Tinh Hoa

5 khách sạn hạng sang có mật ong “nhà làm”

Đâu là điểm chung giữa cung điện Buckingham ở London, Bảo tàng nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney ở New York và Nhà thờ Đức Bà Paris?

Câu trả lời là: Cả 3 nơi này đều thuộc một nhóm ngày càng đông các địa điểm nổi tiếng trên thế giới thực hiện việc nuôi ong.

Trong những năm gần đây, các khách sạn quốc tế cũng tham gia vào xu hướng nuôi ong trong thành phố, sử dụng mật ong thu hoạch được trong thực đơn.

Đây là một tín hiệu đáng mừng trước tình hình số lượng ong suy giảm mạnh tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do dịch bệnh, thuốc trừ sâu và suy thoái môi trường sống của loài ong. Tổn thất của việc suy giảm dân số ong này rất đáng kể.

Ong là sinh vật giúp thụ phấn mang lại lợi ích lớn nhất trên toàn cầu, đóng góp gần 167 tỷ USD giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp thế giới.

Xin được giới thiệu 5 khách sạn cao cấp hàng đầu thế giới đang tổ chức nuôi ong.

Waldorf Astoria New York

Tầng thượng 20 trên Park Avenue là nơi hơn 360.000 chú ong sản xuất hơn 136 cân mật ong mỗi năm. Số mật ong này không chỉ được phục vụ trên thực đơn ăn uống, mà còn trong các liệu pháp chăm sóc sức khỏe tại Spa Guerlain của khách sạn.

“Nuôi ong là cách chúng tôi thể hiện mối quan ngại về môi trường, giúp nâng cao nhận thức cho bộ phận ẩm thực, cũng như cung cấp hoa quả tươi, rau xanh, rau thơm, và các loài hoa ăn được trong các bộ phận khác nhau ở khách sạn”, David Garcelon – Giám đốc Ẩm thực tại Waldorf Astoria New York cho biết.

Nhờ có mật ong “tự nuôi” được, năm ngoái khách sạn đã phối hợp với Công ty bia Empire đồng sáng tạo ra bia Waldorf Buzz. Một loại bia mới khác, hiện chưa được đặt tên, lên men từ cỏ chanh roi ngựa và cây hoa bia có sẵn tại vườn của khách sạn dự kiến cũng sẽ được tung ra vào mùa thu năm nay.

>> Đơn giản là New York

Một tuần hai lần, tour khám phá lịch sử của khách sạn sẽ dành một khoảng thời gian dừng tại vườn để quan sát tổ ong cũng như 60 loại rau thơm, trái cây, rau xanh và loài hoa ăn được tại khu vườn.

Món đặc biệt trên thực đơn: Cả hai loại cocktail “Wax Poetic” và “Leaves of Grass” tại quầy bar và nhà hàng dưới sảnh Peacock Alley đều có thành phần là rượu vodka Zubrowka và si-rô mật ong “nhà làm”.

Mandarin Oriental, Paris

Được quy hoạch không có thuốc trừ sâu trong 10 năm qua, Paris là môi trường đô thị hấp dẫn cho việc nuôi ong lấy mật.

Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Apiterra tại địa phương, 50.000 chú ong sinh sống trong các tổ ong trên tầng thượng của Mandarin Oriental đã cung cấp 25 cân mật ong vào năm trước.

Ngoài được thưởng thức các đồ ăn thức uống có thành phần mật ong, khách lưu trú ở đây có thể tham gia vào sáng kiến thân thiện với môi trường tại khách sạn như sử dụng lại khăn tắm để được tăng một hũ mật ong.

Món đặc biệt trên thực đơn: Cocktail “Homemade Honey” ở quầy Bar 8 có thành phần là rượu Yuzu, trà nhài với gừng, sâm-panh và mật ong nuôi tại khách sạn.

W Taipei

Sau 8 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, khách sạn W Taipei là địa điểm nuôi ong trong phố đầu tiên tại Đài Loan. Phối hợp với Tổ chức Phúc lợi Xã hội Syin Lu, W Taipei dành tầng thượng trên lầu 32 để nuôi 150.000 chú ong.

