Tinh Hoa

5 người từng trúng số độc đắc ở Việt Nam ngày ấy bây giờ ra sao?

Theo thống kê của tác giả Tác giả Edward Ugel, cha đẻ của cuốn “Tiền không là gì: Số phận đen tối của người đàn ông sau khi trúng số”, trong hàng nghìn người thắng giải, số người sống hạnh phúc với số tiền ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ảnh minh họa. Nguồn Xinhuanet

Người xưa thường nói: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc”  – câu nói này thật vô cùng đúng đắn bởi trong thực tế, 9/10 người từng trúng số độc đắc, chẳng có mấy ai có thể giữ nguyên cho mình cuộc sống ‘sang chảnh’ mà thường rơi vào cảnh nghèo lại hoàn nghèo sau đó, thậm chí còn phải đi ăn mày.

Tý phú xổ số đi ăn mày

Ổng Bùi Hiền Hòa năm nay 47 tuổi cư trú phường Hưng Lợi, Ninh Kiều, Cần Thơ xuất thân trong gia đình nghèo khó nên luôn nuôi hy vọng được đổi đời bằng cách chơi lô đề, trúng xổ số.

Ông Hòa đi lang thang khắp nơi. (Ảnh: Doisong&honnhan)

Với việc thường xuyên mua vé số, năm 2010 ông Hòa bỗng chốc trở thành tỉ phú sau khi trúng 3 giải độc đắc 4,5 tỷ đồng.

Có tiền ông Hòa tậu ngay căn biệt thự bạc tỷ ở trung tâm thành phố Cần Thơ và bỗng trở nên mê hàng hiệu , lao đầu vào đỏ đen sát phạt, v.v… mặc dù trước đó ông là người hiền lành, chịu khó làm ăn.

Nhưng rồi cuộc sống ăn chơi trác táng chỉ kéo dài được hơn 1 năm đã chấm dứt. Căn biệt thự cũng phải gán nợ cờ bạc. Cả nhà lại kéo đàn kéo đống tìm phòng trọ ở tạm. Đang nghèo khó rồi đổi đời giàu sang giờ lại tay trắng, ông Hòa hóa điên lúc tỉnh tối ngày ôm chai rượu lê lết khắp các phố để xin ăn.

Anh em trong gia đình bất hòa

Mái ấm đã bị chia lìa của gia đình bà Mai. (Ảnh: ĐS&PL)

Gia đình bà Trần Thị Mai ở Long An vốn nghèo đói, quanh năm quần quật chẳng đủ ăn. Để lo cho tương lai của đàn con, bà và chồng đưa cả gia đình lên Bình Dương mưu sinh. Sau đó, bà tính toán dùng số tiền ít ỏi làm vốn buôn bán vặt ngoài chợ.

May mắn là các con bà Mai đều học hành thành tài. Rồi lần lượt, người con trai đầu và đứa thứa ba, tư lập gia đình. Chỉ riêng Lâm, cậu con trai thứ vẫn độc thân, sống cùng cha mẹ.

Một ngày nọ, bà Mai ngồi bán buôn trong chợ thì có bà lão đi qua, khuôn mặt thiểu não, trên tay xấp vé số gần như vẫn còn nguyên. Thấy bà lão tội nghiệp, bà Mai bèn rút tiền mua giúp một tờ rồi đưa cho Lâm giữ, ai dè đến chiều bã lão vé số tìm đến vẻ mặt tươi vui báo tin tấm vé lúc chiều đã trúng giải độc đắc với trị giá lên đến 100 triệu đồng.

Thời điểm năm 2003, số tiền ấy rất lớn, đặc biệt với một gia đình nghèo như bà Mai. Nghe mẹ báo tin, Lâm phóng xe đi lãnh thưởng nhưng lại trở về với vẻ mặt ủ rũ rồi nói rằng tấm vé trật lất, chắc bà bán vé số nhầm lẫn. Tưởng thật, đôi vợ chồng già buôn xo vì mừng hụt.

