Địa điểm sân bay mới tại quận Đại Hưng, ngoại ô thủ đô Bắc Kinh.
Khi Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh đi vào hoạt động năm 2015, thủ đô của Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm hành không bận rộn nhất thế giới, vận chuyển khoảng 370.000 hành khách mỗi ngày.
Dự án trên được khởi công chỉ 3 năm sau khi Nhà ga số 3, ga hàng không lớn nhất thế giới, khai trương tại Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh. Nhà số 3 – một công trình khổng lồ do kiến trúc sư danh tiếng Norman Foster thiết kế – lớn hơn nhiều so với 5 nhà ga của sân bay Heathrow (Anh) cộng lại.
Nhưng sự bùng nổ khổng lồ trong ngành hàng không của Trung Quốc đã khiến sân bay hiện thời của Bắc Kinh phải gồng mình tới mức không thể cố thêm được nữa.
“Không thể bổ sung thậm chí chỉ một chuyến bay vào lịch trình dày đặc hàng ngày của Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh”, Li Jiaxing, người đứng đầu Cục hàng không dân sự Trung Quốc cho hay.
“Sân bay hiện thời tại Bắc Kinh có công suất vận chuyển 75 triệu hành khách mỗi năm. Năm ngoái, sân bay này đã vận chuyển 73 triệu hành khách. Trong vòng 2 năm nữa, sân bay này sẽ trở nên đông nghẹt. Nó không thể mở rộng mãi”, Cao Yunchun, một giáo tại Đại học hàng không dân sự Trung Quốc, nói.
Vì thế, các nhà hoạch định của Bắc Kinh đã tìm thấy một địa điểm rộng 5.400 héc-ta ở phía nam thành phố, tại khu vực ngoại ô Đại Hưng, để xây sân bay mới. Hiện khu vực này cách trung tâm thành phố 1 giờ lái xe, nhưng các nhà hoạch định đang lên kế hoạch kết nối địa điểm này với với trung tâm thủ đô bằng hệ thống tàu điện ngầm và thậm chí có thể là một hệ thống tàu cao tốc.
Sân bay mới sẽ không chỉ phục vụ Bắc Kinh, mà còn cả thành phố Thiên Tân và các vùng của tỉnh Hà Bắc. Đây sẽ là sân bay thứ 3 của Bắc Kinh, sau Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh và một sân bay nhỏ hơn chủ yếu do quân đội sử dụng.
Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh hiện là sân bay lớn nhất Trung Quốc.
Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh dự kiến sẽ có 8 đường băng phục vụ dân sự và đường băng thứ 9 phục vụ quân sự, theo ông Yao Weihui, tổng giám đốc hãng hàng không China United Airlines.
Địa điểm xây dựng sân bay Đại Hưng Bắc Kinh có ít nhà dân và nhà cao tầng, vì thế thuận lợi cho việc xây dựng nhiều đường băng.
Tuy nhiên, không giống London – hiện là trung tâm hàng không bận rộn nhất thế giới, phần lớn hành khách qua Bắc Kinh là khách nội địa. Hiện hành khách Trung Quốc đã vượt xa hành khách quốc tế với tỷ lệ 4/1 tại Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh.
Năm ngoái, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đã thông báo khoản lợi nhuận trên 6,7 tỷ USD, gấp 3 lần so với con số năm 2009.
Trong 20 năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ mua 4.300 máy bay mới.
“Chúng tôi dự đoán Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò lớn trong lĩnh vực vận chuyển hàng không của khu vực Đông Nam Á”, giáo sư Cao Yunchun nhận định.
An Bình
Theo Telegraph