Tinh Hoa

Vua Bảo Đại từng bị tình địch bắn gãy chân

– Chuyện tình ái của các vị vua Việt Nam dù không được chính sử sách ghi chép cụ thể nhưng các nguồn tư liệu dã sử, ngọc phả và các giai thoại dân gian đã cho thấy cả một thế giới đầy màu sắc.

Vua Bảo Đại từng  bị tình địch bắn gãy chân

Vua Bảo Đại là vị hoàng đế đa tình. Khó tính hết được đã có biết bao người phụ nữ đủ các dân tộc, quốc tịch đi qua cuộc đời ông.

Vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu

Vì đa tình quá mà không ít lần Bảo Đại suýt rước họa vào thân. Sau khi làm lễ cưới với bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương hoàng hậu), không lâu sau ông vua này lại đi “du hí” khắp nơi. Có lần lên Đà Lạt thăm thú cô nhân tình da trắng mắt xanh, Bảo Đại bị ông chồng Tây của cô ta nổi cơn ghen, vác súng đuổi bắn gẫy chân khiến cho Toàn quyền Đông Dương là Jean Decoux vội cho máy bay chở vua về Sài Gòn chữa trị và tuyên bố rằng vua đi săn, bị “vấp ngã xuống hố bẫy cọp”. Vì chuyện này mà một viên quan về hưu đã làm bài thơ trào phúng, trong đó có câu: “Bà đầm chuộng lạ cần gia vị/Hoàng thượng ăn quen hẳn bén mùi/Thôi Chử ngày xưa còn thí mạng/Nữa là chỉ mất tý xương thôi”.

Tính trăng hoa của Bảo Đại không chỉ gây rắc rối cho ông mà còn khiến một số người khác bị vạ lây. Tác giả Lucien Bodart trong cuốn sách Chiến tranh Đông Dương – Sự nhục nhã (xuất bản năm 1973 tại Paris) có đoạn viết: “Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào những kẻ đang tình tự ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan Toàn quyền đã phải hi sinh thân mình trong vụ đáng buồn này. Bà đã đi nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn một vụ án mạng có thể xảy ra”.

Bà Lê Thị Phi Ánh, một trong các người tình của vua Bảo Đại

Án mạng thì không xảy ra nhưng phu nhân Toàn quyền vì phóng xe quá nhanh để ngăn vụ bắn Bảo Đại và người tình nên đã thiệt mạng vì tai nạn. Bà được chôn tại khuôn viên nhà thờ Vinh Sơn (nay nằm trên đường Ngô Quyền, phường 6, TP Đà Lạt ).

Lý Thái Tổ có đến…9 bà hoàng hậu

Thái Tổ Lý Công Uẩn, vị hoàng đế sáng lập vương triều Lý, có một “kỷ lục” mà không một vị vua nào trong lịch sử Việt Nam phá được: ông là vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất. Sau khi lên ngôi (1009), Lý Thái Tổ đã cho lập 6 hoàng hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”.

Đến tháng 3 năm 1016, Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa là Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, Lập Giáo hoàng hậu. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu. (Ở đây sử chép 2 lần về Lập Giáo hoàng hậu, theo sách Việt sử thông giám cương mục: “Điều này chắc sử có lầm, tạm chép lại đó chờ tra cứu thêm”).

Trong số các bà hoàng hậu của Lý Thái Tổ, có một người là con gái của vua Lê Đại Hành (theo dã sử bà tên là Phương Hoa, mẹ đẻ chính là bà Dương Vân Nga).  Bà hoàng hậu này đã sinh con trai trưởng cho vua là Lý Thái Tông.


Trần Thái Tông truy tôn vợ như…mẹ?

Tháng giêng năm 1237, Thái sư Trần Thủ Độ thấy Trần Thái Tông lấy Chiêu Thánh hoàng hậu (tức Lý Chiêu Hoàng) nhiều năm rồi mà vẫn chưa có con, ông bèn ép vua phế Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Sau đó lại ép vua lấy chị dâu của mình là công chúa Thuận Thiên (vợ Trần Liễu, anh trai vua) khi đó đang có mang 3 tháng và lập làm Thuận Thiên hoàng hậu.

