Tinh Hoa

Nước Mỹ và thế giới – những thay đổi chưa từng có kể từ vụ 11/9


Một chiếc máy bay bị không tặc đang lao về phía tòa phía nam của Tháp Đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.

Trước ngày 11/9/2001, vị thế của Mỹ trên thế giới dường như không thể bị đe dọa. Nước Mỹ hùng mạnh bước vào thiên niên kỷ mới. Người Mỹ thực sự tự tin và nước Mỹ hành động như thể không có gì là họ không làm được.

Nhưng vụ khủng bố 11/9 xảy ra, và nước Mỹ đã thay đổi hầu như không nhận ra được nữa.

Vụ khủng bố ngày 11/9 là một trong những sự kiện quan trọng đáng chú ý nhất trong thế kỷ 21, và là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và quân sự của lịch sử Mỹ cũng như những nơi khác trên thế giới.

Người dân Mỹ lần đầu tiên hiểu ra rằng nước Mỹ hoàn toàn không “miễn nhiễm” trước các vụ khủng bố hay chiến tranh, dù lãnh thổ Mỹ dường như hoàn toàn “đứng ngoài” 2 cuộc chiến tranh thế giới.

Vụ việc đã khiến rất nhiều người Mỹ có ý nghĩ tiêu cực về người Hồi giáo và cho rằng họ có liên quan tới khủng bố. Ý nghĩ này đã mai một dần trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn trong rất nhiều người cho đến tận bây giờ.

Ngay sau vụ này, bên trong nước Mỹ, Tổng thống Bush tiến hành một đợt tái cấu trúc cơ cấu chính phủ lớn nhất trong lịch sử đương đại của đất nước này với quyết định thành lập Bộ An ninh nội địa.

Quốc hội Mỹ đã thông qua luật Yêu nước Mỹ (USA Patriot), thống nhất và củng cố nước Mỹ bằng cách cung cấp những phương tiện thích ứng cần có để ngăn chặn khủng bố, giải thích rằng đạo luật này sẽ giúp dò tìm và truy tố những phần tử khủng bố và tội phạm khác trong tương lại.

Những hình ảnh này vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người như vừa xảy ra ngày hôm qua.

Cùng lúc, Mỹ thông báo tìm thấy bằng chứng trùm khủng bố Osama bin Laden và mạng lưới al-Qaeda của y đứng sau loạt vụ tấn công ngày 11/9, xác định khủng bố là mối đe dọa hàng đầu tới an ninh quốc gia Mỹ, và tuyên bố phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu – một cuộc chiến chưa từng có, nhằm vào kẻ thù vô hình, ở mục tiêu không thể xác định cụ thể.

Chiến dịch này mở màn bằng cuộc chiến của Mỹ và đồng minh nhằm vào Afghanistan, sau khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden mà Mỹ cho rằng đang ẩn náu ở nước này.

Năm 2003, Mỹ phát động cuộc chiến Iraq với lý do nước này chứa chấp khủng bố, sản xuất và tàng trữ vũ khí hạt nhân – một cái cớ mà đến mãi sau này Mỹ vẫn chưa chứng minh được.

Chính quyền Mỹ còn tham gia hàng loạt chiến dịch không tuyên bố, các cuộc truy lùng các tổ chức khủng bố ở Pakistan, Yemen, Somalia, Philippines, Indonesia…

Với những thay đổi về chiến lược và mục tiêu an ninh chưa từng có trong lịch sử, Mỹ đã thu được những thành công trong việc chưa để xảy ra một vụ khủng bố lớn nào xảy ra ở nước này trong 10 năm qua, một loạt âm mưu tấn công khủng bố đã bị chặn đứng.

Vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt Bin Laden ngày 2/5 trên lãnh thổ Pakistan chấm dứt một trong những chiến dịch săn lùng lớn nhất trong lịch sử.

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động cũng đã mang lại sự hợp tác quốc tế tối thiểu cần thiết.

Nhưng cho tới thời điểm này, người dân Mỹ phải suy nghĩ nhiều về một nước Mỹ kiệt quệ do chiến tranh, một nền kinh tế của cường quốc số 1 thế giới triền miên trước nguy cơ rơi trở lại hố sâu suy thoái nghiêm trọng hơn.

Tháp Đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York bị biến thành đống đổ nát ngày 11/9/2001 chỉ trong vòng vài chục phút.

Những số liệu của chính phủ công bố cho là một thập kỷ qua, họ đã tiêu tốn hơn 1.000 tỉ USD của người dân cho cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, con số của các cơ quan nghiên cứu trong nước Mỹ đưa ra lớn hơn gấp ba, bốn lần.

Chưa hết, những hoạt động nhân danh cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trên khắp thế giới chưa hẳn đã mang lại an toàn cho nước Mỹ. Nhiều người Mỹ cho rằng vụ tấn công khủng bố 11/9 “đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới”: nước Mỹ đang bị đặt trong nguy cơ bị tấn công khủng bố mà trước đây đất nước này chưa từng bị.

Bằng chứng là những cảnh báo an ninh tiên tục được đưa ra, trên cả nước và với các lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. Trong khi đó, tin tức tình báo cũng như những vụ khủng bố được tiến hành gần như hàng ngày cho thấy các tổ chức khủng bố vẫn tiếp tục hoạt động tại Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và Đông Nam Á.

Có thể nói nước Mỹ và thế giới đã có những thay đổi chưa từng có kể từ vụ 11/9, và thảm họa này đã đi vào lịch sử như một nỗi đau, một vết thương không biết đến bao giờ mới lành hẳn.

Nguyễn Viết