11/9/2001 là một ngày có quá nhiều câu chuyện sốc và không thể tin được: chuyện về những người sống sót, chuyện về những anh hùng. Tuy nhiên, có một chuyện mà mọi người không muốn đối diện với nó.
Đó là câu chuyện của những người bắt đầu nhảy khỏi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) chỉ vài phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên bị không tặc đâm trúng. Hình ảnh của những người bị ép tự vẫn này được ghi lại trong nhiều đoạn phim, ảnh song rất nhanh chóng không tái xuất hiện, như thể chưa bao giờ tồn tại.
Trong số những bức ảnh được chụp vào ngày 11/9/2001 có một tấm không thể quên – Đó là ảnh một người đàn ông đang rơi, như bị đóng băng giữa không trung. Cơ thể của người này nằm song song với tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới. Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới và là một trong những tấm ảnh mang tính dấu ấn của sự kiện kinh hoàng. Tuy nhiên, tấm ảnh này cũng như những bức tương tự lại bị xóa khỏi lịch sử vì thế giới muốn nhớ về hình ảnh dũng cảm của các nhân viên cứu hộ và tinh thần Mỹ được thể hiện như thế nào, không ai muốn đối diện với sự tồn tại của những người buộc phải lao đầu xuống đất chết thay vì chết do ngạt khói.
Tấm ảnh nổi tiếng về người đàn ông đang rơi “Falling man” đã giúp lịch sử có sự thừa nhận thích đáng với khoảng 200 người lao mình từ trên cao ốc xuống trong sự kiện 11/9.
Bức ảnh “Falling man” do phóng viên ảnh AP là Richard Drew chụp một người đàn ông đang rơi từ tòa tháp bắc của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) xuống lúc 9:41:15 sáng, trong khi các vụ tấn công nhằm vào New York đang diễn ra. Chủ thể bức ảnh là một trong những người bị mắc kẹt trên các tầng thượng của cao ốc chọc trời, vốn chọn cách nhảy xuống thay vì chết vì lửa và khói.
Do có khá nhiều người chọn cách nhảy từ các cao ốc xuống nên việc nhận dạng người đàn ông trong 12 bức ảnh “Falling man” không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Ban đầu, chủ thể trong bức ảnh được phóng viên báo The Globe & Mail là Peter Cheney nhận diện là Norberto Hernandez, nhưng khi gia đình xem loạt ảnh, thì rõ ràng đó không phải là Hernandez. Ba gia đình khác cho rằng người trong ảnh là người thân song sau khi phân tích kỹ càng thì chứng minh là không phải.
5 năm sau sự kiện 11/9, người đàn ông trong ảnh được đầu bếp Michael Lomonacochỉ tên đích xác. Đó là Jonathan Briley, 43 tuổi, nhân viên của nhà hàng Cửa sổ nhìn ra thế giới. Briley là kỹ sư âm thanh, sống ở Mount Vernon, New York và làm việc tại tòa tháp bắc.
Lomonaco cho biết, mình có thể nhận ra Briley là nhờ quần áo và nhóm máu của nạn nhân. Một trong những tấm ảnh, quần áo của người đàn ông bị thổi bay, lộ rõ chiếc áo trong màu cam, y hệt chiếc áo Briley mặc đi làm hàng ngày. Chị gái của Briley làGwendolyn cũng xác nhận, em mình mặc áo đó vào ngày nước Mỹ bị tấn công. Nói với phóng viên tờ The Sunday Mirror, Gwendolyn xác nhận: “Khi mới nhìn tấm ảnh, tôi thấy một nam giới cao, mảnh khảnh. Đó có thể là Jonathan”.
Một quỹ từ thiện đã được lập cho gia đình Briley và nhiều chương trình tin tức đã phát sóng về câu chuyện của Briley với tư cách là một trong những người đã lao mình từ tòa tháp của WTC xuống đất. Tuy nhiên, danh tính của “Falling man” chưa bao giờ được xác nhận chính thức.
Theo VietNamNet