Tinh Hoa

Dấu ấn ngoại trên máy bay tàng hình Trung Quốc

Trung Quốc đang liên tục tung ra hình ảnh bay thử của chiếc Chengdu J-20 để chứng tỏ sự phát triển vũ khí của nước này, trong khi giới chuyên gia phỏng đoán đây chỉ là sản phẩm “học hỏi công nghệ” từ Nga và Mỹ.

Máy bay Chengdu J-20 của Trung Quốc đang thử nghiệm. Ảnh: Xinhua.

Mẫu tiêm kích Chengdu J-20 (còn gọi là Tiêm 20) do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo là loại máy bay tiêm kích tàng hình hai động cơ. Giới chức quân đội Trung Quốc hy vọng dòng máy bay thế hệ thứ 5 có khả năng qua mặt radar này sẽ được đưa vào phục vụ trong khoảng thời gian 2017-2019.

Sau nhiều lần bay thử, Bắc Kinh vẫn chưa công bố chi tiết kỹ thuật của chiếc J-20, nhưng dựa trên nghiên cứu các bức ảnh, tạp chí Aviation Week đã đưa ra nhận định về các thông số của loại máy bay này. Đó là phi cơ một chỗ ngồi có hai động cơ phản lực, kích thước lớn và nặng hơn dòng máy bay cùng loại là Sukhoi T-50 của Nga và F-22 Raptor của Mỹ.

Trung Quốc trước đây từng sản xuất nhiều loại máy bay chiến đấu và theo truyền thống vẫn dựa trên việc phát triển các mẫu máy bay thời Liên Xô. Chiếc J-20 được coi là đỉnh cao trong chiến thuật “học hỏi công nghệ” từ nước ngoài khi chế tạo máy bay của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, chiếc Chengdu J-20 mà Trung Quốc đang thử nghiệm mô phỏng từ mẫu thiết kế máy bay tàng hình Mikoyan 1.44 (MiG 1.44) của Nga vốn chưa từng được chế tạo. Một nguồn tin thân cận với ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhận định thêm, sự tương đồng cho thấy có thể công nghệ trên chiếc Mikoyan đã được chuyển vào tay các nhà thiết kế vũ khí Trung Quốc.

Nguồn tin trên nói thêm có thể Trung Quốc đã được tiếp cận với các tài liệu liên quan đến thiết kế Mikoyan 1.44 nhưng không rõ sự chuyển giao này có hợp pháp và qua con đường chính thức hay không. Tuy nhiên, phát ngôn viên của nhà sản xuất Nga MiG là Yelena Fyodorova phủ nhận phỏng đoán cho rằng tài liệu về dự án Mikoyan 1.44 đã được cung cấp cho Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bác tin về sự chuyển giao công nghệ với Nga liên quan đến J-20.

Giới phân tích nhận định sự hỗ trợ của Nga có thể giúp Matxcơva có ảnh hưởng tới năng lực quốc phòng đang lên của Trung Quốc và Matxcơva âm thầm hỗ trợ Bắc Kinh cạnh tranh với các cường quốc quân sự khác. Nga và Trung Quốc vốn có mối quan hệ quân sự trong nhiều năm qua vì Bắc Kinh từng là khách hàng lớn mua các sản phẩm quốc phòng từ Matxcơva. Những năm gần đây, Trung Quốc đã tự sản xuất được nhiều sản phẩm loại này nên đơn đặt hàng từ Nga giảm mạnh, nhưng hai nước vẫn duy trì mối quan hệ quân sự chặt chẽ.

Ảnh trên máy tính về mẫu MiG1.44 chưa từng được sản xuất của Nga. Ảnh: Global Security.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng người Trung Quốc đã phát triển công nghệ tàng hình từ việc nghiên cứu các mảnh vỡ của một chiếc máy bay Lockheed F-117 Nighthawk của Mỹ bị bắt rơi tại Serbia năm 1999. Trong chiến dịch không kích của NATO vào Serbia trong cuộc chiến Kosovo, một tên lửa phòng không SA-3 do Liên Xô chế tạo đã hạ được chiếc máy bay này và đây là lần đầu tiên một máy bay tàng hình của Mỹ trúng đạn.

Lầu Năm Góc khi đó cho rằng chỉ có kết hợp các chiến thuật thông mình và có sự may mắn mới giúp tên lửa SA-3 chạm tới F-117 Nighthawk. Phi công đã nhảy dù và được cứu, còn chiếc máy bay tàng hình của Mỹ rơi xuống và nổ tung, văng mảnh vỡ ra một khu vực đồng cỏ rộng lớn.

Người địa phương đã thu lượm các mảnh vỡ của chiếc F-117 từ nhỏ đến to như một chiếc xe hơi. Tham mưu trưởng quân đội Croatia thời chiến tranh Kosovo là đô đốc Davor Domazet-Loso cho biết: “Thời điểm đó, tin tức tình báo của chúng tôi cho biết các điệp viên Trung Quốc đã tìm kiếm trong khu vực chiếc F-117 bị rơi và thu mua các mảnh vỡ máy bay từ những người nông dân địa phương”.

Một quan chức quân sự cao cấp của Serbia cũng xác nhận nhiều mảnh vỡ của máy bay Mỹ đã được những người sưu tập đồ lưu niệm quan tâm và cuối cùng chúng rơi vào tay “các tuỳ viên quân sự nước ngoài”. Những thông tin này dẫn đến phỏng đoán người Trung Quốc đã sử dụng các mảnh vỡ F-117 Nighthawk để nghiên cứu bí mật công nghệ tàng hình trên máy bay.

Tuy nhiên, Lockheed F-117 Nighthawk không phải là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và được coi là đã lạc hậu. Do đó nếu Trung Quốc học công nghệ tàng hình từ mảnh vỡ máy bay này thì chiếc Chengdu J-20 của họ sẽ bị tụt hậu hàng thập kỷ so với những chiếc cùng loại là F-22 Raptor của Mỹ hiện nay.

Biên tập viên James Hardy của tạp chí quốc phòng Janes nghiêng về giả thuyết chiếc J-20 không học hỏi nhiều công nghệ từ mảnh vỡ của chiếc F-117 Nighthawk rơi tại Serbia. Tướng không quân Mỹ đã nghỉ hưu Thomas G. McInerney thì gợi ý có thể thiết kế J-20 dựa trên dự án chế tạo máy bay do thám Lockheed Martin FB-22 hoặc chiếc Northrop Grumman B-2 Spirit của Mỹ .

Máy bay có công nghệ tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ. Ảnh: Sebastian.

Trung Quốc lần đầu cho J-20 cất cánh hồi tháng 1 vừa qua đúng dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sang thăm Bắc Kinh. Dù phải mất nhiều năm thử nghiệm nữa, việc tung ra J-20 vẫn giúp Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ những quốc gia ít ỏi trên thế giới có máy bay tàng hình.

Hiện chỉ có Mỹ đang sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình tương đương thế hệ với Chengdu J-20 là F-22 Raptor. Còn chiếc Sukhoi T-50 của Nga phải mất 4 năm nữa mới có thể đưa vào phục vụ cho quân đội.

Đình Nguyễn