Có mặt trong danh sách đều là những công ty tên tuổi. Có nhiều nguyên nhân khiến họ dần bị đánh bại bởi những “tân binh”.
Dưới đây là 9 công ty lớn đã bị đánh bại bởi đối thủ cạnh tranh.
1. Google và Yahoo
Trước đây Google không phải là công ty nắm giữ phần lớn thị trường tìm kiếm. Thời buổi ban đầu của Internet, những công cụ tìm kiếm như Lycos, Exite, AskJeeves và những công ty khác mới là những nhân vật chính cạnh tranh trên trị trường. Mãi đến cuối thế kỷ 20, Yahoo mới nổi lên, và trở thành công ty đi đầu trong ngành và hãng này bắt đầu mua nhưng công ty khác. Đến năm 2000, quy mô của công ty đã lớn gấp 6 lần đối thủ cạnh tranh gần nhất của họ.
Thời điểm đó, Google chỉ chiếm 1% trong thị trường. Năm 2001, Yahoo sử dụng thuật toán tìm kiếm của Google. Và khi Google bắt đầu cạnh tranh với Yahoo thì công ty này bắt đầu để mất thị phần. Đến năm 2002, sự phổ biến của Google phát triển theo cấp số nhân. Công ty này chiếm 31,8% thị phần trong khi Yahoo chiếm 36,3%. 8 năm sau đó, Google đã tiến những bước tiến mạnh mẽ, trở thành một công ty gần như độc quyền trên thị trường tìm kiếm. Theo những báo cáo của Comscore, trong tháng 6 vừa qua, thị phần của Google chiếm 65% trong khi đó Yahoo chỉ chiếm 16,1%
2. Hewlett-Packard (HP) và Dell
Dell từng là nhà bán lẻ hàng đầu thế giới về thị trường máy tính với 13% thị phần trên toàn cầu. Compaq đứng thứ 2 với 11,2% thị phần. Nhưng suốt thập kỷ qua, cục diện thị trường máy tính cá nhân thay đổi nhanh chóng.
Tháng 5/2002, Hewlett-Packard (HP) mua lại Compaq với giá 25 tỷ USD. Đến 2005 Dell vẫn chiếm phần lớn thị phần với 17,2%. Tuy nhiên, HP từ chỗ ít người biết đã vươn lên với 14,7% thị phần. Chưa đến 3 năm sau đó, HP đã vượt qua Dell và trở thành công ty giữ vị trí hàng đầu. Đến quý hai năm 2011, vị trí dẫn đầu của HP được củng cố chắc chắn hơn (17,5% thị phần so với 12,5% của Dell). Trong khi đó, Lenovo cũng có được thị phần không nhỏ và chỉ đứng sau các Dell 12%. Thậm chí hãng này còn có khả năng vượt qua Dell nếu tốc độ tăng trưởng hằng năm cứ duy trì ở 22,5% trong khi mức tăng trưởng của Dell vẫn chỉ là 3,3%.
3. Apple và Nokia
Trong quý 4/2007, Nokia đã chiếm hơn 50% thị trường điện thoại thông minh trên toàn thế giới, trong khi Research In Motion BlackBerry giữ 10,9% thị phần, và Apple chỉ nắm 5,2% thị phần. Tuy nhiên, Apple đã thống trị thị trường âm nhạc, thiết bị kỹ thuật số liên tục trong nhiều năm, và họ đã có ý định tương tự cho thị trường điện thoại thông minh trong vòng bốn năm.
Trong quý 4/2010, iPhone của Apple vẫn giữ một phần nhỏ của thị trường với tỷ lệ 16,1% – ít hơn một nửa so với tỷ lệ 28% của Nokia. Nhưng doanh số bán hàng tăng nhanh chóng khiến công ty của Steve Jobs nhanh chóng đi đầu thị trường. Trong quý hai năm 2011, theo IDC, Apple có 19,1% thị phần với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 141%. Nokia, đã xuống vị trí thứ ba với 15,7% phần và tốc độ tăng trưởng -30,7%.
4. Facebook và Myspace
Trong tháng 7/2005, tập đoàn News Corporation đã mua trang mạng Myspace với giá 580 triệu USD. Khi đó, các thành viên chủ chốt của Facebook bây giờ mới đang là sinh viên đại học. Theo số liệu của ComScore, tháng 5/2007, lượt xem hằng tháng của Facebook chỉ xấp xỉ 30 triệu, trong khi đó Myspace là khoảng 70 triệu người.
Tới tháng 5/2009, Facebook đã vượt Myspace, và duy trì ở 70 triệu lượt. Tháng 5 năm nay, Facebook đã có gần 160 triệu người sử dụng. Trong khi đó Myspace đã giảm xuống dưới 40 triệu người sử dụng và con số này được dự báo là sẽ tiếp tục giảm. Trong tháng 6, chủ tịch Murdoch đã bán công ty này với giá 35 triệu USD giảm 93% so với giá mua ban đầu.
5. Fox và CNN
Vào đầu thế kỷ 21, CNN là mạng thông tin phổ biến với 800.000 người xem vào giờ cao điểm trong khi Fox News Channel (FNC) chỉ là 500.000 người. Cuộc chiến ở Afghanistan đã làm tăng lượng người xem của tất cả các mạng tin tức lớn, nhưng FNC đã phát triển nhanh hơn. Đến năm 2002, Fox đã có gần 1,5 triệu người xem trong giờ vàng, trong khi đó CNN chỉ là 1 triệu người.
