Có 40 mẫu môi trường được thu thập từ chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh cho kết quả dương tính, nhưng phía chính quyền chỉ công bố một mẫu duy nhất từ thớt thái cá hồi. Người ta nghi ngờ rằng, chính quyền cố tình chỉ công bố một mẫu từ thớt thái cá hồi là có ý muốn đổ nguồn gốc của virus cho nước ngoài.
Trong “tình thế tuyệt vời” khi không có ca bệnh mới nào trong hơn 50 ngày qua, dịch bệnh tại Bắc Kinh bất ngờ quay trở lại.
Vào ngày 11/6, chính quyền Bắc Kinh đã công bố ca bệnh đầu tiên được chẩn đoán trong gần 2 tháng qua, vào ngày 12/6 có thêm 6 trường hợp nữa được chẩn đoán, vào ngày 13/6 lại có thêm 36 trường hợp mới được chẩn đoán. Cho đến chiều ngày 17/6, các trường hợp được chẩn đoán của thành phố đã tăng lên 138 ca.
Đối mặt với dịch bệnh dữ dội này, có một điều mà mọi người đều quan tâm là nguồn gốc của virus đến từ đâu? Dưới đây là 5 câu hỏi lớn xung quanh vấn đề này:
1. Virus xuất phát từ cá hồi nhập khẩu ?
Sau khi bùng phát đợt dịch bệnh mới ở Bắc Kinh, điều đầu tiên được nhắm đến chính là cá hồi.
Vào ngày 11/6, Bắc Kinh đã báo cáo trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở địa phương trong gần hai tháng. Đêm đó, chính quyền đã hủy bỏ tất cả các sản phẩm cá hồi và tiến hành một cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm lớn.
Vào tối ngày 12/6, Thái Kỳ – Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, và Thị trưởng Trần Cát Ninh đã xác nhận tại cuộc họp khẩn cấp của đội ngũ lãnh đạo về công tác phòng chống và kiểm soát bệnh viêm phổi thành phố rằng, chủng coronavirus mới có trong hải sản nhập khẩu. Chủng virus này khác với chủng virus trong nước, nhưng có nét tương đồng với chủng virus lây lan ở nước ngoài. Và ngay lập tức thông báo ngừng nhập khẩu hải sản, thịt bò, và thịt cừu v.v. Điều này rõ ràng là muốn cho cá hồi làm ‘vật tế thần’ của đợt dịch bệnh lần này.
Vào sáng sớm ngày 13/6, Trương Ngọc Tỉ – chủ tịch của Chợ bán buôn Tân Phát Địa Bắc Kinh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng: “Virus ĐCSTQ (coronavirus mới) đã được phát hiện từ thớt thái cá hồi nhập khẩu trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên của các bộ phận liên quan. Nguồn cung cấp đến từ chợ hải sản Bắc Kinh-Thâm Quyến”.
Do đó, cá hồi tự nhiên trở thành “nghi phạm” và cũng là “thủ phạm” lớn nhất.
Tuy nhiên, kênh Caixin – phương tiện truyền thông của Đại lục đã dẫn lời một số nhà virus học nói rằng, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng cá hồi có thể bị nhiễm và lây lan coronavirus mới (virus ĐCSTQ) và khả năng virus lây lan qua ô nhiễm thực phẩm là rất thấp.
Quan trọng hơn, chín nhân viên của Tân Phát Địa có liên quan trực tiếp đến các quầy hàng cá hồi nhập khẩu, tất cả đều có kết quả xét nghiệm axit nucleic là âm tính (tức không bị nhiễm virus Vũ Hán); các hàng hóa liên quan đến nguồn hàng và những người chuyên về hải sản của chợ hải sản Bắc Kinh-Thâm Quyến, lô đầu tiên gồm 186 nhân viên, các xét nghiệm axit nucleic cũng đều âm tính; chợ hải sản Bắc Kinh và Thâm Quyến, 283 mẫu môi trường, xét nghiệm axit nucleic đều âm tính.
2. Virus đến từ các nước châu Âu và châu Mỹ?
Chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Ngô Tôn Hữu cho biết, kết quả phòng thí nghiệm cho thấy, chủng virus có nguồn gốc từ châu Âu, có thể đến từ các quốc gia châu Âu, cũng như từ các quốc gia châu Mỹ.
