Tinh Hoa

5 tổ chức tàn bạo nhất thế giới được chính quyền hậu thuẫn (Phần 1)

Lịch sử thế giới hiện đại đã ghi nhận nhiều tội ác ‘phản nhân loại’ được thực hiện bởi các tổ chức hết sức tàn bạo. Điều đáng sợ hơn cả là những tổ chức này lại được chính quyền hậu thuẫn. Sau đây là 5 tổ chức khét tiếng đã để lại vết nhơ không thể xóa đối với đạo đức nhân loại.

1. Schutzstaffel

Lực lượng Schutzstaffel (SS) có nghĩa là “đội cận vệ”, là một tổ chức vũ trang và đóng vai trò chính yếu trong việc lập kế hoạch và thực hiện các tội ác chiến tranh và diệt chủng của Đức Quốc xã.

SS được Adolf Hitler thành lập vào ngày 4/4/1925 tại Munich nhằm bảo vệ các lãnh đạo của Đảng Quốc xã. (Ảnh: Reddit)

Dưới sự chỉ đạo của Heinrich Himmler, SS đã nhanh chóng trở thành một tổ chức có hệ thống quân hàm tương tự như quân đội Đức nhưng với tên gọi khác, có quân phù và đồng phục riêng (Quân áo đen). Những tổ chức trực thuộc SS gồm: Sicherheitspolizei (Sipo), Kriminalpolizei (Kripo) và  Geheime Staatspolizei (Gestapo).

Lực lượng SS còn được gọi là Quân áo đen, để phân biệt với Quân áo nâu, tức lực lượng SA (Sturmabteilung). (Ảnh: Twitter)

Hệ tư tưởng của SS được xây dựng với niềm tin tuyệt đối về tính ưu việt của chủng tộc Aryan thượng đẳng, và sự trung thành tuyệt đối với lãnh tụ Đức Quốc xã Hitler.

Tội ác diệt chủng Holocaust

Hitler với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã tạo nên thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra vào Chiến tranh Thế giới thứ 2, được xem là một trong những sự kiện tồi tệ nhất lịch sử nhân loại.

Xác chết của những người Do Thái tại một trại tập trung. (Ảnh: Epoch Times)

Thống kê cho thấy, có hơn 11 triệu người thiệt mạng dưới tay Đức Quốc xã, trong đó có 6 triệu người Do Thái. Hoạt động tàn sát này diễn ra trên toàn Đức Quốc xã và các vùng lãnh thổ bị quốc gia này chiếm đóng.

Lực lượng SS sau đó trở thành đội quân hành quyết chuyên nghiệp. Khi tiến vào Liên Xô, họ hễ thấy người Do Thái là bắn ngay. Khi Himmler đến Minsk để xem “biểu diễn” cảnh hành quyết, ông ta đã sợ đến tái mặt suýt té ngã. Trong hai ngày 29 và 30/9/1941 cạnh Kiev (thủ đô Ukraine), 33.771 người Do Thái tại hẻm núi Babi Yar đã bị lính SS xả súng hành quyết.

Một đoàn tàu chở hàng nghìn người Do Thái đến các trại tập trung. (Ảnh: BBC)
Cổng vào một trong hàng nghìn trại tập trung. (Ảnh: AFP)

Nhiều trại tập trung đã được Đức Quốc xã dựng lên để giam cầm, tra tấn, và sát hại tù nhân. SS bắt tù nhân đưa về các trại, lột hết quần áo và đưa vào phòng kín, mỗi phòng 400 người, rồi bơm khí CO vào, xác sau đó được đem đốt hoặc chôn. Trung bình nạn nhân đến trại không quá 3 giờ là bị giết! Hàng ngày có 100 toa xe lửa chở người đến, mỗi ngày 3 trại này “sản xuất” được 25.000 xác chết! Trong quá trình di chuyển, rất nhiều người đã chết do bị nhét vào trong các toa xe lửa chật kín người, không có nước, thức ăn hay nhà vệ sinh…

Nhiều trang sức, đồ dùng cá nhân như nhẫn cưới, đồng hồ… của các tù nhân bị tịch thu khi bị đưa đến các trại tập trung. (Ảnh: medium)
Hình ảnh trong trại tập trung do quân đội Anh chụp. (Ảnh: AFP)

Theo ước tính, có hơn 1,1 triệu trẻ em Do Thái bị sát hại, thường thì nạn nhân sẽ bị tra tấn trước khi bị giết, hoặc bị đem làm vật thí nghiệm độc dược.