Và đến năm 2004, Fox đã hoàn toàn chiếm ưu thế và trở thành nhà cung cấp tin tức hàng đầu. Từ năm 2008, Fox đã có người xem trong giờ vàng nhiều hơn cả CNN, HLN và MSNBC cộng lại. Tính đến tháng 7 năm nay, lượng khán giả của Fox bằng ba lần CNN trong giờ vàng, và CNN chỉ đứng thứ tư trong bảng xếp hạng.
6. GM và Toyota
Cuộc chiến GM và Toyota có nhiều bước ngoặt đáng chú ý. Kể từ những năm 1930, GM là hãng xe của Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới. Trong suốt nửa cuối thế kỷ 20, hãng đã thống trị thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu trong vài năm qua đã khiến hãng mất dần vị thế. Đến cuối năm 2008, Toyota chính thức trở thành hãng ôtô lớn nhất thế giới, đánh bại GM với hơn nửa triệu xe được bán. Thị phần toàn cầu của GM tiếp tục giảm, và thậm chí ngay tại Mỹ họ cũng đang mất dần lợi thế.
Tháng 6/2009, doanh số bán hàng chậm và những khó khăn tài chính từ suy thoái kinh tế, nhiều nhà sản xuất ôtô đã đệ đơn xin phá sản. Tuy nhiên, GM vẫn đứng vững và lấy lại những gì vốn đã thuộc về nó. Đợt IPO mới của GM đã thành công và nhanh chóng mang lại lợi nhuận. Còn Toyota, do gặp phải quá nhiều vấn đề về việc triệu hồi xe lỗi và động đất tại Nhật Bản, công ty này đã tạo cơ hội cho GM vươn lên, và một lần nữa trở thành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới vào tháng 8 năm nay. Trong nửa đầu năm 2011, GM đã bán được 4,5 triệu xe so với các đối tác Nhật Bản chỉ là 3,7 triệu.
7. Amazon và Barnes & Noble
Barnes & Noble trong nhiều năm qua là hiệu sách lớn nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, Amazon.com đã cạnh tranh với công ty này bằng cách bán những quyển sách theo phương thức trực tuyến. Sự tiện lợi và dễ dàng hoạt động là những gì Amazon có.
Sau đó, e-book của Kindle giành chiến thắng trong cuộc chiến trên thị trường sách điện tử. Một số cửa hàng sách, bao gồm Border, đã đi xuống. Thu nhập ròng của Barnes & Noble đã giảm từ 147 triệu USD trong năm 2006 đến khoản lỗ 74 triệu USD trong năm 2010. Amazon, trong khi đó thu nhập ròng tăng từ 190 triệu USD lên con số 1,2 tỷ USD.
8. Blockbuster và Netflix
Blockbuster được thành lập năm 1985. Vào năm 1999 – năm Netflix bắt đầu hoạt động – Blockbuster đã có hơn 6.500 cửa hàng trên khắp đất nước, và bắt đầu phát hành cổ phiếu. Đến năm 2006, Netflix mới nổi lên, tuy nhiên công ty này chỉ đạt được con số ít ỏi là 1 tỷ USD doanh thu so với doanh thu khoảng 5,5 tỷ USD của Blockbuster.
Trong năm 2007, các công ty nhỏ giới thiệu các loại video, cho phép người mua tùy chọn xem phim trên máy tính gia đình. Với tính năng này, cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của dịch vụ chuyển phát đĩa DVD, dẫn đến sự suy giảm trong lợi nhuận của Blockbuster. Đến năm 2010, công ty này đã mất đi hàng triệu USD mỗi quý, cuối cùng họ tuyên bố phá sản vào giữa năm nay. Công ty được mua lại bởi Dish Network với giá 320 triệu USD trong khi đó Netflix đã vượt qua 25 triệu thuê bao.
9. Delta và American Airlines
Trong nhiều trường hợp, đảo chiều lợi nhuận của một công ty thường bắt đầu từ việc tăng hoặc giảm thị phần bởi những thành tựu từ sản phẩm của công ty. Trong khi hãng hàng không American Airlines, vốn là công ty dẫn đầu trong thị trường hàng không được sát nhập, sau khi mua lại TWA (bị phá sản trong năm 2001), American Airlines đã trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới. Trong năm 2007, mặc dù bị ảnh hưởng bởi chi phí nhiên liệu tăng cao và nhiều khó khăn khác, hãng này vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với gần 100 triệu dặm bay. Delta đứng thứ hai, với 73 triệu dặm.
Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các hãng hàng không liên tục phải hứng chịu những hậu quả. Hai vụ sáp nhập đáng kể đã xảy ra. Đầu tiên, Delta mua lại Northwest trong năm 2008, ngay lập tức trở thành hãng hàng không thương mại lớn nhất trên thế giới. Trong năm 2010, Delta có 109 triệu dặm bay, American Airline chỉ là 86 triệu. Và sau đó là United And Continental sáp nhập vào tháng 10 năm đó, American Airline tiếp tục đi từ thứ hai xuống vị trí thứ ba trong số các hãng hàng không Mỹ.
Tạ Linh (theo BusinessInsider)