Sáng 24/9, Phó chủ tịch Lê Minh Trí cùng đoàn công tác của UBND thành phố, các sở, ngành đã đi kiểm tra các đoạn bờ sông xung yếu có nguy cơ sạt lở cao như: khu vực kênh Thanh Đa (Bình Thạnh), bờ sông Rạch Dơi (Nhà Bè), bờ sông rạch Xóm Củi (Bình Chánh).
Vụ sạt lở bờ sông ngày 28/8 làm 1 người thiệt mạng và 4 căn nhà bị chìm xuống sông. Ảnh: Hữu Công. |
Tại dự án cấp bách chống sạt lở khu vực kênh Thanh Đa, đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay tổng số dân bị ảnh hưởng phải giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng bờ kè là 164 hộ. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 50% hộ dân chấp nhận phương án đền bù giải tỏa và bàn giao mặt bằng, số còn lại chưa chấp nhận với phương án đơn giá bồi thường của thành phố phê duyệt.
“Do nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng 2 đoạn bờ kè trên chưa được UBND thành phố bố trí nên chủ đầu tư chưa thể triển khai đấu thầu. Nếu được thành phố ghi vốn và địa phương sớm bàn giao mặt bằng, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu thi công ngay”, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy (Sở GTVT TP HCM) cho biết. Theo ông, thời gian thi công gói thầu bờ kè hai đoạn trên khoảng 9 tháng.
Sau khi kiểm tra thực địa các khu vực có nguy cơ sạt lở, Phó chủ tịch Lê Minh Trí cho biết, sau chuyến khảo sát lần này, UBND thành phố sẽ có cuộc họp bàn với các đơn vị liên quan để có cái nhìn tổng thể qua đó có hướng giải quyết phù hợp cho từng dự án.
Dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vẫn đang dang dở vì vướng giải tỏa mặt bằng. Ảnh: Hữu Công. |
“Tuy nhiên, để đảm bảo tài sản và tính mạng cho người dân, trước mắt UBND TP sẽ ưu tiên ghi vốn để thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông mang tính cấp bách”, ông Trí cho hay.
Ông Trí cũng đề nghị UBND các quận, huyện có dự án đầu tư cần sớm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng những vấn đề vướng mắc trong chính sách bồi thường giải tỏa, các địa phương cần xem xét xử lý sao cho hài hòa giữa lợi ích người dân và Nhà nước.
Cũng theo ông Trí, các đơn vị chịu trách nhiệm lập hồ sơ thiết kế dự án cần tính toán kỹ yếu tố địa chất để công trình mang tính bền vững lâu dài. Riêng đối với khu vực bờ sông rạch Xóm Củi (Bình Chánh), nơi tháng trước vừa xảy ra một vụ sạt lở làm chết một người, Sở GTVT cần phối hợp với UBND huyện và Ban Quản lý Khu Nam Sài Gòn lập ngay dự án đầu tư xây dựng bờ kè riêng chứ không thể chờ quy hoạch tổng thể xây dựng dự án chung.
Toàn thành phố hiện có 50 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 30 km, thuộc các quận huyện: 2, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh. Trong đó huyện Nhà Bè có đến 23 khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Từ đầu năm đến nay, TP HCM đã xảy ra 8 vụ sạt lở, và hiện tượng này chưa có dấu hiệu dừng lại khi vẫn còn hàng chục “điểm nóng” ở khắp các đoạn sông rạch của thành phố. Vụ sạt lở mới đây nhất xảy ra vào lúc 22h ngày 28/8 tại khu vực ngã 3 sông gần cầu Rạch Dơi thuộc ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM làm một người chết và nhấn chìm 5 căn nhà xuống sông. Trước đó khoảng 23h ngày 1/7, tại khu vực rạch Xóm Củi (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cũng bất ngờ xảy ra sạt lở. Chỉ trong phút chốc hàng loạt căn nhà ven rạch này đã bị trôi xuống nước, trong đó có 7 căn bị sụp hoàn toàn và gần chục nhà bị hư hỏng nặng. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. |
Hữu Công