Không chỉ được coi là dấu hiệu của sự chết, sự diệt vong của các triều đại, điềm báo ngày tận thế hoặc các thế lực ma quỷ, mà nhật thực còn có liên hệ tới nhiều giai thoại lẫn câu chuyện có thật trong lịch sử.
1. Khổ nạn của Chúa Jesus
Các nhà sử học thời sau này đã dùng các kiến thức thiên văn học hiện đại để xác định thời điểm chúa Jesus tử nạn trong mối liên hệ với nhật thực. Có nhà nghiên cứu cho rằng đó có thể là một đợt nhật thực kéo dài 1 phút 59 giây xảy ra vào năm 29 SCN, có người lại cho rằng đó là một nhật thực khác kéo dài tận 4 phút 6 giây xảy ra vào năm 33 SCN, cũng đồng thời là đánh dấu cái chết của Chúa Jesus.
2. Cuộc chiến Nhật thực – 28/5/585 TCN
Vào thời cổ đại, nhật thực thường được cho là cơ hội để liên lạc với người chết hoặc có liên hệ tới những sự kiện ma quái, siêu nhiên. Tuy nhiên, có ít nhất một lần người ta ghi nhận rằng ‘những suy nghĩ xấu’ về nhật thực toàn phần đã giúp chặn đứng một cuộc chiến tranh khủng khiếp.
Sử gia Hy Lạp Herodotus chép lại rằng, lúc đó 2 phe là Lydians (một vương quốc cổ đại nằm ở đông Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ) và Medes (một dân tốc Iran cổ đại, sống ở tây bắc Iran ngày nay) đang sắp sửa đánh nhau trên bán đảo Anatolian, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Nhà sử học Bryan Brewer, tác giả của cuốn Eclipse: History. Science. Awe cho biết: “Sự kiện diễn ra ngay giữa cuộc chiến của 2 vương quốc xung khắc nhau là Lydians và Medes. 2 bên đã đánh nhau hơn 1 thập kỷ nhưng rồi nhật thực xảy ra và cuộc chiến phải tạm hoãn lại” .
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một cuộc chiến được ngăn chặn bằng nhật thực và do đó, các sử gia gọi đây là “cuộc chiến nhật thực”. Nguyên nhân là do cả 2 phe đều cho đây là một điềm báo xấu nên đều buông vũ khí và hòa bình lại lập lại. Tuy nhiên, các học giả sau này chỉ ra một vài điểm chưa hợp lý trong ghi chép của Herodotus. Thí dụ như ông chép lại rằng nhật thực toàn phần khi xưa xảy ra vào giữa ngày, nhưng đường quét của nhật thực vào 28/5 phải gần tới Mặt trời lặn thì mới quét qua khu vực xảy ra chiến trận.
Dù vậy, đó vẫn là một sự kiện để lại ấn tượng và kéo dài suốt nhiều năm, bất kể là có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều gì thực sự đã xảy ra.
3. Nhật thực làm nên một nhà thiên văn học kiệt xuất – 21/8/1560
Hồi năm 1560, đã có một lần nhật thực một phần xảy ra vào đúng ngày 21/8 (trùng với ngày nhật thực năm nay 2017). Lúc đó, một cậu bé 13 tuổi là Tycho Brahe đã được hiện tượng kỳ lạ này truyền cảm hứng và quyết định phải tạo ra công cụ gì đó để quan sát bầu trời tốt hơn. Và Tycho Brye sau này trở thành nhà thiên văn học, chiêm tinh học nổi tiếng với công sáng lập ra bộ môn thiên văn học quan sát trước cả khi có kính viễn vọng.
Tycho Brahe, nhà thiên văn học, nhà chiêm tinh học Đan Mạch. Ông được coi là người sáng lập môn thiên văn quan sát trước khi có kính viễn vọng. (Ảnh: en.wikipedia.org)
Nhà thiên văn học Jay Pasachoff làm việc tại ArtCenter California cho biết: “Chàng trai Tycho Brye đã được dịp quan sát nhật thực. Sau khi cứ mải đoán, ông quyết định rằng sau này lớn lên phải tìm được công cụ quan sát tốt hơn để biết điều gì đã xảy ra khi có nhật thực. Bằng những nguồn kiến thức mà chỉ có địa vị quý tộc mới được tiếp cận, ông đã chế tạo nên một thiết bị dạng kính thiên văn với kích thước lớn nhất thế giới bấy giờ để quan sát bầu trời một cách cẩn thận. Và đây cũng chính là công cụ mà Johannes Kepler sau này đã dùng để phát hiện ra các quy luật quỹ đạo hành tinh”.
Các định luật chuyển động hành tinh của Kepler đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn, thay đổi hoàn toàn diện mạo của cả cộng đồng khoa học vốn trước đó cho rằng các hành tinh chuyển động theo quỹ đạo hình tròn. Nếu không có phát minh của Brahe và sâu xa hơn là lần quan sát nhật thực hồi nhỏ của ông thì có lẽ, các quy luật chuyển động hành tinh sẽ không có điều kiện ra đời. Bởi thế, người ta mới nói nhật thực là động cơ khơi mào cho sự ra đời của nhiều phát kiến sau này.
4. Ngày thứ 2 đen tối – 8/4/1652
Đó là một lần nhật thực toàn phần mà người ta gọi là “ngày thứ 2 đen tối” gieo rắc nỗi khiếp sợ cho những cư dân phía Tây châu Âu, nơi bóng tối của nhật thực quét qua. Trong tiếng Anh, cụm “ngày thứ 2 đen tối” là “Mirk Monday”, với chữ Mirk có gốc tiếng Na Uy cổ là “myrkr”, dịch ra tiếng Việt là sự đen tối, u ám, tối tăm.
