Cuộc giao thoa ẩm thực
Bằng tiếng Việt còn lơ lớ Mỹ Hằng nói rằng, cô chọn kinh doanh ẩm thực vì đam mê và cô muốn “ẩm thực được thưởng thức bằng tất cả giác quan”. Sinh ra và lớn lên tại Nhật, Hằng được mẹ cô kể rất nhiều về quê hương Việt Nam.
“Mẹ dạy tôi tiếng Việt, chỉ cho tôi biết Việt Nam hình chữ S, dạy tôi hát bài Bắc kim thang,… Tôi quấn quýt với mẹ nhất là khi vào bếp, những món ăn thuần Việt mẹ nấu luôn làm tôi tò mò và thích thú”.
Càng lớn, niềm đam mê ẩm thực của Hằng càng hiện rõ. Cô thường vác ba lô đi chu du khắp Nhật Bản để thưởng thức đặc sản của mỗi vùng miền. 2 năm trước cô đã háo hức được quay trở về Việt Nam và hàng ngày mê mẩn với đủ thứ bánh xèo, gỏi cuốn, phở… Hằng nói: “Không ngờ ẩm thực quê hương mình lại phong phú và đa dạng đến vậy”.
Chỉ có một điều làm Hằng thắc mắc là món ăn Việt Nam thì nhiều thật, nhưng ăn xong món chính, muốn ăn nhẹ tráng miệng lại không biết ăn gì ngoài chè, sinh tố, kem. Trong khi ở Nhật, đó là cả một thiên đường về bánh kẹo, kem và đồ ngọt… tráng miệng. “Lúc đó tôi cũng chỉ mong nếu ở Việt Nam mình có thêm đa dạng đồ ăn ngọt thì quá tuyệt”, Hằng bộc bạch.
Tình cờ Hằng được gặp một nhóm bạn của mẹ đang đấu thầu để lấy về Việt Nam mô hình nhượng quyền MOF Japanese Sweets & Coffee rất nổi tiếng tại Singapore. Ngồi lần giở từng trang thực đơn của mô hình này, Hằng cảm thấy rất thú vị và quyết định chia sẻ với gia đình ý muốn được ở lại Việt Nam kinh doanh ẩm thực với niềm tin, mình sẽ là nốt giao thoa của 2 nền văn hóa, góp phần đưa dự án trở thành hiện thực. Vậy là MOF Japanese Sweets & Coffee chính thức xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 7/2009, tại địa chỉ đầu tiên ở 30 Lê Lợi, Q.1.
Từ gốc đến ngọn
Là mô hình nhượng quyền kinh doanh nên Hằng rất quan tâm đến sản phẩm cũng như dịch vụ của mình. Tất cả các nguyên liệu sử dụng tại MOF đa phần phải nhập và chọn lọc từ Nhật Bản, Singapore, Pháp, Bỉ… được kiểm tra kỹ lưỡng từ đầu vào đến đầu ra.
Cái khó nhất trong giai đoạn đầu là đưa ra giá cả sao cho phù hợp với mức sống của người dân và cân đối được thu chi. Giá thành nguyên vật liệu luôn phải tính thêm thuế nhập khẩu cộng chi phí vận chuyển làm giá luôn bị đội lên cao hơn nhiều so với giá ở nước ngoài, nhưng giá bán ra lại phải thấp hơn vì sức mua của khách hàng Việt Nam còn khá hạn chế.
Dù biết khó khăn, nhưng Hằng vẫn giữ ý tưởng của riêng mình: cố gắng mang đến cho khách hàng những món ăn Nhật giống hệt như những gì Hằng đã từng thưởng thức. “Gốc có tốt thì ngọn mới khỏe”- Hằng quan niệm vậy.
Mở lối đi riêng
Tôi tin mình sẽ là nốt giao thoa của 2 nền văn hóa Việt – Nhật, góp phần đưa dự án kinh doanh phát triển |
MOF là một mô hình nhượng quyền cần được đảm bảo sự thống nhất với các chi nhánh của nước ngoài về mặt chất lượng, dịch vụ. Để làm việc đó, Hằng cho biết cô phải luôn tìm tòi, nghiên cứu thêm thị hiếu của khách hàng, thị trường Việt Nam để hoạt động của mô hình này càng thêm phong phú.