Quản Dật (Guan Yi) – giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm của các bệnh truyền nhiễm mới của Đại học Hồng Kông và giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch cúm, nói với tuần báo China News rằng, “Bắc Kinh không có ca bệnh mới nào trong hơn 50 ngày qua, lần này chắc chắn là do từ ngoài mang vào”, “Khả năng lây lan qua chuỗi cung ứng lạnh là lớn nhất. Nhiều cơ sở giết mổ mới ở châu Âu và châu Mỹ đã trải qua một đợt dịch bệnh coronavirus mới. Nếu nó thực sự lây lan qua chuỗi cung ứng lạnh, thì đó không phải là chuyện mới”.
Một quan chức khác của ĐCSTQ để trốn tránh trách nhiệm đã nói rằng, “công tác phòng chống dịch bệnh coronavirus mới, về mặt ‘phòng người’, đã có thể làm cho đến ‘một giọt nước cũng không để lọt’, nhưng đã bỏ sót việc ngăn chặn và kiểm nghiệm hải sản và thịt nhập khẩu. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay và số lượng người nhập cảnh để ngăn chặn nghiêm ngặt các trường hợp bệnh từ bên ngoài vào, và đã áp dụng các biện pháp cách ly và phòng ngừa cực kỳ nghiêm ngặt đối với các nhân viên nhập cảnh. Tuy nhiên, cả trăm điều giữ kín vẫn có một điều sơ hở. Chúng tôi chưa kiểm nghiệm coronavirus mới trên hải sản, thịt và trái cây nhập khẩu. Tạo cơ hội cho virus lan tràn, biến cá hồi thành con cá lọt lưới”.
Dưới sự gợi ý của các chuyên gia ‘tay sai’ và những người thao túng, “đội quân 50 xu” (dư luận viên) và “tiểu phấn hồng” (thanh niên mạng ủng hộ ĐCSTQ) dường như đã thấu hiểu và đồn đại trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng, đợt bùng phát dịch bệnh lần này ở Bắc Kinh có nguồn gốc từ châu Âu và châu Mỹ.
Trên thực tế, chỉ cần suy nghĩ một chút, bạn có thể hiểu rằng, nếu virus thực sự lây lan sang Trung Quốc thông qua việc nhập khẩu hải sản, thịt và các thực phẩm khác, thì tại sao các quốc gia khác nhập khẩu hải sản, thịt, trái cây và các thực phẩm khác từ châu Âu và châu Mỹ lại không phát sinh tình huống tương tự?
Sản lượng nuôi cá hồi toàn cầu là 2,2 triệu tấn mỗi năm. Các thị trường chủ yếu nhất là châu Âu (khoảng 1 triệu tấn) và Hoa Kỳ (khoảng 400.000 tấn). Trung Quốc nhập khẩu không đến 100.000 tấn một năm và mức tiêu thụ hàng năm của nước này chưa tới 5% sản lượng toàn cầu. Tại sao chỉ có cá hồi nhập khẩu vào Trung Quốc mới phát hiện ra một loại coronavirus mới ? Chẳng lẽ virus đối với Trung Quốc lại có ‘tình riêng’?
3. Virus đến từ Hồ Bắc?
Sau khi Trương Nguyệt Lâm – tổng giám đốc của chợ bán buôn nông nghiệp Tân Phát Địa, bị cách chức, một nhân viên trong nội bộ tiết lộ trên phương tiện truyền thông xã hội rằng, Trương và nhân viên lãnh đạo đã tích cực “khuyến khích nhập các nguồn hàng của Hồ Bắc để cứu Hồ Bắc”, “Trong khi toàn bộ việc nhập và xuất của gần 1.000 đội xe của công ty hậu cần chuỗi cung ứng lạnh được giám sát lỏng lẻo, và trở thành một kênh lây nhiễm bị bỏ sót”.
Người này chỉ trích Trương Nguyệt Lâm rằng, “Để trốn tránh điều đó, ông ta đã công bố ra bên ngoài là virus được tìm thấy trên thớt cá hồi, cố tình không đề cập đến việc: cũng có virus truyền nhiễm trên xe tải đông lạnh, kho lạnh và xe nâng, khiến mọi người hiểu lầm là cá bị nhiễm virus”.
Vì chợ Tân Phát Địa đã tích cực mua hàng hóa từ Hồ Bắc, nên có thể một số sản phẩm bị nhiễm virus từ Hồ Bắc đã đưa virus vào Bắc Kinh? Hoặc người lái xe đã đến Hồ Bắc để vận chuyển hàng hóa, hoặc tủ đông trong xe bị nhiễm virus, và sau đó mang nó vào Bắc Kinh? Khả năng này là có thể tồn tại.
