Trước sức ép lớn yêu cầu cắt giảm lớn, Hải quân Mỹ đang cân nhắc khả năng cho “nghỉ hưu” tàu sân bay hạt nhân khi mới chỉ được phục vụ nửa thời gian quy định. Trong số đó, tàu sân bay hạt nhân George Washington có thể sẽ là nạn nhân của kế hoạch cắt giảm.
Quá trình tiếp nhiên liệu và đại tu của tàu USS George Washington theo dự kiến diễn ra 3 năm một lần, bắt đầu vào năm 2016. Theo quan chức Mỹ, quá trình này có khả năng sẽ bị ngưng và cho “nghỉ hưu”.
Nếu cho tàu George Washington nghỉ hưu, Hải quân Mỹ sẽ chỉ còn 10 hạm đội tàu sân bay. Quá trình này cần có sự thông qua của quốc hội Mỹ. Bởi theo luật định, Mỹ phải duy trì 11 hạm đội tàu sân bay. “Yêu cầu cắt giảm ngân sách đã được đệ trình lên quốc hội. Quốc hội sẽ đánh giá chi tiết kế hoạch cắt giảm”, Cortney Hillson – người phát ngôn của Hải quân Mỹ nói.
Liệu tàu sân bay hạt nhân George Washington sẽ là nạn nhân của kế hoạch cắt giảm ngân sách lớn của Mỹ? |
Chính phủ Mỹ yêu cầu Bộ Quốc phòng cắt giảm trực tiếp ít nhất 464 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Và có thể những biện pháp mạnh tay hơn sẽ được ban hành khi Quốc hội Mỹ không thống nhất về kế hoạch cắt giảm ngân sách hiện tại.
Trước đó, Hải quân Mỹ đã cân nhắc kế hoạch kéo dài chương trình chế tạo tàu sân bay Geral R.Ford từ 5 lên 7 năm và treo dự án tàu sân bay John F.Kennedy vài năm. Kế hoạch có vẻ không khả thi và Hải quân Mỹ phải quay sang tập trung vào quá trình đại tu và thay thế nhiên liệu hạt nhân.
Tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz có tuổi thọ thiết kế là 50 năm và cần có một cuộc đại tu và tiếp nhiên liệu gọi là RCOH vào năm thứ 25 sau khi hoạt động. Tàu sân bay Theodore Roosevelt đang ở trong giai đoạn cuối của RCOH, trong khi tàu sân bay Abraham Lincoln sẽ bắt đầu quá trình RCOH tại cảng Newport News vào giữa năm 2012.
Hải quân Mỹ đã trả tiền cho quá trình đại tu tàu Abraham Lincoln cho cảng Newport News với số tiền là 206 triệu USD chỉ riêng cho quá trình lên kế hoạch và chuẩn bị. Do vậy, Đô đốc Gary Roughead cho biết việc ngừng đại tu tàu Abraham Lincoln sẽ vô cùng tốn kém và không phải là một lựa chọn tốt.
Khác với trường hợp trên, Hải quân Mỹ vẫn chưa kí kết hợp đồng đại tu cho tàu George Washington. Vì vậy khả năng “về hưu sớm” của tàu này là rất rõ ràng. Với kế hoạch cắt giảm ngân sách kéo dài tới 10 năm, thời gian ngưng hoạt động của tàu George Washington sẽ bắt đầu từ khoảng năm 2016 tới 2021.
Đại tu và thay thế nhiên liệu hạt nhân cho tàu sân bay là một quá trình rất tốn kém |
Nhật Bản đã đề nghị chia sẻ quyền sử dụng xưởng đóng tàu Yokosuka với Mỹ để làm “nhà dưỡng lão” cho tàu George Washington. Đây là một xưởng đóng tàu rất nổi tiếng về tay nghề bảo dưỡng tàu biển. Nếu khả năng này trở thành hiện thực, tàu George Washington sẽ ở lại khu vực mà nó đang hoạt động thay vì di chuyển hàng ngàn km để về bờ biển phía tây nước Mỹ.
Cùng với quá trình ngưng hoạt động của tàu George Washington, Mỹ sẽ tiết kệm tiền chi trả cho 2.700 thủy thủ, chi phí đào tạo thủy thủ dự bị, chi phí cho 70 máy bay chiến đấu cùng phi công và đội ngũ kỹ thuật.
Cái giá khi tàu George Washington “nghỉ hưu non”
Nếu giải thể một hạm đội tàu sân bay lớn như vậy, Hải quân Mỹ sẽ phải tăng cường tốc độ tuần tra của những hạm đội còn lại. Vì vậy, giống như tàu ngầm, các hạm đội tàu sân bay này sẽ phải kéo dài thời gian của mỗi chuyến ra biển.
Dù tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân và không cần tiếp nhiên liệu liên tục, việc kéo dài thời gian lênh đênh trên biển lên tới 7-8 tháng liên tục sẽ gây tác động xấu tới hiệu quả tuần tra.
Hải quân Mỹ mới công bố kế hoạch với các tàu sân bay nhưng từ lâu Quốc hội Mỹ đã cảnh báo khả năng cắt giảm đó. Đặc biệt, ở thời điểm nhạy cảm, cận kề với mùa bầu cử tổng thống Mỹ như hiện nay, các quyết định sẽ cần được cân nhắc một cách cẩn trọng.
Theo Hữu Nghĩa (Defence Talk/Đất Việt)