– Ngày 21/9, khi gặp mặt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh: “Mỹ không ủng hộ Palestine đơn phương đệ đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc”.
Bất chấp phần lớn thế giới đang đứng về phía chính phủ của Tổng thống Mahmoud Abbas, Mỹ và Israel vẫn kiên quyết phản đối Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, hành động này sẽ tiếp tục dồn ép không gian ngoại giao của Israel trong phạm vi thế giới. Đối mặt với thái độ chống Israel đang leo thang trong khu vực, chính phủ quốc gia này như ngồi trên đống lửa khi nhận ra tình hình chiến lược đang trở nên xấu đi trước những thay đổi tại Trung Đông.
Ảnh hưởng trong ngắn hạn
Trong tình hình Mỹ – nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an – tuyên bố phản đối, đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc của Palestine gần như không thể thông qua, kết quả tốt nhất có thể là nhận được sự ủng hộ của Đại hội đồng, để từ quan sát viên “thực thể chính trị” không có quyền bỏ phiếu lên quan sát viên “quốc gia” không có quyền bỏ phiếu. Do đó, nhiều người cho rằng ý nghĩa tượng trưng của việc Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc lớn hơn ý nghĩa thực tế. Để ngăn cản hành động của Palestine, nhiều quan chức cánh hữu trong chính phủ Israel đã kêu gọi chính phủ thôn tính khu định cư của người Do Thái tại khu vực Bờ Tây, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng yêu cầu cắt viện trợ kinh tế cho Palestine. Israel đã tăng cường quân đội tại Bờ Tây để đề phòng trường hợp bạo lực leo thang.
Quân đội Israel tại Bờ Tây |
Ngoài ra, nếu địa vị của Palestine được nâng cao thì Palestine sẽ có cơ hội tham gia vào các tổ chức quốc tế như Toà án Công lí quốc tế (ICJ), có thể kiện Israel về những đối xử bất công, vô nhân đạo.
Tuy nhiên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel nhiề lần tuyên bố: “Hiện nay chưa có đấu hiệu nào cho thấy giữa Palestine và Israel sẽ xảy ra xung đột quy mô lớn”. Kết quả điều tra dân ý được công bố vào ngày 21/9 cho thấy, hơn 2/3 người Palestine mong muốn giành độc lập thông qua con đường hòa bình.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Israel nói với phóng viên Tân Hoa Xã: “Nói về an ninh quốc gia, Israel đang ở vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Kiện tụng quốc tế và phê bình nhân đạo cũng rất khó có tác động thực tế đến Israel“.
Mất đi tính chủ động
Tuy nhiên, hành động mang “tính biểu tượng” của Palestine đã chạm vào nỗi đau của Israel. Từ đầu năm nay, chính phủ Israel đã đặt trọng tâm ngoại giao vào việc ngăn cản Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc. Quan chức cấp cao liên tiếp viếng thăm, vận động hành lang lãnh đạo các nước, thậm chí còn động viên quan chức các cấp tận dụng quan hệ riêng viết thư cho các nhà hoạch định chính sách của nước khác để tranh thủ sự ủng hộ của họ.
Bước sang trung tuần tháng 9, Israel đẩy mạnh triển khai những nỗ lực ngoại giao chưa từng có: trước khi Thủ tướng Israel Netanyahu đến New York tham gia phiên thảo luận chung của Đại hội đồng, ít nhất có 7 quan chức cấp Bộ trưởng của Israel đã đến Mỹ, gặp mặt quan chức các nước, trả lời phỏng vấn báo giới, dốc hết sức ngăn cản Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu tại Liên Hợp Quốc |
Tại sao Israel luôn chiếm ưu thế, có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán với Palestine lại gặp phải đối thủ lớn như vậy? Hôm 19/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tình báo Israel Meiliduoer cho biết: “Israel đặc biệt quan tâm đến hậu quả Palestine phải gánh chịu vì hành động đơn phương”.
Trong bàn đàm phán giữa Israel và Palestine dưới sự kiểm soát của Mỹ, Israel dựa vào luật chơi do phương Tây đưa ra để nắm thế chủ động, còn Palestine ngày càng bị dồn vào tình thế khó khăn, buộc phải nhượng bộ về lập trường. Hiện nay, Palestine chủ động hành động dựa vào đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc, thậm chí còn muốn tham gia vào quá trình xây dựng luật chơi, tất nhiên hành động này gặp phải sự phản đối kịch liệt từ chính phủ Israel.
Một số quan chức Israel còn xâu chuỗi các sự kiện Palestine đòi hỏi gia nhập Liên Hợp Quốc, Iran đe dọa Israel và khủng hoảng ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kì, Ai Cập, cho rằng: “Hành động theo chủ nghĩa đơn phương như thế này sẽ tạo không gian sống và phát triển cho chủ nghĩa cực đoan tại khu vực Trung Đông, đe dọa an ninh Israel”.
Tờ Haaretz của Israel bình luận: “Khủng hoảng liên tiếp xuất hiện đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn hạn hẹp của chính phủ Netanyahu: Trong lúc tình hình Trung Đông rối loạn, Israel chủ động nhượng bộ, xuôi theo hướng lái của đối phương, mệt mỏi với việc ứng phó”.
Mỹ – Israel bắt tay ứng phó
Palestine đã đệ trình đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc lên Hội đồng Bảo an. Nếu muốn được thông qua, nghị quyết phải được 9/15 phiếu tán thành của HĐBA và không có bất cứ nước nào trong số các Ủy viên thường trực (P5) sử dụng quyền phủ quyết.
Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Mỹ Obama |
Nếu sử dụng quyền phủ quyết, Mỹ sẽ tự thiêu hủy hình ảnh đẹp “dốc sức vì đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel”, khiến quan hệ ngoại giao với các quốc gia Ả rập xấu đi. Mỹ và Israel đều nhận thức được điều này, do đó đã điều chỉnh trọng điểm nổ lực ngoại giao từ khuyên giải Palestine từ bỏ mong muốn gia nhập Liên Hợp Quốc sang tranh thủ đủ phiếu phản đối và phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an, từ đó tránh được việc Mỹ phải sử dụng quyền phủ quyết.
Giáo sư trường Haifa University Israel Joseph phân tích: “Để báo đáp sự ủng hộ của Mỹ, Netanyahu có thể sẽ chấp nhận 2 điều kiện do Mỹ đưa ra là gia hạn lệnh hạn chế xây dựng ở khu định cư tại Bờ Tây đã hết hạn vào tháng 9 năm ngoái và khởi động vòng đàm phán hòa bình với Palestine trên cơ sở đường biên giới trước chiến tranh năm 1976. Palestine thừa nhận lập trường của quốc gia này đã có phần nhượng bộ”.
Tuy nhiên, buộc phải nhượng bộ trên những vấn đề then chốt này, có thể dẫn đến tranh chấp trong nội bộ chính phủ cánh hữu. Ngày 21/9, truyền thông Israel đưa tin, Chủ tịch Đảng Yisrael Beitenu kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Avigdor Lieberman đe dọa: “Nếu chính phủ thỏa hiệp với Palestine tức là đã rút ra khỏi liên minh cầm quyền”.
Sáng Nguyễn