Thuận Thiên hoàng hậu sau này đã sinh cho Trần Thái Tông một số người con là Trần Quốc Khang (thực ra là con Trần Liễu), Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông), Trần Quang Khải…Tháng 6 năm 1248, bà Thuận Thiên mất, Trần Thái Tông truy tôn vợ mình làm Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu. Vì chuyện này mà sử sách đã chê cười vì tôn hiệu Hoàng thái hậu chỉ dùng để phong cho người là mẹ vua mà thôi.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn lại lời phê của hai sử thần nhà Lê như sau: “Cả một đời nhà Trần vẫn gọi là đời không có nghi lễ. Việc truy tôn Lý hậu làm Hoàng Thái hậu dễ thường cũng có; hành động sai lầm như vậy, thật đáng chê cười!” (Lời bàn của Ngô Thì Sĩ). “Hoàng hậu Lý Thị nguyên là vợ An Sinh vương Liễu, Thái Tông nhân khi Lý thị đã có thai, cướp lấy làm vợ mình, như thế đã thương luân bội lý lắm rồi, lúc mất lại tôn là Thái hậu, thì còn có nghĩa lý gì? Có lẽ sau này Thánh Tông lên nối ngôi vua, mới truy tôn Lý Thị là mẹ đẻ của mình, mà nhà làm sử đem chép lầm ở đây, cũng chưa biết chừng. Nếu không thế thì cướp chị dâu làm vợ, tôn vợ lên như mẹ, lại còn có nhân đạo gì nữa ư?” (Lời bàn của Nguyễn Nghiễm).

Lê Lợi  là con rể của vua Trần Duệ Tông

Đầu năm Đinh Tị (1377) Trần Duệ Tông, vị vua thứ 10 của nhà Trần, trong một trận đánh với quân Chiêm Thành đã chết trong đám loạn quân. Đến khi quân Minh xâm lược, vợ vua Trần Duệ Tông là Hoàng hậu Bạch Ngọc đem con gái là công chúa Huy Chân về quê ngoại ở Thổ Hoàng (này thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) để lánh nạn.

Tại quê hương bà đã chiêu mộ nhân dân, khai hoang lập ấp. Bấy giờ Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Bà Bạch Ngọc đem ủng hộ nghĩa quân không chỉ nhân lực, lương thực, khí giới, tiền của mà còn gả con gái Huy Chân cho Lê Lợi. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi đã phong Huy Chân làm phi.

Mạc Đăng Dung giết anh em cọc chèo để cướp ngôi

Tháng 6 năm 1527 Mạc Đăng Dung dẫn quân từ Hải Dương về Thăng Long ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình bằng một bài chiếu giả mạo. Sau đó giam cầm vua rồi bức tử.

Chuyện thoán đoạt ngôi vị sử chép rõ, nhưng không mấy người biết rằng ông vua bị giết và kẻ giết vua lại là anh em “cọc chèo” với nhau. Hai người này đều là con rể của đại thần Nguyễn Thì Ung. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Thì Ung có hai người con gái, một người tiến cho Thống Nguyên đế (tức Lê Cung Hoàng-TG), một người gả cho Mạc Đăng Dung, sau được phong làm Thông quận công”.


Vua Thái Đức có một người vợ người Bana

Trong số các bà vợ của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), có một người thuộc dân tộc Bana. Từ trước khi khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc đã nhiều lần đến các vùng đất của Tây Nguyên để buôn trầu, mua gỗ, mua ngựa…Ông kết thân với một cộng đồng người Bana ở đây và họ đã gả một người con gái tên là Ya Dố cho ông.

Theo một số tài liệu viết về nhà Tây Sơn, bà Ya Dố còn được gọi là Cô Hầu, con gái của một tộc trưởng ở Plây Đê Hmâu (nay thuộc xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Bà đã giúp Nguyễn Nhạc trong việc chiêu mộ quân lính thuộc các dân tộc Tây Nguyên, khai hoang ruộng đất ở nhiều nơi để trồng cây trái làm lương thực nuôi quân. Bà được gọi là Cô Hầu đốc tướng. Nay vùng đất mà bà trực tiếp tổ chức khai khẩn khi xưa (thuộc làng Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai ngày nay) vẫn được gọi là “Cánh đồng Cô Hầu”


Bố, con và kẻ thù không đội trời chung lại là anh em cọc chèo

Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) lấy công chúa Ngọc Hân và trở thành con rể vua Lê Hiển Tông. Khi con cả của Quang Trung là Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh) đến tuổi lập gia đình, công chúa Ngọc Hân đã làm mối cho người em gái út của mình là công chúa Ngọc Bình. Vậy là hai bố con vua Quang Trung lấy hai chị em gái và trở thành “anh em cọc chèo” của nhau.

Chuyện đời lắm nỗi éo le, năm Nhâm Tuất (1802) sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long. Khi chiếm được Phú Xuân, rung động trước sắc đẹp của Ngọc Bình, ông đã lấy bà làm phi, phong làm đệ tam cung. Thế là Quang Trung và Gia Long, hai kẻ không đội trời chung ấy lại là “anh em cọc chèo”. Về bà Ngọc Bình, trước những mối lương duyên lạ kỳ đó, dân gian đã đạt câu ca rằng: “Số đâu có số lạ đời/Con vua mà lại hai đời chồng vua”.

Lê Thái Dũng