Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đang là mục tiêu chỉ trích của báo chí Trung Quốc vì được người dân Trung Quốc “ngưỡng mộ”.
Từ khi nhậm chức tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vào tháng 8/2011, ông Gary Locke được nhiều người dân thường Trung Quốc ngưỡng mộ.
Là người gốc Trung Quốc, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, phong cách đời thường của vị đại sứ này ngay lập tức chiếm được tình cảm của cư dân mạng.
Hình ảnh ông mua cà phê tại tiệm ăn nhanh Starbucks ở sân bay Seattle vào ngày đến Bắc Kinh nhanh chóng lan truyền trên không gian mạng. Sau khi đặt chân tới sân bay quốc tế Bắc Kinh, gia đình ông Locke tự mang hành lý của mình ra khỏi sân bay và cũng không có đoàn tùy tùng.
Thậm chí họ còn sử dụng một xe tải nhỏ vào thành phố, chứ không phải là xe Limousine của sứ quán. Hình ảnh này được nhiều người so sánh đem ra so sánh với những thói quen chi tiêu xa hoa và thái độ hách dịch của một số quan chức Trung Quốc.
|
Những hình ảnh đời thường của vị Tân đại sứ Mỹ chiếm được cảm tình của cư dân mạng. |
Tuy nhiên, hiện tại một số nhà bình luận Trung Quốc đang cảnh báo những người hâm mộ ông Locke: hãy hạn chế sự nhiệt tình đó lại. Theo đó, những tuần gần đây, Đại sứ Locke bị gán cho là một “tên thực dân mới” được “quan tâm chú ý nhiều hơn mức mà ông ta đáng được hưởng”.
Bài xã luận không có bút danh đăng trên Tạp chí Hoàn Cầu do nhà nước quản lý, ngày 23/9 “chế giễu” các phương tiện truyền thông trong nước cũng quá “mê hoặc” về “sự phô trương cuộc sống cá nhân” của tân đại sứ Mỹ và cho đó là cách “tiểu thuyết hoá những điều mà họ còn chưa hiểu hết”.
“Coi những hành vi này là bằng chứng cho sự trong sạch trong nền chính trị Mỹ thì thật lạ thường và sai lệch. Không thể tin nổi là việc gia đình ông Locke đi dạo ở khu phố cổ Hutongs của Bắc Kinh lại được tán dương nhiều như vậy. Bởi thực tế rất nhiều quan chức cấp cao, dù ở Mỹ hay Trung Quốc, đều thích những hoạt động như vậy”, Tạp chí Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Biên tập viên Tạp chí Hoàn Cầu chuyển sang “công kích” với ngụ ý tân đại sứ Mỹ lợi dụng sự chú ý của giới truyền thông. “Ông Locke hợp tác tốt với các phương tiện truyền thông một cách có ý thức hay vô thức. Đây có thể là sở thích cá nhân hoặc sứ mệnh mới của Đại sứ Locke. Vị Đại sứ giản dị này thích thú với việc hành vi của ông được các phương tiện truyền thông Trung Quốc tán dương, mặc dù ông biết ông không giản dị đến như vậy”.
Ông Locke cần làm công việc của một vị đại sứ thay vì vào “vai diễn” là một ngôi sao chính trị.
Tạp chí Hoàn Cầu cũng kêu gọi các nhà báo Trung Quốc đưa ra những góc độ khác nếu muốn chỉ trích sự tham nhũng và quan liêu của quan chức Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự “công kích” tân đại sứ Mỹ của tạp chí Hoàn Cầu vẫn còn nhẹ so với tờ Quang Minh Nhật báo cũng do nhà nước quản lý.
Theo đó, Quang Minh Nhật báo cảnh báo dư luận đừng bị “lừa” bởi “vẻ ngoài” của Đại sứ Locke. Ý đồ thực sự của vị đại sứ này là “kích động hỗn loạn chính trị” ở Trung Quốc.
“Ông ta biết tự thể hiện mình một cách thông minh nên biết rõ cách làm thế nào để chiếm được tình cảm của người dân thường Trung Quốc”.
Là một “tên thực dân mới”, ông Lock đang “tiến hành kỹ thuật truyền thông tiên tiến để “tẩy não” người dân ở các nước đang phát triển nhằm làm cho họ “tôn sùng” tất cả những gì của nước ngoài”.