Theo báo cáo hàng tháng tính đến hết tháng 8/2011 của Hiệp hội Vàng thế giới (WGC), hãng tin CNBC của Mỹ đã đưa ra danh sách 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức, ngân hàng trung ương, định chế tài chính sở hữu nhiều vàng nhất thế giới, chiếm khoảng 16,5% lượng vàng của toàn thế giới, tương đương 30.700 tấn.
Thứ hạng trong danh sách này không thay đổi so với đầu năm 2011 nhưng giá trị của mỗi kho vàng dự trữ đều tăng gấp rưỡi hoặc hơn thế do đà tăng thần tốc của giá vàng trong tháng Tám.
Dưới đây là top 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức, ngân hàng trung ương, định chế tài chính hiện đang sở hữu nhiều vàng nhất thế giới:
1. Mỹ: Tổng lượng dự trữ: 8.965,6 tấn. Giá trị: 522,16 tỷ USD
Kho chứa vàng của Mỹ tại Kentucky, hay còn được biết đến với cái tên Fort Knox, là kho dự trữ vàng nổi tiếng nhất thế giới. Đa số vàng dự trữ của Mỹ được cất giữ tại đây. Số còn lại nằm trong kho Philadelphia, Denver, West Point và San Francisco Assay Office.
2. Đức: Tổng lượng dự trữ: 3.747,9 tấn. Giá trị: 218,28 tỷ USD
Ngân hàng Trung ương Đức-Deutsche Bundesbank đang cất giữ 3.747,9 tấn vàng. Theo Hiệp hội Vàng thế giới, lượng vàng dự trữ ở Đức chiếm 71,4% tổng dự trữ ngoại hối của nước này.
3. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Tổng lượng dự trữ: 3.101 tấn. Giá trị: 180,6 tỷ USD
IMF hiện chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh tế quốc tế của 185 nền kinh tế thành viên. Chính sách về vàng của quỹ này luôn thay đổi trong 25 năm qua, nhưng lượng vàng dự trữ của IMF vẫn đóng vai trò làm ổn định thị trường thế giới và hỗ trợ các nền kinh tế trên thế giới.
4. Italy: Tổng lượng dự trữ: 2.701,9 tấn. Giá trị: 157,36 tỷ USD
Ngân hàng Banca D’Italia là nơi quản lý kho dự trữ ngoại hối của Italia. Theo Hiệp hội Vàng Thế giới, ngân hàng này hiện nắm giữ 2.701,9 tấn vàng, , chiếm 71,2% dự trữ ngoại hối của quốc gia này.
5. Pháp: Tổng lượng dự trữ: 2.683,8 tấn. Giá trị: 156,31 tỷ USD
Ngân hàng Trung ương Pháp, Banque De France, hiện nắm quyền quản lý lượng vàng dự trữ 2.683,8 tấn, chiếm 66,2% dự trữ ngoại hối của nước này.
6. Quỹ tín thác vàng SPDR Gold Trust: Tổng lượng dự trữ: 1.213,9 tấn. Giá trị: 70,7 tỷ USD
Không giống “kho” dự trữ vàng khác, lượng vàng của SPDR Gold Trust luôn biến động theo diễn biến thị trường.
Ngày 22-8-2011, SPDR Gold Trust đã chính thức vượt qua quỹ SPDR S&P 500 ETF để trở thành quỹ tín thác lớn nhất thế giới nhờ giá vàng kỷ lục và lượng nắm giữ cũng tăng cao.
7. Trung Quốc: Tổng lượng dự trữ: 1.161,6 tấn. Giá trị: 67,65 tỷ USD
Với 1.161,6 tấn vàng, quốc gia đông dân nhất thế giới có lượng vàng dự trữ lớn thứ 7 thế giới. Tuy nhiên lượng vàng với giá trị 67,65 tỷ USD này chỉ chiếm 1,6% tổng lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
8. Thụy Sĩ: Tổng lượng dự trữ: 1.146,2 tấn. Giá trị: 66,75 tỷ USD
Dự trữ vàng 1.146,2 tấn của Thụy Sĩ hiện thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ. Lượng vàng có tổng giá trị khoảng 66,75 tỷ USD theo giá trị trường và chiếm 17,8% tổng dự trữ ngoại hối của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với năm 2010.