Chỉ đến khi bà lão bán vé số đưa ra cuốn sổ ghi đúng dãy số trúng độc đắc trên tờ số đã bán cho bà Mai thì bà mới linh cảm con trai “có vấn đề”.

Không chịu nổi sức ép từ người nhà và sự đàm tếu của người dân trong xóm, cuối cùng Lâm cũng đành móc tờ vé số trong ví đưa lại cho mẹ, miệng líu riú thú nhận ý định chiếm đoạt số tiền thưởng.

Lấy được tờ vé, vợ chồng bà Mai động viên con sẽ bỏ qua mọi chuyện. Cùng dắt nhau đi lĩnh thưởng, bà đã bàn với chồng sẽ chia đều tiền cho các con lấy vốn làm ăn. Thế nhưng, tiền vừa về còn chưa kịp chia thì những đứa con còn lại đã nổi lòng tham, dựng chuyện nói xấu nhau, nịnh cha mẹ hòng kiếm phần nhiều. Gia đình đổi đời nhờ vé số nhưng tình cảm anh em cũng rạn nứt từ đó. Riêng Lâm, vì xấu hổ với việc làm sai trái của mình đã âm thầm bỏ đi biệt tích, không một lần liên lạc với gia đình.

“Bao nhiêu năm nhịn ăn nhịn mặc để lo cho chúng nó bằng bạn bằng bè, những tưởng bốn đứa ăn học thành người sẽ có hiếu với cha mẹ. Nào ngờ, đồng tiền lại làm lu mờ hết tình mẫu tử”, bà Mai buồn bã nói.

Vì tờ vé số mà 7 năm qua bà Mai vẫn ngóng tin con. (Ảnh: ĐS&PL)

Được biết, tính đến nay đã 10 năm gia đình đổi vận nhờ trúng số thì cũng chừng ấy năm ròng Lâm chưa một lần quay lại nhà hay điện hỏi thăm vợ chồng bà một tiếng. Đã có lúc bà từng nói, giá như “lộc trời” đừng đến thì chắc chắn Lâm giờ này vẫn còn ở với vợ chồng bà.

Chồng ôm 1,5 tỷ đồng tiền trúng xổ số đi kiếm quý tử

Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng bà Lê Thị Lũy (47 tuổi, trú tại khu phố 6, phường Trưng Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc sống nghèo khó, chồng bà là ông Nguyễn Văn Nam (49 tuổi) thường ao ước, nếu một ngày trời cho trúng số thì sẽ dùng tất cả số tiền xây dựng kinh tế gia đình cho vợ con bớt khổ.

Tháng 8/2009, thời vận cũng mỉm cười với họ thật, khi mấy tờ vé số ế chưa kịp trả cho đại lý trúng giải độc đắc trị giá 1,5 tỷ đồng.

Bà Lũy đến nay vẫn không biết chồng mình ôm tiền tỷ đi đâu. (Ảnh: Pháp luật Xã hội)

Tay trong tay đi lĩnh thưởng, hai người đã dự tính sau khi cầm tiền trong tay sẽ sớm rời Sài Gòn, về quê làm ăn. Thế nhưng, đến buổi sáng hôm sau, ông Nam lại bảo bà đi mua lễ vật về mang lên chùa cúng dường tạ ơn. Răm rắp nghe theo lời chồng, bà Lũy không ngờ khi trở về thì đã thấy trong ngoài trống vắng, ông Nam đã đi đâu không rõ.

Thấy lạ, bà Lũy đi vào trong gian buồng thì bắt gặp tờ giấy nhỏ bọc lại một cọc gì đó vuông vức. Bà vội mở ra xem thì thấy cọc tiền 10 triệu đồng, trên tờ giấy ghi nguệch ngoạc mấy dòng chữ: “Xin lỗi em, nhưng anh phải có đứa con trai để sau này còn có người bưng bát nhang, em hiểu cho anh”.