Hiện những thông tin chi tiết về những gì thực sự xảy ra khi xưa vẫn chưa thật sự rõ ràng, nhưng từ nhiều văn bản ghi chép lại, dường như khi xưa người ta thật sự sợ hãi việc này. Điều đó được thể hiện từ tựa đề của một bản ghi chép mang tên A Discourse on the Terrible Eclipse of the Sun (bài luận về nhật thực kinh khủng của Mặt trời). Mặt trời bị tắt luôn gắn liền với dấu hiệu của ngày tận thế và có vẻ như thời đó người ta cực kỳ sợ hãi với điều này.
Nhà thiên văn học Pasachoff cho biết: “Con người thật sự không hiểu được điều gì đã xảy ra, chỉ nhìn nhận nhật thực như một điềm báo. Có nhiều cuốn sách đã nói về những hiệu ứng tiêu cực về lần nhật thực năm 1652”. Có ghi chép kể lại rằng: “Nhật thực năm 1652 đã kéo dài liên tục 9 tiếng trong suốt buổi trưa, mặt đất đen tối hơn, tái nhợt và theo các nhà chiêm tinh thì đây là bóng tối như cuộc Khổ hình của Chúa. Người ta cho rằng đã tới ngày tận thế mà kinh Khải Huyền nói đến”.
5. Sự ra đời của đấng tiên tri Mohammed – 569 TCN
Trong cuốn kinh Koran đã đề cập tới nhật thực trước sự ra đời của Mohammed. Các sử gia sau này cho rằng đó là một nhật thực kéo dài 3 phút 17 giây vào năm 569 TCN. Một lần khác, sử sách của tôn giáo này cũng ghi nhận lại lúc con của Mohammed là Ibrahim qua đời thì nhật thực cũng xuất hiện và kéo dài 1 phút 40 giây.
Tuy nhiên, những người hồi giáo đầu tiên không tin rằng nhật thực là dấu hiệu của Chúa Trời. Thay vào đó, theo các văn tự của Hồi giáo có tên gọi là Hadith, nhà tiên tri Mohammed từng tuyên bố: “Mặt trăng và Mặt trời không bị che khuất bởi cái chết hay sự ra đời của bất kỳ ai”.
6. Chiến thắng của Einstein – 29/5/1919
Có thể nói đây là một trong những lần nhật thực tuyệt vời nhất thế kỷ 20 và đáng kinh ngạc nhất mọi thời đại. Doug Duncan, nhà thiên văn học tại Viện khoa học Thiên văn và Hành tinh của Đại học Boulder khẳng định: “Đó là lần nhật thật mà chúng ta đã phát hiện rằng ý tưởng về không gian thời gian bị bẻ cong của Einstein là đúng”. Trước đấy 4 năm, tức là vào năm 1915, Einstein đã đưa ra dự đoán rằng lực hấp dẫn có thể bẻ cong tấm thảm thời – không. Và tới 1919, người ta phát hiện ra những bằng chứng đầu tiên củng cố cho lập luận đó.
Duncan giải thích: “Các nhà thiên văn học muốn bắt được những tia sáng đi qua Mặt trời để xem cảnh nó bị bẻ cong. Họ đã chụp những bức ảnh tại cùng một khu vực trên bầu trời khi Mặt trời đi qua những chòm sao và so sánh với mô hình những ngôi sao. Kết quả phân tích các bức ảnh, họ nhận thấy rằng thứ khổng lồ như Mặt trời không chỉ bẻ cong được ánh sáng mà cả không gian cũng bị uốn cong”.
Nhật thực năm 1919 chính là sự kiện tự nhiên đầu tiên cung cấp cơ hội kiểm chứng giả thuyết của Einstein. Khi đó, Mặt trời bị Mặt trăng che khuất và chính những tia sáng tại khu vực rìa của nó đã bị bẻ cong. Einstein đã đúng.
Mặt khác, nhật thực 1919 còn được xem như một chiến thắng của vật lý Newton vốn cho rằng ánh sáng sẽ bị bẻ cong tại phía rìa của Mặt trời (không nhiều như dự đoán của Einstein). Chính sự kiện này đã góp phần đưa Einstein lên đỉnh cao của sự nổi tiếng và cho tới bây giờ, ông vẫn giữ vững ngôi vị số một trong những nhà khoa học có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
7. Nhật Thực Trung Quốc – 1302 TCN
Các sử gia Trung Quốc cổ đại từng chép lại thông tin về một nhật thực kéo dài 6 phút 25 giây. Thời xưa, người Trung Quốc luôn cho rằng Mặt trời là biểu tượng của hoàng đế nên khi nó bị che khuất bởi nhật thực, người ta xem nó như một điềm cảnh báo tới nhà vua. Sau nhật thực, hoàng đế đã phải ăn chay và tiến hành các nghi thức tế bái để hy vọng “cứu” Mặt trời.
Sau này, một nhà thiên văn học là Kevin D. Pang tại phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu những văn tự cổ đại viết trên mai rùa nhằm tìm manh mối về thời điểm xảy ra nhật thực. Kết quả, họ khẳng định nhật thực xảy ra vào 5/6/1302 và phát hiện nội dung của văn bản đó cho biết: “Ngày thứ 52, sương mù vẫn giăng kín cho tới khi trời sáng. Ba ngọn lửa đã nuốt lấy Mặt trời và những ngôi sao lớn hiện ra”.
Pang giải thích rằng, 3 ngọn lửa đó có thể là những dòng nhật hoa phát ra từ bề mặt Mặt trời được nhìn thấy khi xảy ra nhật thực. Mặt khác, khi Mặt trăng che khuất Mặt trời, những ngôi sao sẽ được người ở Trái đất nhìn thấy vào ban ngày.
Theo Tinh Tế