Khi người dân ở New York và trên khắp nước Mỹ đang tưởng niệm gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9-2001, cũng là lúc dấy lên những tranh cãi về việc nước Mỹ sẽ đi về đâu khi nền kinh tế đang gần như kiệt quệ và xã hội Mỹ đã có những thay đổi sâu sắc về nền tảng xã hội. 10 năm chỉ là một cái chớp mắt trong lịch sử, nhưng cũng đủ để đánh giá những tác động từ thảm họa 11-9 mà không một người Mỹ nào có thể quên được.
-
Kinh tế kiệt quệ
“Sự kiện 11-9 đã làm nước Mỹ sụp nhiều hơn hai tòa tháp” là tựa đề bài viết vừa được đăng trên tạp chí Forbes số ra ngày 8-9. Theo bài báo này, sự kiện 11-9 đã góp phần nhấn chìm nước Mỹ (và một phần ở châu Âu) xét cả về góc độ kinh tế và xã hội.
Về góc độ kinh tế, hàng trăm tỷ USD chi phí quân sự chống khủng bố của Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục giải ngân, góp phần lớn trong cuộc khủng hoảng nợ nước này. Chi phí cho an ninh của chính phủ và các công ty, doanh nghiệp leo thang từng năm. Một cơ quan an ninh nội địa được hình thành với chi phí và quy mô không nhỏ, nhưng hiệu quả vẫn không rõ ràng trong những năm qua. Chỉ riêng chi phí an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ đã tiêu thêm 401 tỷ USD.
Theo GS kinh tế Brock Blomberg, Trường ĐH Claremont McKenna, chi phí an ninh để ngăn chặn nước Mỹ khỏi nguy cơ khủng bố chiếm khoảng 60 tỷ USD của nền kinh tế. Tức trong 1 USD chi tiêu, có đến 15 cent là chi phí an ninh. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao một phần do các doanh nghiệp tập trung tăng cường an ninh, chỉ đầu tư cho những thiết bị công nghệ mới mà không thuê mướn nhiều nhân công để bảo vệ cơ ngơi.
Một thập kỷ sau, những thiệt hại về tài chính vẫn còn len lỏi trong nền kinh tế nước Mỹ khi chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn tiếp tục phải trả phí cho cái gọi là các chính sách chống khủng bố. Những tốn kém hữu hình nhất có thể dễ dàng thấy được là chi phí cho an ninh tại các sân bay, tòa nhà văn phòng và cơ quan chính phủ, chi phí bảo hiểm… Chiến dịch tăng chi tiêu quân sự khiến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và đe dọa làm xói mòn chuẩn sống do tiền thuế của người dân Mỹ ngày càng cao hơn.
GS kinh tế Anita Dancs, Trường ĐH Western New England, nhận định: “Tôi không tưởng tượng được là vụ khủng bố 11-9 đã làm thay đổi nền kinh tế Mỹ nhiều đến thế”.
Từ ước tính thiệt hại ban đầu là 35 tỷ USD, đến nay, theo các chuyên gia kinh tế nền kinh tế nước này thật sự đã mất đi hàng ngàn tỷ USD. Con số chi phí chính xác cho các cuộc chiến tranh vẫn chưa thể thống kê hết được. Một báo cáo mới công bố hồi tháng 6 vừa qua của hơn 20 học giả người Mỹ ước tính rằng chi phí quân sự cho 3 cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, Iraq và Pakistan mà Mỹ dốc vào, tiêu tốn khoảng 2.300 – 2.800 tỷ USD trong thập kỷ qua.
-
Con nợ lớn nhất thế giới
Trong một quyển sách viết chung với nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, giáo sư Linda Bilmes của ĐH Harvard (Mỹ) nhận định: “Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh giành độc lập, nước Mỹ phải vay tiền để tiến hành chiến tranh. Theo các đánh giá mới nhất, cho tới khi kết thúc, nước Mỹ sẽ có thể tiêu tốn không dưới 4.400 tỷ USD cho các cuộc chiến tại 3 mặt trận trên. Nước Mỹ chưa khánh tận nhưng trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Nợ công của Mỹ từ 6.400 tỷ USD vào năm 2003 nay đã lên đến 14.000 tỷ USD. Trong đó có phần “đóng góp” lớn của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ tiến hành ở Iraq, Afghanistan và Pakistan, tiếp theo sau sự kiện 11-9.
|
Nơi tọa lạc của tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại Thế giới trước đây, đang được xây dựng những công trình mới với tâm điểm là tòa tháp Tự do 106 tầng. Ảnh: KHẮC VĂN |
Cũng có nhiều nhà kinh tế đã tuyên bố không thể thống kê nổi những thiệt hại mà doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu sau sự kiện 11-9, bởi vì có quá nhiều thứ đã xảy ra sau đó. Một số biến cố khác như khủng hoảng thế chấp nhà dẫn đến vụ nổ bong bóng bất động sản và cuộc khủng hoảng tài chính là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế hiện nay.