Các bác sĩ Đức Quốc xã đã thực hiện nhiều thí nghiệm rùng rợn trên cơ thể người, bao gồm cả trẻ sơ sinh. (Ảnh: thenational)

2. KGB

KGB (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti – Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô) là một hệ thống cảnh sát chìm dùng để trấn áp những người đối lập và bảo vệ chế độ Xô Viết. Tổ chức này qua nhiều năm đã có những tên gọi khác nhau.

Cheka

Các thành viên cao cấp của Cheka (từ trái qua phải) vào năm 1921 gồm: Yakov Peters, Józef Unszlicht, Abram Belenky (đứng giữa), Felix Dzerzhinsky, Vyacheslav Menzhinsky. (Ảnh: Wikipedia)

Tiền thân của tổ chức KGB là Ủy ban đặc biệt toàn Nga, gọi tắt là Cheka, được thành lập ngay sau cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga năm 1917. Dưới sự lãnh đạo của Lenin, Cheka đã bắt bớ những người được cho là kẻ thù của Đảng Cộng sản. Lenin cho rằng “chuyên chính là chính quyền trực tiếp dựa vào bạo lực mà không phải chịu hạn chế bởi bất cứ pháp luật nào”, ông ta đã giao cho Ủy ban Cheka quyền được ‘không xét xử những kẻ tùy ý giết người’.

Nạn nhân của Cheka gần Rakvere, Estonia, 1919. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Nghiên cứu cho thấy từ năm 1917-1922, số lượng người trực tiếp bị Ủy ban Cheka tra tấn và giết hại lên đến hàng triệu người. Tùy thuộc vào Ủy ban Cheka ở từng thành phố mà có những phương thức tra tấn khác nhau như: lột da, đóng đinh, treo cổ, ném đá đến chết, buộc vào ván và đẩy từ từ vào lò hoặc bể nước sôi, lăn tù nhân khỏa thân trong các thùng nạm đinh bên trong hoặc đổ nước vào họ trên đường phố vào mùa đông cho đến khi bị đóng băng, bị vặn cổ cho đến khi đầu của nạn nhân có thể bị xé toạc ra, hay đặt một chiếc lồng sắt lên bụng nạn nhân bị trói, sau đó bỏ một con chuột vào lồng và làm nóng chiếc lồng lên, theo bản năng con chuột sẽ hoảng loạn và gặm nhấm điên cuồng bụng của nạn nhân đến khi có lối thoát.

NKVD

Sự tàn ác của Stalin được xếp ngang hàng với Adolf Hitler… (Ảnh qua TVN.BG)

Joseph Stalin (cầm quyền từ năm 1924-1953) là một trong những nhân vật diệt chủng tàn ác nhất thế kỷ 20, được xếp ngang hàng với Adolf Hitler, Mao Trạch Đông và Pol Pot. Sau khi Lenin chết, Stalin đã lên kế tục. Ông ta thiết lập lực lượng NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ – Narodnyy Komissariat Vnutrennikh Del), một cơ quan cảnh sát bí mật thừa kế từ Cheka, để thực thi chương trình nghị sự chính trị trong nước.

NKVD là lực lượng chủ chốt giúp Stalin thực hiện các cuộc thanh trừng tàn khốc. (Ảnh: Twitter)

Giữa những năm 1930, Stalin bắt đầu một cuộc đại thanh trừng cực kỳ tàn khốc. NKVD là lực lượng chủ chốt giúp Stalin thực hiện các cuộc thanh trừng này. Việc hành quyết được thực hiện trên “quy mô công nghiệp”. Có những gia đình bị xóa sổ cả nhà chỉ vì một người phạm tội nhỏ. Ngay cả người dân của các vùng bị Liên Xô chiếm đóng, cũng trở thành nạn nhân. Vụ thảm sát gần 22 nghìn tù binh người Ba Lan tại rừng Katyn được coi là tội ác lớn nhất đối với tù binh trong lịch sử các cuộc chiến thế kỷ 20.

Thi thể còn lại của các sĩ quan Ba ​​Lan bị hành quyết theo lệnh của Stalin trong vụ thảm sát Katyn.

Cũng theo đó, có hơn một triệu thành viên của Đảng Cộng sản bị thanh trừng, nhiều người từng giúp Stalin giành quyền lực đã bị giết. Một nửa các lãnh đạo và cán bộ trong quân đội Liên Xô bị xử tử. Năm 1937-1938, 3 trong 5 thống chế, 13 trong 15 tổng tư lệnh, 110 trong 195 chỉ huy sư đoàn, 220 trong 406 lữ đoàn và vô số cán bộ khác bị xử tử. Hơn 1.000 tướng bị bắn từ năm 1938 – 1940. Tàn sát như vậy làm quân đội Liên Xô bị hao tổn nghiêm trọng ngay trước chiến tranh thế giới thứ 2.