4. Virus đến từ các đại biểu của kỳ họp Lưỡng hội ĐCSTQ?
Một số cư dân mạng suy đoán rằng, sự bùng phát của dịch bệnh lần này ở Bắc Kinh là do đại biểu ở các tỉnh khác đến Bắc Kinh tham gia Lưỡng hội và mang theo virus vào. Nó đã được phát hiện trước khi bế mạc Lưỡng hội vào cuối tháng 5, tuy nhiên vì không muốn Tập Cận Bình mang tiếng xấu (vì ông ta khăng khăng mở kỳ họp Lưỡng hội), nên đã giấu điều này trong hơn 10 ngày, và bây giờ không thể tiếp tục che giấu thêm được nữa, nếu không Bắc Kinh sẽ trở thành Vũ Hán thứ hai, vì vậy đã cho công bố dữ liệu cục bộ.
Liên quan đến vấn đề làn sóng dịch bệnh lần này ở Bắc Kinh bắt đầu vào lúc nào, Chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Ngô Tôn Hữu cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CCTV vào tối ngày 15/6 rằng, hiện tại vấn đề này không chắc chắn lắm, nhưng “Từ những ca bệnh được phát hiện cho đến nay mà nói, thời gian họ biểu hiện ra, thì thời gian lây nhiễm sớm nhất là vào khoảng cuối tháng 5”. Nếu vậy, theo thời gian ủ bệnh của virus trong ít nhất 2 tuần, hoàn toàn có khả năng một đợt bùng phát mới đã xuất hiện trước khi kết thúc Lưỡng hội vào cuối tháng 5.
Kể từ khi dịch bệnh tại Vũ Hán bùng phát, các chuyên gia chính phủ đã thừa nhận rằng có một lượng lớn người nhiễm bệnh không có triệu chứng ở Trung Quốc, “virus đã tồn tại trong cơ thể hơn ba tuần và có đủ khả năng gây truyền nhiễm”.
Mặc dù đại biểu và các ủy viên của các tỉnh khác đến Bắc Kinh tham gia Lưỡng hội của ĐCSTQ đã trải qua xét nghiệm axit nucleic nghiêm ngặt, nhưng không thể tránh khỏi có những chỗ sơ sót. Có thể có tồn tại trường hợp là một số đại biểu và ủy viên bị nhiễm virus đã lọt lưới kiểm dịch, âm thầm mang virus đến cho những người tham gia ở Bắc Kinh không? Điều này rất có khả năng là sẽ xảy ra, và tất nhiên cũng rất khó để xác nhận điều này.
Các chuyên gia chính phủ cũng sẽ không truy ngược lại theo cách này, họ coi sự ổn định chính trị là hơn tất cả mọi thứ, bởi vì một khi họ kiểm tra, chắc chắn họ sẽ phải chất vấn về quyết định tổ chức Lưỡng hội của giới cao tầng ĐCSTQ.
5. Tại sao chỉ công bố thớt thái cá hồi?
Sáng ngày 13/6, cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 114 của ban Phòng chống dịch bệnh Bắc Kinh tuyên bố rằng, vào ngày 12/6, các trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của thành phố và quận đã tổ chức các nhân viên chuyên nghiệp, mở cuộc điều tra về thị trường bán buôn của nông sản và siêu thị lớn trong toàn thành phố. Tổng cộng có 5.424 mẫu hải sản, thịt, các loại thực phẩm khác và môi trường bên ngoài đã được thu thập, để hoàn thành việc phát hiện axit nucleic của coronavirus mới. Trong đó, tại chợ Tân Phát Địa đã phát hiện ra 40 mẫu dương tính được thu thập từ môi trường.
Điều khiến mọi người khó hiểu là trong số 40 mẫu dương tính được thu thập từ môi trường, tại sao lại chỉ có duy nhất mẫu từ thớt thái cá hồi được công bố? Hay là có bí mật gì phải che giấu trong số 39 mẫu còn lại mà không thể cho mọi người biết? Hoặc là cố tình chỉ công bố một mẫu từ thớt thái cá hồi là có ý muốn đổ nguồn gốc của virus cho nước ngoài?
Tác giả: Viên Bân
Minh Huy (Theo Epoch Times)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinhhoa.net)