AFP dẫn lời ông Vitaly Davidov, phó giám đốc Roskomos, cho hay, chuyến bay diễn ra vào tháng 9. “Có lẽ trong tương lai, chúng ta sẽ không cần tới sự hiện diện liên tục của con người trên quỹ đạo thấp của trái đất”, Davidov nói.
Lời bình luận của ông Davydov được đưa ra sau khi phi thuyền vận tải Progress M-12M nổ tung hôm 24/8 bởi lỗi kỹ thuật trong tên lửa đẩy Soyuz. Nó được phóng để vận chuyển hàng hóa lên ISS. Các chuyến bay đưa người lên ISS sẽ không thể thực hiện được cho tới khi các chuyên gia Nga tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.
Tàu con thoi Atlantis kết nối với ISS vào ngày 18/7. Ảnh: AP. |
Hiện 6 nhà du hành đang làm việc trên ISS. Hôm qua các quan chức của Roskomos cảnh báo rằng có thể toàn bộ nhóm phi hành gia sẽ phải trở về trái đất.
Các nhà du hành bắt đầu làm việc trên ISS từ năm 2000 và các nước tham gia vào quá trình xây dựng ISS muốn sự hiện diện của con người kéo dài tới năm 2020. Việc biến ISS thành trạm không gian không người, kể cả trong thời gian ngắn, luôn được coi là lựa chọn cuối cùng.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định khả năng mất ISS sẽ tăng đáng kể nếu không có sự hiện diện của người trên đó. Chẳng hạn, một trục trặc kỹ thuật bất kỳ có thể khiến ISS ngừng hoạt động hoặc thoát khỏi tầm kiểm soát do không có người trên đó để sửa chữa hoặc thay thế thiết bị hỏng. Tuy nhiên, ông Davydov bác bỏ nhận định của NASA.
Khi thiết kế ISS từ thời Liên Xô cũ, các công trình sư chỉ định tạo ra một trạm vũ trụ không người để hỗ trợ các chuyến bay trong không gian. Hiện tại ISS tiếp tục được xây dựng với sự tham gia của Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Nhật Bản và Canada.
Minh Long