Giáo sư Bilmes tin rằng: “Đã có quá nhiều quyết định nghèo nàn được đưa ra sau vụ 11-9. Hậu quả của việc chi tiêu quá nhiều cho chiến tranh đã để lại một di sản kinh tế ốm yếu và một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn bao giờ hết”.
Nếu như trong một bài phát biểu cách đây vài ngày tại một hội nghị chuyên đề ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda hầu như đã bị “bóp nghẹt” thì nước Mỹ cũng đang rơi vào tình trạng nghẹt thở về kinh tế.
-
Một xã hội tự ti, thiếu công bằng
Xét về khía cạnh xã hội, nước Mỹ đang xuất hiện một hiện tượng tâm lý gọi là “Social Proof” (Ảnh hưởng xã hội thông tin), có nghĩa là người Mỹ ngày nay chỉ dùng hành động phản ứng của người khác để điều chỉnh hành vi của mình. Nhà tâm lý học Robert Cialdini cũng đã phân tích hiện tượng tâm lý này trong quyển sách Influence: The Psychology of Persuasion. Quyển sách nhận định, bước vào đầu thế kỷ này, người Mỹ đã từng rất tự tin và nước Mỹ hành động như thể không có gì là họ không làm được.
Ngay cả sự hưng phấn của người Mỹ sau cái chết của Osama bin Laden cũng không như mong đợi. Sau Thế chiến thứ hai, Hitler bị tiêu diệt, tinh thần người Mỹ lên cao ngất ngưởng. Bin Laden chết đi, nhiều người Mỹ chỉ thấy bớt đi một nỗi lo chứ không cảm thấy hả hê. tờ National Journal kết luận: “Một thập kỷ đã trôi qua và nước Mỹ đã thay đổi hầu như không nhận ra được nữa”.
Đa số người dân Mỹ thừa nhận người Mỹ gốc Hồi giáo, gốc Arab và những người nhập cư từ Trung Đông vẫn bị đối xử một cách không công bằng trong xã hội Mỹ 10 năm sau vụ khủng bố 11-9.
Kết quả thăm dò của truyền hình CBS và tờ New York Times, công bố ngày 8-9, cho biết trong tổng số 1.165 người trên khắp nước Mỹ được phỏng vấn từ ngày 19 đến 23-8 vừa qua, có 78% nghĩ rằng nhóm sắc tộc nêu trên vẫn đang bị đối xử bất công, trong đó 29% khẳng định chắc chắn, 49% thừa nhận bị phân biệt đối xử ở dạng này hoặc dạng khác và chỉ có 18% tin rằng không có chuyện như vậy. Thực trạng này thay đổi chút ít so với kết quả thăm dò vài ngày sau vụ 11-9-2001, trong đó có tới 90% cho rằng trong xã hội Mỹ có hiện tượng phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Hồi giáo, gốc Arab và người nhập cư từ Trung Đông.
Thái độ của người Mỹ đối với người Hồi giáo cũng thay đổi. Gần 1 tháng sau vụ 11-9-2001, kết quả thăm dò của truyền hình ABC và tờ Washington Times cho thấy 47% người Mỹ có thiện cảm với người Hồi giáo, thế nhưng đến năm 2010 con số người thiện cảm này chỉ còn 37%.
10 năm qua đã chứng kiến một nước Mỹ thay đổi tới mức khó nhận ra. Trong một thông điệp phát trên kênh USA Today ngày 8-9, Tổng thống Obama đã phải kêu gọi người dân Mỹ lấy lại tinh thần đoàn kết mà họ từng có sau khi xảy ra các vụ tấn công cách đây đúng một thập kỷ.
Kết quả một cuộc điều tra vừa được công bố trên tờ World Public Opinon số ra ngày 9-9 cho biết cứ 10 người Mỹ có 6 người cho rằng nền kinh tế Mỹ bị yếu đi là do chi tiêu quá nhiều cho cuộc chiến chống khủng bố sau vụ 11-9. Có đến 2/3 người Mỹ tin rằng quyền lực của nước Mỹ suy giảm, là kết quả từ phản ứng thái quá của nước Mỹ đối với vụ 11-9. |
Theo Sài Gòn tiếp thị