9. Nga: Tổng lượng dự trữ: 926,9 tấn. Giá trị: 54 tỷ USD
Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga hiện nắm quyền quản lý toàn bộ 926,9 tấn vàng với tổng giá trị 54 tỷ USD. Con số này này chiếm 7,7% lượng dự trữ ngoại hối của Nga.
Năm 2009, sản xuất vàng của Nga đã tăng 21%, một phần nhờ các dự án khai thác mới. Năm 2010, Nga đã vượt qua Nhật Bản về tổng lượng dự trữ vàng và đã có thêm hơn 140 tấn vàng vào kho dự trữ quốc gia.
Năm 2011, quốc gia này vẫn tiếp tục mua vàng. Theo báo cáo của IMF, trong tháng 7-2011, Nga đã mua thêm 4,9 tấn vàng.
10. Nhật Bản: Tổng lượng dự trữ: 843,3 tấn. Giá trị: 49,11 USD
Lượng vàng dự trữ 843,3 tấn của Nhật Bản chỉ chiếm 3,3% tổng lượng dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Tính theo giá thị trường mở, lượng vàng dự trữ của Nhật Bản có giá trị khoảng 49,11 tỷ USD và thuộc quyền kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
11. Hà Lan: Tổng lượng dự trữ: 674,9 tấn. Giá trị: 39,3 tỷ USD
Ngân hàng Trung ương Hà Lan hiện quản lý lĩnh vực tài chính quốc gia, trong đó có dự trữ vàng với giá trị là 39,3 tỷ USD và chiếm 58,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
12. Ấn Độ: Tổng lượng dự trữ: 614,6 tấn. Giá trị: 35,79 tỷ USD
Ấn Độ liên tục xuất hiện trong bảng xếp hạng này những năm gần đây. Tháng 11-2009, quy mô lượng dự trữ vàng của Ấn Độ tăng lên nhờ thương vụ mua 200 tấn vàng, trị giá 6,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Hiện nay khối dự trữ 614,6 tấn vàng có giá trị 35,79 tỷ USD của Ấn Độ thuộc kiểm soát của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, và chiếm 8,7% dự trữ ngoại hối của nước này.
Xếp hạng của Ấn Độ có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên, bởi chính phủ đang yêu cầu Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ tiến hành khai thác những mỏ vàng nguyên sơ tại nhiều bang trên toàn quốc.
13. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB):Tổng lượng dự trữ: 553,3 tấn. Giá trị: 32,23 tỷ USD
Được thành lập năm 1998 bởi Liên minh châu Âu (EU), ECB chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ tại các quốc gia thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và có trụ sợ tại Frankfurt (Đức).
Lượng vàng dự trữ chiếm 31,3% tổng dự trữ ngoại hối của ECB.
14. Đài Loan (Trung Quốc): Tổng lượng dự trữ: 466,8 tấn. Giá trị: 27,2 tỷ USD
Bên cạnh việc nổi tiếng với ngành công nghiệp công nghệ cao và tăng trưởng kinh tế nổi bật, Đài Loan cũng là một trong những nơi sở hữu nhiều vàng nhất trên thế giới. Dự trữ vàng chiếm 5% tổng dự trữ ngoại hối của Đài Loan.
15. Bồ Đào Nha: Tổng lượng dự trữ: 421,5 tấn. Giá trị: 24,6 tỷ USD
Tổng số 421,5 tấn vàng của Bồ Đào Nha thuộc giám sát của Ngân hàng Trung ương Banco de Portugal, chiếm 84,8% dự trữ ngoại hối của quốc gia này.
TTXVN