Sau 6 tháng và 2 lần thu hoạch theo chương trình Sweet Reward, số ong này đã được chuyển tới một tòa nhà khác ở trung tâm thành phố theo một dự án nuôi ong quy mô lớn hơn của tổ chức này.

>> 10 điểm đến du lịch hấp dẫn tại Đài Loan

Phần mật ong mà đầu bếp hay nhân viên pha chế không sử dụng đến (800 cân mật ong từ 94 tổ ong trong nửa đầu năm) được tổ chức Syin Lu bán hoặc chế thành xà phòng tại các nhà máy sử dụng công nhân là người khuyết tật.

Món đặc biệt trên thực đơn: Cocktail “Detox Martini” tại WOOBAR có thành phần là rượu vodka Belvedere pha trà xanh, rượu cô-nhắc hương cam Grand Marnier, nước cam, nước quả yuzu, mật ong tự nuôi và Sprite.

Fairmont Waterfront, Vancouver

Tiên phong trong việc tự sản xuất mật ong và hỗ trợ sức khỏe ong trên toàn cầu là chuỗi Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng Fairmont, với chương trình Phát triển Ong bền vững được triển khai tại các nhà nuôi ong ở hơn 20 cơ sở trên toàn thế giới.

“Qua việc xây dựng hơn 10 khách sạn ong cao cấp, chúng tôi đang góp phần tạo dựng một thế giới bền vững hơn”, Jane Mackie – Phó Tổng giám đốc thương hiệu Fairmont cho biết.

Tháng 6 năm nay, Fairmont Waterfront là một trong những khách sạn đầu tiên của tập đoàn xây dựng khách sạn thụ phấn ong độc lập (có tên Bee & Bee), là nơi nghỉ ngơi cho các chú ong giữa các lần thụ phấn.

Khách sạn cũng nuôi 500.000 chú ong trong khu vườn thảo mộc 195m2 ở hiên tầng 3, lấy mật và phấn hoa trong khu vực 67 cây số vuông từ hơn 60 loại cây khác nhau (phấn hoa thường thấy nhất là từ cây mâm xôi và cây trúc Mỹ).

Tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, khách có thể tham gia tour thăm quan nhà nuôi ong và vườn trên tầng thượng được tổ chức hàng ngày, có người nuôi ong hướng dẫn (và được kín đáo quan sát các chú ong từ đài quan sát). Khách cũng có thể yêu cầu tham gia tour đi bộ tìm hiểu việc thụ phấn quanh thành phố cùng Julia Common đến từ tổ chức Hive for Humanity.

Món đặc biệt trên thực đơn: Cocktail “Waterfront Bee's Knees” tại ARC Bar có thành phần là rượu gin Bombay Sapphire, nước chanh, si-rô mật ong của khách sạn, và phủ một lớp bọt trà Bá tước.

St. Ermin's Hotel, London

St. Ermin's đã nuôi ong được khoảng 4 năm, ban đầu trên tầng thượng chính và sau đó mở rộng sang khu vực hiên trồng các loài hoa dại. Đây là khách sạn ong đầu tiên ở Anh.

Phân tích thành phần mật ong thu hoạch được, khách sạn cho biết ong nuôi ở đây đã lấy mật từ hơn 50 loài cây và thực vật trong bán kính gần 5km (khu vực cung điện Buckingham và công viên St. James).

Tháng 9 là Tháng mật ong thường niên của St. Ermin’s, tôn vinh loại mật màu hổ phách trong tất cả thực đơn đồ ăn và cocktail. Cũng trong tháng này, khách sạn tổ chức hội thảo nuôi ong trong thành phố với sự tham gia của chuyên gia nuôi ong Camilla Goddard đến từ tổ chức Capital Bee.

Món đặc biệt trên thực đơn: Cocktail 'Bowler Hat' tại quầy bar Caxton có thành phần gồm rượu vermouth khô, rượu gin London, mật ong nuôi nguyên chất và nước chanh.

>> 9 tour độc đáo khám phá London

CẨM THU (theo CNN)

Theo Doanh nhân Sài Gòn