Đã hơn một tuần, kể từ khi hung thủ Lê Văn Luyện bị cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Na Hình (Văn Lãng, Lạng Sơn) bắt giữ, cuộc sống người dân đã trở nên bình yên. Để có kết quả tốt đẹp đó, lực lượng biên phòng đã tổ chức các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, táo bạo, bất ngờ.
Lưới trời lồng lộng
Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, Đồn trưởng biên phòng Na Hình cho biết, sau khi nhận được thông tin Luyện có thể lên biên giới Lạng Sơn, Ban chỉ huy đồn hội ý khẩn cấp, ngay chiều 29-8, lực lượng cơ động gồm 6 trinh sát viên do Phó đồn trưởng nghiệp vụ trực tiếp chỉ huy, phối hợp với lực lượng truy nã của C45 Bộ Công an, công an huyện Văn Lãng triển khai chốt chặn các ngả đường, rà soát toàn bộ địa điểm nghi đối tượng có thể lẩn trốn.
Trước đó, các lực lượng công an, biên phòng đã đến gia đình chị Lê Thị Định (SN 1982), chồng là Lê Văn Nghi (SN 1980), trú tại thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, Văn Lãng, là cô chú ruột của hung thủ Luyện. Tuy nhiên, tên Luyện đã không có mặt tại đây.
Sáng 28-8, nhận được tin báo của quần chúng, có một thanh niên lạ mặt, có đặc điểm giống người trong ảnh truy nã xuất hiện tại khu chợ đường biên Na Hình, người này lởn vởn ở quán bi-a, đi tìm cơm ăn. Lập tức, 20 sĩ quan, chiến sĩ đồn Na Hình tổ chức chia làm bốn tổ chốt chặn tất cả các ngả đường, rà soát toàn bộ khu vực thôn Na Hình, đặc biệt là khu vực chợ và nhà ở của Lê Thị Định. Ban chỉ huy đồn biên phòng thông báo khẩn cấp cho công an huyện Văn Lãng cử lực lượng đến phối hợp, đồng thời chốt chặn nút giao thông từ địa bàn biên phòng ra thị trấn Na Sầm, nơi có quốc lộ 4B.
Bắt gọn đối tượng Lê Văn Luyện (ảnh: L.T.H) |
Trước sự truy bắt gắt gao, hung thủ Lê Văn Luyện sợ hãi, nhờ Lê Văn Nghi và Hoàng Văn Trai (SN 1980, là hàng xóm của Nghi), dẫn qua biên giới, với lý do đi tìm việc làm ở Trung Quốc. Tối 30-8, lực lượng công an đã triệu tập vợ chồng Lê Văn Nghi và Lê Thị Định ra công an huyện Văn Lãng.
Tại đây, Nghi đã nhận lỗi lầm, xin “đoái công chuộc tội”, lĩnh trách nhiệm đi dụ tên Luyện trong vòng 3 ngày. Nghi cũng đã cam đoan, sẽ dụ cháu ruột về một cách an toàn. Thấy hoàn cảnh khó khăn của ông Nghi, công an huyện Văn Lãng đã cho 400 ngàn đồng để làm “lộ phí” đi đường.
Sáng sớm 31-8, ông Nghi đến trạm kiểm soát biên phòng Na Hình xin đi chợ Bằng Tường (Trung Quốc) mua phân về bón ruộng. Khi đó, Nghi có thông tin “mật” sẽ đón Luyện về nước, ngay lập tức đồn biên phòng Na Hình triệu tập cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, vạch kế hoạch đấu tranh. Thượng tá Nhạ, chỉ lên bản đồ tác chiến, nhận định: Dân vùng biên của ta sang Trung Quốc làm thuê, đi chợ, chủ yếu theo đường mòn, đường tắt khu vực mốc 1042, 1050, 1057, khả năng tên Luyện sẽ theo đường này.