Ban đầu thực đơn của MOF chỉ chủ đạo về thức ăn ngọt, tráng miệng kiểu Nhật. Về sau, Hằng quan sát thấy khách hàng hay hỏi về món ăn mặn như mì Ramen, Udon… vậy là cô triển khai thêm những thực đơn về thức ăn mặn. Kể từ đó, khách hàng đến MOF có nhiều sự lựa chọn hơn và không phải tốn thời gian đi nhiều nơi. Mang thức ăn Nhật chinh phục khách hàng Việt Nam, MOF cũng liên tục phải lắng nghe khách hàng.
Ban đầu khách hàng thường thắc mắc sao kem của MOF màu không sặc sỡ, không trang trí thêm hạt dẻ, sốt, bánh cookies… mà chỉ là một viên kem trơn. Cô giải thích: “Khi thưởng thức một viên kem quýt Nhật trơn, sẽ cảm nhận được thoang thoảng hương vị quýt Nhật. Rồi khi ăn vào, hương vị của một trái quýt Nhật nguyên chất hòa quyện trong miệng sẽ đọng lại rất lâu”.
Hằng cũng muốn trung thành với ẩm thực sạch, có lợi cho sức khỏe khi tuyên bố các kem của MOF sử dụng thực phẩm chế biến từ nguồn gốc thiên nhiên. Hằng nói: “Tôi tin là khách hàng cũng dần nhận ra giá trị đặc biệt trong từng viên kem của MOF và ngày càng yêu thích. Điều đó đã trở thành động lực giúp tôi tìn rằng mình đang đi theo một hướng riêng đúng đắn và không sợ lạc đường nữa”.
Tiếp tục ẩm thực xanh
Dù phải sống xa gia đình, nhưng bù lại ở Việt Nam Hằng có rất nhiều bạn bè, khách hàng thân thiết. “Bạn bè người Nhật có, Việt có vì tôi hay lân la hỏi chuyện để hiểu thêm suy nghĩ và mong muốn của họ. Tôi cũng hay trở về Nhật, một phần để thăm lại gia đình, bạn bè, phần khác để nắm bắt xu hướng ẩm thực của Nhật để kịp thời mang về Việt Nam”.
Gần đây, Hằng còn cho phát triển dòng sản phẩm chocolate tươi rất được ưa chuộng tại Nhật và đang chờ những phản hồi tích cực từ khách hàng Việt Nam. Với cô chủ trẻ tuổi này, ẩm thực cần được thưởng thức bằng tất cả giác quan.
Vì thế, Hằng luôn cố gắng hướng MOF trở thành một nơi thưởng thức ẩm thực thật sự, để mỗi khi khách hàng ngồi xuống ghế cảm nhận được một không gian thoải mái, thưởng thức thật sự món ăn, cảm nhận được giá trị ẩm thực và sức khỏe, dù đó chỉ là một viên kem hoặc một phần ăn thịnh soạn.
Câu slogan: “Sống – Ăn – Yêu” của MOF cũng bắt nguồn từ mong muốn và suy nghĩ đó của cô chủ này. Bên cạnh 4 cửa hàng hiện có, MOF còn dự định phát triển thêm một số chi nhánh nữa tại TP.HCM cũng như tìm kiếm đối tác nhượng quyền tại Hà Nội.
Hiểu rằng, “lớn sóng, lớn thuyền”, Hằng nói: “Tôi cần phải nỗ lực thật nhiều hơn để giữ vững hướng đi của mình. Tôi hy vọng với những kiến thức, am hiểu của mình về cả 2 nền văn hóa đặc sắc này, tôi có thể là chiếc cầu nối bền vững để khách hàng Việt Nam tiếp xúc được với những tinh hoa của ẩm thực Nhật Bản và ngược lại”.