Thành phố New York thường nhộn nhịp vào cuối tuần nhưng hôm qua đã biến thành một “thành phố chết”, một hiện tượng chưa từng có ở đây, vì bão Irene. Theo con số thống kê mới nhất, 18 người đã thiệt mạng vì bão Irene.
Hôm qua (giờ Washington), bão Irene đã đến New York, làm ngập lụt thành phố sau khi ập vào bờ tại những khu vực ven biển miền đông nước Mỹ.
Tất cả các sân bay tại New York tạm ngừng hoạt động, trong đó có cả sân bay quốc tế J.F.Kennedy, kéo theo hàng nghìn chuyến bay bị hủy. Những sân bay chính của thành phố New York theo dự kiến sẽ đóng cửa cho đến ngày 30/8.
Dịch vụ đường sắt cũng bị giảm đáng kể, công ty Amtrack đã cho tạm ngưng hoạt động toàn bộ tuyến đường dọc bờ biển phía đông. Bão Irene khiến cho lần đầu tiên xe điện ngầm ở thành phố New York phải đóng cửa vì thiên tai.
Khách du lịch đã đổ xô đến các trung tâm tiếp nhận do chính quyền dựng nên để tránh bão.
Nhiều cửa hàng bảo vệ cửa kính bằng các tấm ván gỗ. Người dân thì không dám ra khỏi nhà. Thị trưởng thành phố đã ra lệnh sơ tán 370.000 người khỏi những vùng có nguy cơ ngập lụt – một hiện tượng chưa từng có.
Trước đó, chính quyền thành phố đã cung cấp 5.000 bao cát ngăn nước, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Thiệt hại do bão gây ra ước tính có thể lên đến từ 5 đến 10 tỷ USD.
Trong suốt 3 ngày qua, bão Irene ập vào bờ biển miền đông nước Mỹ với mưa to gió lớn. Mặc dù nó không xóa sạch một cộng đồng nào, sức tàn phá của nó đều nhận thấy khắp nơi với trên hàng nghìn km vuông bị ngập lụt, cây đổ, nhà cửa bị hư hại, mất điện và đường xá không sử dụng được.
Irene, “cơn bão cuối tuần”, cái tên mà người Mỹ đã đặt cho cơn bão này, đã đi qua New Jersey và Caroline ở phía Bắc vào sáng thứ bảy và đã khiến gần 2 triệu người phải đi sơ tán và 9 người thiệt mạng. Bão sau đó đã di chuyển về hướng bang Virginia trước khi đến Maryland và Washington, rồi tiếp tục di chuyển về New York.
Theo thông báo mới nhất từ cơ quan khẩn cấp Mỹ, đã có 18 người thiệt mạng trên đường Irene đi qua, nhiều nghìn người phải sống trong cảnh mất điện.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đích thân đến trụ sở của Văn phòng liên bang đặc trách giải quyết các tình huống khẩn cấp để chứng tỏ rằng ông vẫn làm chủ được tình hình, khác hẳn với cựu Tổng thống Bush trước kia có phản ứng chậm chạp trong công tác đối phó bão Katrina.
Ông Obama cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 9 bang, trong đó có New York. Như vậy, 9 bang này sẽ được nhận sự trợ giúp của chính quyền liên bang.
Theo dự báo, tàn dư của trận bão Irene sẽ tiến vào và tan biến tại Canada chiều 30/8.
Việt Hà tổng hợp
(theo dantri)