Tinh Hoa

Cha mẹ Trung Quốc hoảng hồn về sách giáo khoa giới tính

“Để tinh trùng tìm thấy trứng nhanh nhất, bố sẽ đưa dương vật vào âm đạo của mẹ ở độ nghiêng tối đa và tinh trùng sẽ đi vào âm đạo của mẹ”.

Một trang mô tả chi tiết trong sách giáo khoa giáo dục giới tính mới dành cho trẻ tiểu học ở Bắc Kinh.

Theo Xinhuanet, đoạn mô tả này được lấy ra từ cuốn sách có tựa đề “Các bước lớn lên”, xuất hiện cùng những hình minh họa sự gặp gỡ của dương vật và âm đạo, trong phần đầu tiên của loạt sách cho trẻ từ 6 đến 7 tuổi.

“Nó quá nhiều đối với trẻ con. Đó có phải là tranh khiêu dâm đối với trẻ nhỏ không? Không lành mạnh chút nào”, một bà mẹ họ Liu lo lắng nói. Chị cho rằng những thông tin này là quá sớm đối với con gái 8 tuổi của mình.

Lo lắng của Liu được rất nhiều bậc cha mẹ đồng tình, khi mà giáo dục giới tính chưa bao giờ được đưa vào cấp tiểu học ở nước này trước đây.

“Việc mô tả sex theo cách trực diện không phải là sai, mà ở chỗ câu chữ trong sách này quá thô tục, thậm chí còn bị cấm khỏi website của chúng tôi”, chị Wu Ou, một bà mẹ 33 tuổi, là phó tổng biên tập website khoa học có tiếng tại Trung Quốc Guokr.com, nhận xét. Guokr.com được thiết kế dành cho người từ tuổi 20 đến 35.

Theo Wu Ou, các từ ngữ mô tả này nên tế nhị và đẹp hơn trong sách dành cho trẻ em.

Loạt sách giáo khoa nói trên được các chuyên gia tại Hiệp hội nghiên cứu giáo giục sức khỏe sinh sản Bắc Kinh biên soạn, và được chia làm 3 giai đoạn cho học sinh từ 6 đến 12 tuổi.

Phần đầu gồm “Cơ thể tôi”, “Tôi đến từ đâu” và “Bạn có thể tự bảo vệ mình”.

Phần hai gồm “Cơ thể thay đổi trong thời niên thiếu” và “Kỹ thuật giao tiếp với cha mẹ”, cũng như “Vẻ đẹp tuổi dậy thì” và “Người đàn ông bé nhỏ”.

Phần ba gồm các chương: “Chấp chận bản thân bạn”, “Ngăn ngừa AIDS” và “Để là một công dân Net khỏe mạnh”.

Sách dành cho tiểu học sẽ được dạy thử nghiệm tại 18 trường trong học kỳ tới. Trong khi đó, sách cho cấp trung học đang được các chuyên gia soạn thảo và sẽ được thử nghiệm ở 30 trường.

Mặc dù có những băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ về sự “quá sớm”, “quá sinh động” của những tài liệu này đối với con họ, song cũng không thiếu ý kiến ủng hộ.

Feng Zhihua, phó tổng biên tập của một trong những website về y học và sinh học phổ biến nhất Trung Quốc (dxy.com) cũng là một người cha, cho rằng cuốn sách này là hợp lý và cần thiết.

“Người lớn nhìn thấy những thứ bẩn thỉu trong sách, trong khi học sinh có thể không. Chúng nhìn sự vật theo cách khác và chúng ta không nên đánh giá từ góc độ mình. Thuật ngữ “dương vật” và “âm đạo” sẽ đến với các em sớm hay muộn. Không cần thiết phải nói tránh khi dạy học”, Feng nói.

“Ngôn ngữ của trẻ em trong sáng và không thể được đánh giá qua con mắt của người lớn”, Lu Weihong, một tác giả biên soạn sách cho biết.

Cho tới nay, giáo dục giới tính ở Trung Quốc vẫn được xem là bảo thủ, đặc biệt trong trường học, khiến cho trẻ tiếp thu chủ đề này phần lớn từ cha mẹ và xã hội.

Năm 2002, một chương trình giáo dục giới tính thí nghiệm do Hiệp hội nói trên đưa vào trường trung học đã bị đình lại, do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía cha mẹ.

T. An