Tiểu thuyết gia, nhà lịch sử học nổi tiếng người Nga Aleksandr Solzhenitsyn đã thống kê rằng Stalin đã gây ra cái chết bất thường cho 60 triệu người dân.

KGB sau thời của Stalin

KGB được Nikita S. Khrushchev thành lập vào năm 1954 để thay thế NKVD. Từ năm 1964-1982, Leonid Brezhnev đã thay thế quyền lãnh đạo Liên Xô của Khrushchev, và mở rộng sức mạnh của KGB.

Năm 1967, Yuri Andropov được bổ nhiệm làm Chủ tịch KGB, ông khuyến khích đàn áp cả trong và ngoài nước, dẫn đầu chiến dịch tàn ác chống lại những người bất đồng chính kiến, không tuân thủ luật lệ quốc gia.

Những thành viên đầu tiên trong đội đặc nhiệm Alpha của KGB Liên Xô năm 1976. (Ảnh qua specnaz.ru)

Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, KGB bị chia thành nhiều cơ quan. Trong đó có Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), cơ quan an ninh nội địa chính và tổng cục Tình báo Nước ngoài (SVR), tương đương với CIA. Người Nga thường vẫn gọi những tổ chức này là KGB, và tồn tại cho đến ngày nay.

3. Đạo quân Quan Đông

Sau chiến tranh Nga-Nhật (10/2/1904 – 5/9/1905), chính quyền Tokyo chiếm được Phủ Đô hộ Quan Đông, nằm ngay sát đường ray xe lửa phía nam Mãn Châu Quốc. Quan Đông có nghĩa là “phía đông của Sơn Hải Quan”.

Đạo quân Quan Đông là lực lượng tinh nhuệ nhất của Lục quân Nhật và cũng là lực lượng máu lạnh, dã man nhất của Nhật tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. (Ảnh: sohu)

Ban đầu, đạo quân Quan Đông được thành lập vào năm 1906 để bảo vệ khu vực này, gồm một sư đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh cùng 6 tiểu đoàn độc lập chuyên bảo vệ đường ray xe lửa Mãn Châu Quốc. Sau sự kiện Mãn Châu, lực lượng này mới được nâng cấp thành tổng quân, trụ sở được di dời tới thủ đô của Mãn Châu Quốc là Tân Kinh – nay là thành phố Trường Xuân, thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Quân Quan Đông hành quân ở Mông Cổ. (Ảnh: Twitter)

Quân Quan Đông là lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất của lục quân Nhật, được xây dựng từ lính tuyển chọn của các đơn vị lục quân. Đạo quân này toàn những binh sĩ ưu tú và cuồng tín nhất của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản với quân số lúc đó lên tới 10 vạn. Theo History, những năm sau đó, quân đội Quan Đông gia tăng số lượng chóng mặt và có thời điểm lên tới 70 vạn người.

Đạo quân Quan Đông được cho là đã châm ngòi Chiến tranh Thái Bình Dương khi tự tiện tạo ra sự kiện Mãn Châu nhằm dắt mũi chính phủ Nhật Bản – dẫn tới việc kéo cả châu Á vào một cuộc chiến tranh mới diễn ra trước Chiến tranh Thế giới thứ hai hai năm.

Đạo quân Quan Đông trong một trận chiến. (Ảnh: kknews)

Mặc dù được gọi với một cái tên khác là Đức Binh Đoàn (đoàn binh đạo đức), thế nhưng đạo quân Quan Đông thường xuyên bị lên án vì bất tuân mệnh cấp trên, buôn bán thuốc phiện, cướp bóc, hãm hiếp và giết người. Người dân Trung Quốc rất ghét quân Quan Đông, và đôi lúc chính người Nhật trong nước cũng thù ghét đơn vị “bất kham” này.

Thảm sát Nam Kinh

Thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc), hay vụ “Cưỡng hiếp Nam Kinh”, là một trong những tội ác chiến tranh kinh hoàng nhất lịch sử thế giới hiện đại, do đội quân Quan Đông tiến hành sau khi thành phố này rơi vào tay Nhật Bản ngày 13/12/1937. Thời gian diễn ra cuộc thảm sát vẫn chưa được biết rõ, dù bạo lực đã kết thúc trong vòng sáu tuần, cho tới đầu tháng 2/1938.