Căn nhà thuê lụp xụp bà Lũy đang ở nuôi con. (Ảnh: Pháp luật Xã hội)

Đến lúc này, bà Lũy mới ngỡ ngàng. Hóa ra lâu nay ông Nam mong chờ một đứa con trai nối dõi tông đường nhưng bà lại gặp trục trặc về đường sinh nở. Giờ có bạc tỷ trong tay, ông mới trở mặt, bỏ vợ đi kiếm người đàn bà khác mong sinh quý tử để có người “chống gậy”.

Làm đại gia vẻn vẹn 21 ngày

Ông Vương Sỹ Cầm kể về câu chuyện trúng số của mình. (Ảnh: Doisong&honnhan)

Chuyện đã qua gần 30 năm, nhưng ông Vương Sỹ Cầm (65 tuổi, ngụ đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) vẫn nhớ như in quãng thời gian ngắn ngủi được làm “đại gia” nhờ trúng 3 tờ vé số độc đắc.

Đó là vào chiều ngày 20/9/1991 trên đường đi bó thuốc cho bệnh nhân từ huyện Quốc Oai (thuộc tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội) trở về ông có dừng lại ở quán nước gần nhà uống cốc trà đá. Khi ông Cầm đang ngồi uống nước thì một ông lão đến quán mời mua vé số.

“Trên tay ông ta còn lại đúng 3 tấm vé số 4, ông liên tục mời hết người này đến người khác mua giúp để ông sớm được về với gia đình. Tuy nhiên, không ai thèm để ý đến, thấy thương ông nên tôi đã ra mua”, ông nói tiếp.

Ông Cầm tâm sự, lúc mua 3 tấm vé, bản thân chỉ muốn giúp cụ bán vé số chứ không thể ngờ lại may mắn trúng giải độc đắc. Ông cười tươi nhớ lại: “7h tối hôm ấy, chương trình quay số trên Đài truyền hình Hà Nội diễn ra nhưng tôi cũng không để ý. Đang lúi húi nấu cơm dưới bếp thì tôi nghe thấy trên tivi nhà tôi nói vọng xuống loáng thoáng tới mấy con số.

Nhẩm theo lời của tivi, tôi giật mình khi thấy nó trùng với những số trên tờ vé mà mình mua lúc chiều nay. Bỏ dở việc đang làm, tôi chạy lên nhà ngó xem thế nào thì chương trình quay số kết thúc. Tôi thấp thỏm đợi 15 phút sau trên truyền hình trung ương phát lại kết quả xổ số và sung sướng khi cả 3 tờ đều giải độc đắc”.

Có tiền trong tay ông mua cho con trai vừa đậu đại học cái xe máy, số tiền còn lại chia thành các bọc giấu vào các góc nhà.

Bỗng dưng được một số tiền lớn, ông Cầm bàn với vợ: “Có lẽ nhờ các cụ phù hộ mình mới trúng giải”. Sau đó hai vợ chồng ông bà đã cầm một ít tiền về quê xây lại mộ cho bố mẹ, ông bà. Trớ trêu thay, cũng đúng ngày ông về quê xây mộ thì nhà ông bị cháy. Từ đại gia xổ số ông lại bỗng chốc tay trắng.

Hiện tại, vợ chồng ông Cầm vẫn sống trong căn tập thể cũ kỹ tại quận Thanh Xuân với nghề chế thuốc chữa bệnh cứu người.

Được biết, đến giờ, bà con nơi ông Cầm sinh sống vẫn truyền tai nhau chuyện ông được lộc trời, trúng liền 3 tờ độc đắc. Nhưng khi kể về người đàn ông này, bà con thường nói bằng một sự kính trọng đặc biệt với hai từ lương y.

Có được vợ đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc nhờ tấm vé số may mắn

Ảnh cưới của vợ chồng Tuấn. (Facebook)

Năm 2011 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai nghèo Quách Như Tuấn (24 tuổi, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa)vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Tại đây, anh tình cờ gặp bà Lê Thị Vụ (chị gái mẹ Tuấn) đang bán vé số dạo. Thấy bác còn lại ba tờ vé trùng dãy số, Tuấn mua một vé. Cuối giờ chiều, đang làm việc Tuấn được bà Vụ gọi điện báo tin trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng.

