Tinh Hoa

Chính quyền Trung Quốc muốn hợp pháp hóa những vụ giam giữ bất hợp pháp

Trong nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ những luật sư hay gây phiền hà, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền, và giam giữ họ tại các địa điểm bí mật. Đây là loại hành vi ngoài vòng luật pháp được thi hành bí mật bên trong Trung Quốc, đã bị các nhà quan sát quốc tế chỉ trích công khai. Một sự thay đổi mới trong luật hình sự có thể khiến hành vi này trở thành hợp pháp.

Nhiều người biểu tình, bao gồm cả một nhóm luật sư nhân quyền, kêu gọi thả luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh (hình trên) trong cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào ngày 17/6/2009 Luật sư Cao đã bị bắt giữ nhiều lần bởi lực lượng an ninh và hiện vẫn chưa có thông tin gì về nơi ở của ông hiện nay. (Mike Clarke / AFP / Getty Images)


Những sửa đổi được đề xuất đối với luật giám sát nơi ở sẽ cho phép cảnh sát giữ nghi phạm tại các địa điểm không được tiết lộ tới 6 tháng trong các trường hợp liên quan đến khủng bố, tham nhũng lớn, hoặc “an ninh quốc gia.” Thuật ngữ trong ngoặc kép thường bị các lực lượng an ninh Trung Quốc giải thích không theo quy ước, và có thể bao gồm cả việc ôm giữ và thể hiện quan điểm chính trị hoặc tôn giáo mà ĐCSTQ cho là nguy hiểm.

Nghi phạm có thể bị bắt giữ mà không cần thông báo cho gia đình hoặc luật sư của họ nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra”, tờ Nhật báo Pháp luật của nhà nước báo cáo.

Điều này là vì, Bắc Kinh đã quá quen với việc bí mật bắt giữ những người bất đồng chính kiến nhằm bịt miệng họ. Nghệ sĩ và nhà hoạt động lỗi lạc Trung Quốc, ông Ngải Vị Vị đã bị bắt giam trong gần 3 tháng, là ví dụ điển hình nhất. Ông đã biến mất trước khi bất kỳ một lời buộc tội chính thức nào được dựng lên và đưa ra.

Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh đã bị kết án vào tháng 12 năm 2006 về tội lật đổ, với mức án giảm còn 5 năm quản giáo. Kể từ đó, ông bị bắt giữ nhiều lần bởi lực lượng an ninh Trung Quốc, vụ bắt giữ gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2010. Ông đã 2 lần viết về nhục hình tra tấn mà ông đã phải chịu khi bị giam. Ngày 14 tháng 8 – ngày kết thúc thời gian quản chế kéo dài 5 năm, vợ ông đã tổ chức một cuộc họp báo yêu kêu gọi trả lại ông Cao về với gia đình. Nơi ở của ông vẫn không được biết.

Đài RFA cho biết: Trong khi chính quyền tuyên bố rằng những sửa đổi này là một phần của cải cách pháp luật tích cực, các nhóm nhân quyền lo sợ rằng chính quyền đang ủng hộ một thủ đoạn phi pháp mà đã và đang bị cảnh sát sử dụng.

Hiện nay, luật pháp Trung Quốc đã cho phép quản thúc những người tình nghi tại gia, nhưng các thay đổi được đề xuất sẽ cho phép đem họ đến các địa điểm khác chứ không phải là một “trại giam hoặc trạm cảnh sát bình thường”.

Liu Xiaoyuan, một nhà hoạt động pháp luật và là luật sư của ông Ngải Vị Vị, đã viết một bài đăng trên microblog hôm thứ Bảy nói rằng ngay cả nếu những thay đổi này được thực hiện, thì ít nhất các thành viên trong gia đình phải được thông báo.

“Nếu không, một điều khoản như thế này về cơ bản là đang hợp pháp hóa những vụ biến mất cưỡng ép”, Liu nói thêm rằng bất kỳ luật nào thiếu thủ tục thông báo cho các gia đình đều có thể dẫn đến tra tấn và lạm dụng.

Những thay đổi được đề xuất đối với luật tố tụng hình sự này sẽ được xem xét lại vào tháng 3 trong phiên họp hàng năm của Quốc hội, cơ quan nhà nước cao nhất và là Cơ quan lập pháp duy nhất của ĐCSTQ. Tuy nhiên, kết quả xét lại đó có thể đã bị quyết định bởi các quan chức Đảng trước thời hạn.

Tác giả: Helena Zhu

Nguồn: The Epoch Times/Tin 180