay thế.
Thứ ba là người Nhật sẵn sàng đi bộ. Từ nhà đến ga đi bộ mất 20-30 phút, từ ga đến công ty cũng khoảng chừng đó. Nghĩa là một ngày họ mất khoảng một tiếng cho việc đi bộ.
Thứ tư là an toàn. Ở đây, có ngủ cả ngày trên phương tiện công cộng cũng chả mất gì. Bởi pháp luật trừng trị nặng những kẻ làm bậy cũng như những người cùng tham gia giao thông công cộng có ý thức vì cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ hay tố giác tội phạm.
Khi nào Việt Nam hết được cảnh bắt được phạt nhẹ rồi tha và những người cùng trên xe bỏ được thái độ thờ ơ khi người khác bị hại thì lúc đó mới nâng cao mức độ an toàn