Gia đình Tuấn sau đó trích gần trăm triệu đồng cung tiến chùa ở địa phương. Chàng trai còn dành khoản tiền lớn ủng hộ chính quyền xã xây dựng công trình công cộng. Sau khi xây ngôi nhà hơn 100 triệu đồng, số tiền còn lại gia đình đã gửi ngân hàng.

Trở thành “đại gia”, Tuấn được cánh thanh niên trong làng ngưỡng mộ. Trong lần sang thôn bên chơi, chàng trai tình cờ quen cô gái xinh xắn Cao Thị Nhuần (22 tuổi).

Bốn năm sau lần được nhận số tiền thưởng lớn đó, Tuấn đã cưới vợ và có con trai 2,5 tuổi. Dù tiền cũng đã cạn bớt, mỗi lần nhắc lại vận may đó, Tuấn vẫn khẳng định anh có được vợ đẹp, con ngoan và gia đình hạnh phúc là nhờ tấm vé số may mắn.

“Việc lần đầu tiên trúng xổ số không chỉ khiến giúp con trai tôi đổi đời. Nó còn tìm được cô vợ xinh đẹp, hiền lành. Cuộc sống diễn ra rất đỗi hạnh phúc”, bà Lê Thị Thành, mẹ Tuấn cho biết.

Và câu chuyện ông Hết mất tiền

Chiều 28 Tết Canh Dần (2010), ông Hết, ở đường Lạc Long Quân, phường 5, TP. HCM thuộc diện xóa đói giảm nghèo được một nhà hảo tâm tặng cho chút tiền lì xì. Dùng số tiền này, ông mua 6 tờ vé số. Chiều hôm ấy, trong số 6 tờ vé số ông mua thì có 5 tờ trúng giải đặc biệt, 1 tờ trúng giải an ủi, tổng cộng 7,6 tỷ đồng. Nghe tin ông Hết trúng số, bà con lối xóm kéo đến chúc mừng.

Có lẽ do trí tuệ không còn minh mẫn nên gặp ai ông cũng móc tiền ra cho, chưa kể ông còn làm từ thiện và đền ơn những người đã từng giúp đỡ ông. Chỉ một ngày sau khi trúng số, gần 1 tỷ đồng đã bay hết.

Số tiền còn lại, chính quyền địa phương hướng dẫn ông làm thủ tục, gửi ngân hàng, mỗi tháng lĩnh lãi để ổn định cuộc sống. Ai dè đến cận Tết Tân Mão (2011), bà con trong xóm té ngửa khi biết “tỷ phú” Hết chỉ còn vài trăm triệu đồng mà nguyên do là từ ngày trúng số, bỗng có nhiều người tự xưng là “cháu” tấp nập đến thăm ông mặc dù ông Hết không con cái. Hàng xóm kể, có người lúc gặp ông đã ôm lấy ông khóc nức nở, miệng gọi “ông“, gọi “bác” xưng “cháu” nghe ngọt sớt. Hầu hết những người đến thăm ông đều được ông cho tiền, ít thì vài triệu, nhiều thì cả trăm.

Đến tháng 7/2010, vợ ông Hết qua đời, một số người “cháu” của ông đứng ra lo đám tang, chi phí ước tính khoảng 500 triệu nhưng thực tế số tiền này vẫn là tiền của ông Hết. Một cán bộ ở phường 5 cho biết, số tiền còn lại trong ngân hàng của ông Hết là 850 triệu đồng. Và vì chuyện cho ai, tặng ai là quyền tự do cá nhân của ông nên chính quyền không thể can thiệp.

Hiện tại, ông Hết được một người thân ở Gò Vấp đưa về nuôi. Hàng xóm cho biết đôi lần ông Hết về thăm xóm cũ và lần nào cũng vậy, ông vẫn giữ thói quen mua vé số với lời khẳng định “từ đây tới chết, tui sẽ còn trúng độc đắc một lần nữa!”.

Theo ĐKN

>>> Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?