Tinh Hoa

Công nghệ thay thế: Túi nilon sinh học tự hủy

– Ngày 2/10 tới đây, Sở TN&MT Hà Nội sẽ chính thức tổ chức “Lễ hội đường phố, ngày chủ nhật không túi nilon”.

Đã có hàng trăm giải pháp đưa ra nhưng túi nilon vẫn trở thành thói quen khó bỏ của người tiêu dùng. Giải pháp thay thế túi nilon đã có nhưng lại đang gặp những khó khăn cả về kỹ thuật và thị trường.

Tiềm ẩn nhiều chất độc

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hoan, Trung tâm Phân tích và Xử lý Môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp, những loại nhựa được sản xuất từ nguyên liệu tái chế chỉ có thể sử dụng làm thùng đựng rác, biển báo, biển chỉ dẫn, ống thoát nước thải… Còn để làm đồ nhựa đựng thực phẩm phải có chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về nguyên lý khoa học, những hóa chất vẫn còn tồn lưu trong nhựa sẽ hòa tan khi đựng thức ăn, nhất là thức ăn dạng dung dịch (mắm, tương, giấm…) và thức ăn nóng.

Giải pháp thay thế cho túi nilon hiện nay được biết đến là túi nilon sinh học tự hủy.

Trong thực tế, phần lớn túi nilon ở Việt Nam được sản xuất từ nhựa, nilon tái chế nhưng lại không hề khuyến cáo cho người tiêu dùng cách sử dụng và tác hại. Do vậy, nhiều người vẫn vô tư dùng túi nilon đựng thực phẩm bất kể nóng, lạnh… mà không biết biết rằng ở nhiệt độ 70 – 800C, phụ gia chứa trong đó sẽ hòa tan vào thực phẩm.

PGS.TS Trần Văn Sung, nguyên viện trưởng Viện Hóa học cho biết, trước đây, viện này đã cho kiểm nghiệm hai mẫu thìa nhựa (loại nhựa cao cấp hơn để làm túi nilon). Kết quả cho thấy, hàm lượng chì (26mg/kg), cadimi (1mg/kg) và các chất độc khác cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Khi quan sát bằng kính hiển vi, các chuyên gia còn phát hiện có carbonat được trộn lẫn với hàm lượng trên 20%, trong khi đó mẫu của nước ngoài là 0%. Carbonat có nhiều trong sản phẩm sẽ làm tăng thêm hàm lượng kim loại nặng. Trong các loại thìa trên còn có nhiều ô rỗng là nơi trú ngụ của vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, nếu túi nilon và đồ đựng thức ăn nhựa làm từ rác thải y tế thì nguy cơ độc hại và nhiễm bệnh sẽ cao gấp nhiều lần.

Giải pháp thay thế

TS Phạm Bình Quyền, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện không thiếu những công nghệ sản xuất túi tự phân hủy thân thiện với môi trường. Giải pháp khả dĩ nhất mà một số doanh nghiệp tìm đến là sản xuất túi nilon sinh học tự hủy. Nhưng giải pháp này lại đang gặp những khó khăn cả về kỹ thuật, thị trường lẫn chính sách.
 
Công nghệ để sản xuất ra loại túi này không khó. Chỉ có điều giới khoa học vẫn chưa có động thái nghiên cứu các hoạt chất phụ gia sinh học, trong khi các cơ quan quản lý chưa xây dựng được bất kỳ quy chuẩn kỹ thuật nào. Vì thế, các thông số chỉ do các nhà sản xuất tự công bố. Trước mắt có thể sử dụng túi giấy, túi vải thay thế túi nilon. Bên cạnh đó cũng có thể quay trở lại các loại bao giấy truyền thống, các loại lá…

Từ năm 2008, Công ty Cổ phần Bao bì Vafaco đã có chương trình nghiên cứu sản xuất bao bì tự hủy. Đến nay, một nhà máy công suất 130 tấn/tháng đã ra đời, sản xuất túi tự hủy từ nhựa HDPE với chất phụ gia nhập từ Anh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Đông, giám đốc Vafaco, các loại túi này cũng chỉ mới được sử dụng trong phạm vi các siêu thị Coop Mart ở TPHCM trong tháng 4 và tháng 5, và nếu thành công sẽ nhân rộng ra cả nước. Doanh nghiệp này cũng đang hợp tác với một số nhà khoa học ở Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM để cho ra đời một loại chất phụ gia tự hủy trong nước. Nhưng do chưa có phòng thí nghiệm nào thử nghiệm loại chất này, nên Vafaco phải đưa sang Mỹ thử nghiệm, khá tốn kém.

TS Huỳnh Quyền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hoá dầu, trường Đại học Bách khoa TPHCM vừa thành công trong việc thu hồi dầu diesel, xăng từ các sản phẩm nhựa plastic phế thải như vỏ chai, giấy nilon, kim tiêm… bằng phương pháp thuỷ nhiệt. Phế liệu sau khi thu về sẽ được làm nhỏ ra, đốt ở nhiệt độ 3500C trong điều kiện thiếu oxy và có bổ sung hơi nước để thu được dầu dạng thô. Từ dầu thô này sẽ được tiếp tục xử lý để cho ra xăng dùng cho động cơ và dầu diesel chạy máy. Trung bình cứ 3.000kg nguyên liệu nhựa sẽ thu được 1.000kg dầu thô.



Hà Bình