Quân Quan Đông tấn công vào Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, tháng 12/1937. (Ảnh: Getty Images)
Quân Quan Đông đứng trên tường thành ăn mừng sau khi chiếm được thành phố Nam Kinh. (Ảnh: tracesofwar)
Đại tướng của Lục quân Iwane Matsui đang tiến vào Nam Kinh. (Ảnh: livedoor)
Quanh cảnh đổ nát ở Nam Kinh, sau các cuộc tấn công của Nhật Bản, ngày 4/1/1938. (Ảnh: Shutter Stock)

Theo thống kê, ít nhất 250.000 – 300.000 người Trung Quốc bị giết ở thời điểm đó. Rất nhiều trong số này là phụ nữ và trẻ em. Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông cho rằng 20.000 (có thể lên tới 80.000) phụ nữ đã bị hãm hiếp ở trong độ tuổi từ thiếu niên cho tới già lão (tới 80 tuổi). Những vụ hãm hiếp thường diễn ra ở nơi công cộng ngay giữa ban ngày, đôi khi trước mặt cả người chồng hay gia đình nạn nhân. Binh sĩ đi tìm kiếm từng nhà để bắt các cô gái trẻ, rất nhiều phụ nữ bị bắt, bị hiếp dâm tập thể và sau đó bị giết hại (thường bị cắt xẻo thân mình).

Cô gái 16 tuổi này đã bị hãm hiếp bởi lính Nhật. (Ảnh: baike)
Một cô gái bị bắt… (Ảnh: kknews)
Xác phụ nữ bị chất lên xe, kéo khỏi làng.

Theo một số lời chứng, những phụ nữ khác bị buộc phải vào trại mại dâm quân đội làm phụ nữ giải trí. Thậm chí còn có những câu chuyện kể rằng lính Nhật buộc nhiều gia đình phải thực hiện các hành vi loạn luân: Con trai bị buộc phải hiếp mẹ mình, người cha bị buộc phải hiếp con gái. Một phụ nữ có thai bị binh lính Nhật hiếp dâm tập thể đã sinh con chỉ vài giờ sau đó. Những vị sư sãi đã nguyện trọn đời chay tịnh bị buộc phải hiếp các phụ nữ để làm trò vui cho quân Nhật. Đàn ông Trung Quốc bị buộc phải hiếp các xác chết. Bất kỳ sự chống cự nào đều dẫn tới sự hành quyết.

Khoảng 5.000 lính Trung Quốc bị bắt gần Nam Kinh. Tất cả đều bị thảm sát. (Ảnh: medium)
Người dân đang xếp hàng chờ tới lượt lính Nhật hành quyết mình. (Ảnh: kknews)

Quân Quan Đông cũng tiến hành một chiến dịch tìm kiếm những cựu chiến binh đối phương, hàng nghìn thanh niên đã bị bắt giữ sau đó. Nhiều người được đưa tới sông Dương Tử (Trường Giang) và bị hành quyết bằng súng máy để xác họ có thể trôi xuống Thượng Hải. Những người khác bị sử dụng làm bia sống trong những bài tập lưỡi lê. Chặt đầu đã trở thành biện pháp giết người thông dụng nhất, nổi tiếng hơn cả là cuộc thi chặt đầu 100 người. Tuy nhiên, những hành động giết người tàn bạo khác như thiêu sống, đóng đinh lên cây, chôn sống… cũng được áp dụng rộng rãi. Một số người bị đánh tới chết. Lính Nhật cũng có thể đơn giản hành quyết những người đi bộ trên đường phố, thường với lý do họ có thể là binh lính đang cải trang làm dân thường.

Các xác chết xếp chồng bên sông Dương Tử. (Ảnh: sohu)
Hàng nghìn người bị giải đi và bị hành quyết tập thể tại một chiếc hố được gọi là “Hố mười nghìn xác”, một cái rãnh dài khoảng 300 mét và rộng 5 mét.
Một tù nhân Trung Quốc đang bị lính Nhật xử tử. Chặt đầu là việc ưa thích của lính Nhật. (Ảnh qua bifaxing.com)
Lính Nhật đang tươi cười với thủ cấp trong tay. (Ảnh: macaudailytimes)
Không chỉ bị giết, nhiều người còn làm bia tập bắn hoặc đâm lưỡi lê cho lính Nhật tập luyên. (Ảnh: medium)
Đơn vị 731 (một chi nhánh nghiên cứu và phát triển của đội quân Quan Đông) đang thực hiện thí nghiệm lên nạn nhân.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với kết quả thất bại của Nhật Bản cùng sự giải tán của Quân đội Nhật, đạo quân Quan Đông cũng bị xóa sổ. Gần như tất cả chỉ huy của lực lượng này bị đưa ra xét xử về những tội ác chiến tranh đã gây ra.

Tani Hisao, trung tướng trong Quân đội Hoàng gia Nhật Bản bị đưa ra xét xử năm 1947. (Ảnh: Wikipedia)
Tani Hisao bị xử tử vào ngày 26/4/1947.

Viên Luân (t/h)