Giữa tiết trời lành lạnh mỗi độ cuối thu chớm đông, hương vị cay cay, mặn nồng của những dĩa ốc sả càng làm lòng người xa quê thêm se sắt.
Quê tôi, một huyện nhỏ của Thừa Thiên – Huế nằm giáp ranh Quảng Trị, tầm cuối tháng 9 cũng là lúc trời thường trở nên se lạnh với những đợt gió mùa đầu tiên. Giai đoạn giáp hạt, cả xóm không được mấy nhà còn đủ gạo khoai. Những lúc ấy, các thực phẩm trong vườn ngoài ao được tận dụng triệt để, và ốc bươu hấp sả là một trong những món ăn không chỉ giúp lũ trẻ chúng tôi qua được cơn đói, mà hương vị của nó còn in đậm trong tâm trí đến tận lúc trưởng thành.
Cách thức bắt ốc bươu của người dân quê khá đơn giản nhưng không kém phần thú vị. Để bắt ốc, mạ tôi ra vườn sau nhà chặt vài đoạn chuối già, thả xuống mặt ao. Đến chiều, sau trận mưa lớn cuối mùa, ốc bươu leo đầy trên thân chuối, bám chặt cứng. Mạ chỉ việc lôi những cây chuối vào bờ, nhẹ nhàng gỡ ốc bỏ vào trong rá. Những con ốc to cỡ quả trứng gà so, đen loáng, còn vương mùi bùn ngai ngái, như báo trước một bữa cơm thịnh soạn cho cả nhà.
Ốc bươu, món ăn “cây nhà lá vườn” của người dân quê |
Công đoạn chế biến ốc bươu không quá cầu kỳ, nhưng cũng yêu cầu sự khéo léo của người làm. Ốc bươu được cho vào thau nước, pha thêm chanh để tẩy hết chất nhớt. Cẩn thận hơn, mạ còn cho thêm vài lát ớt, ngâm từ 2 đến 3 tiếng cho ốc nhả sạch bùn, sau đó vớt ra, để ráo nước.
Sau đó, mạ ra sau nhà, tiện tay lựa hái chục cành sả non, dăm quả ớt; sả bỏ bớt lá, chỉ lấy thân và rửa sạch. Ở quê thường hay có thói quen vừa ăn vừa nhấm nháp cành sả non, khiến món ăn chính đượm mùi hơn rất nhiều, đồng thời là phương thuốc phòng cảm mỗi khi trời trở lạnh đột ngột.
Ốc trước khi hấp được mạ đem luộc sơ qua. Công đoạn này giúp thịt ốc dai chắc, không bị bở, đồng thời khử sạch hoàn toàn mùi tanh của ốc. Mạ canh nồi ốc sôi khoảng 5 phút cho ốc chỉ vừa chín tới; nếu để sôi quá lâu sẽ làm mất chất dinh dưỡng của ốc, thịt ốc cũng bị mất hết mùi vị, trở nên nhạt thếch.
Công đoạn làm nước chấm cũng là một trong những bước rất quan trọng, quyết định hương vị thơm ngon của nồi ốc. Mạ bắc chảo dầu lên bếp, cho sả, hành giã nhuyễn, ớt xắt lát vào, rồi phi lên thơm phức. Mạ đổ cả dầu lẫn sả vào một chén nhỏ, hòa nước mắm ngon vào, cho thêm một ít đường, bột ngọt… và khuấy đều. Xong đâu đấy, mạ nhẹ nhàng rưới từng muỗng nước chan vào miệng những con ốc tròn xoay, khéo léo để nước chan len tận sâu trong lòng ốc. Rồi mạ đổ vào nồi một tô nước nhỏ, thả thêm vài thân sả non cho nồi ốc dậy mùi, và để lửa lim rim khoảng 15 phút, giúp nước chan thấm vào thịt ốc thật đậm đà.
Ốc bươu hấp sả không chỉ là món ăn chơi, mà còn một thực phẩm giúp phục hồi sinh lực tốt. |
Người miền Trung nói chung và người Huế nói riêng thường dùng kèm rau sống trong nhiều món ăn, và món ốc hấp sả cũng không phải là ngoại lệ. Rau sống nhất thiết phải có chuối cây, chọn lấy phần lõi giữa và thái mỏng, ăn có vị chát, hơi chua ngọt, trộn với các loại rau húng, rau diếp cá rồi dùng với ốc hấp thì thật là một món ăn ngon.
Một trong cái thú của người dân quê khi ăn ốc bươu hấp sả là phải có bánh tráng (bánh đa) mè nướng. Khi ấy, nồi nước hấp ốc ngỡ như vô dụng lại trở nên béo bùi khi được chấm kèm với bánh tráng và rau sống. Giữa tiết trời se se lạnh, cả nhà quây quần bên nồi ốc bốc khói nghi ngút, loay hoay khều từng miếng thịt ốc thơm lựng, cắn một miếng bánh tráng giòn tan, cảm tưởng như ngoài kia, mùa đông đang dần về đầy trên các ngõ xóm.
Hoàng Huy