Trực tiếp đồn trưởng chỉ huy mũi tấn công trọng yếu. Trường hợp, anh Nghi không thuyết phục được Luyện, về một mình, nắm bắt được nơi Luyện trú ẩn, trực tiếp đồn trưởng sẽ cùng phiên dịch sang đồn công an Ái Kéo (Trung Quốc), thông báo, đề nghị họ phối hợp truy bắt.
Chỉ trong vòng nửa tiếng hội ý, các mũi chiến đấu lên đường. Hai tổ phục kích được trang bị vũ khí chốt chặn tại đường mòn 1042, 1050, với sự chỉ huy của Thiếu tá Ngọc Thanh Xuân, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, có nhiệm vụ đón lõng, phục bắt đối tượng. Tổ cảnh giới bố trí ở đồi cao thuộc địa bàn Khe Tẩu Đông, có nhiệm vụ quan sát, phát hiện từ xa, thấy đối tượng xuất hiện, báo cho chỉ huy đồn triển khai lực lượng cơ động ra bắt. Trực tiếp Đồn trưởng chỉ huy tổ số 2, nhiệm vụ đón lõng trên đường mòn, mốc 1057.
Để tạo yếu tố bí mật, bất ngờ, đồn biên phòng đã trưng dụng chiếc xe ô tô Inova, biển số 12H-8439, của ông Lưu Minh Hồng (SN 1976), là doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Na Hình. Người cầm lái là Đại úy Nguyễn Đức Cường, có nhiệm vụ phối hợp với các trinh sát bắt, đưa ngay đối tượng về đồn biên phòng.
Đúng như dự đoán, vào lúc 16 giờ 30 phút, đài quan sát cảnh giới báo về, ba đối tượng lạ mặt đang đi theo đường mòn, mốc 1057. Lệnh truy bắt phát ra, hai trinh sát bí mật tiếp cận, hỗ trợ Đại úy Nguyễn Đức Cường bắt gọn Luyện.
Cuộc truy hỏi “nóng” trong đêm
Ngay sau khi dẫn giải hung thủ về đồn, Thượng tá Nhạ lựa lời tuyên truyền, cảm hóa. Lúc đó, Luyện thất thần nói: “Tội của cháu có bị chết không?”. Với kinh nghiệm đấu tranh, bắt giữ nhiều loại tội phạm nguy hiểm trên tuyến biên giới, Thượng tá Nhạ ôn tồn động viên, trấn an đối tượng, ngăn ngừa hành vi manh động, hoặc khai báo thiếu thành khẩn.
Qua đó, Luyện đã khai nhận toàn bộ diễn biến vụ giết người, cướp của dã man do y gây ra tại tiệm vàng Ngọc Bích, Bắc Giang. Sau khi sơ cứu vết thương, được người nhà đưa xe máy đến quốc lộ 1A tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Luyện đi lên Lạng Sơn, đến nhà anh Nghi, sau đó nhờ Trai đưa qua đường mòn Pò Khuyên, cạnh mốc 1057 (nơi Luyện bị bắt khi trở về- PV).
Lê Văn Luyện còn khai, giấu số vàng gồm 6 dây chuyền vàng, 8 nhẫn, 2 lắc vàng trong chuồng phân nhà ông Nghi. Lực lượng chức năng đã tìm thấy số tang vật này, ngay trong đêm 31-8.
Tâm sự với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ nói: Khi trực tiếp giáp mặt, không ngờ một thanh niên với dáng vẻ thư sinh lại gây tội ác như vậỵ. Thật là xót xa. Hoàn tất các thủ tục, tôi sai anh em hậu cần lấy cơm cho Luyện ăn. Tôi bảo: “Khẩu phần ăn can phạm chỉ có 9 nghìn/ngày, nhưng lấy cho nó bằng tiêu chuẩn sĩ quan trong đơn vị”. Luyện có vẻ đói, mệt, ăn được một nửa tô cơm.
Là người quyết đoán, từng trải, song khi nói về hung thủ bằng tuổi con út của mình, bất giác tôi thấy Thượng tá Nhạ rưng rưng.