Bee.net.vn xin lược đăng ý kiến của PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam trong buổi làm việc giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam sáng 13/8.
“Lời nguyền tài nguyên”?
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40 chủng loại từ khoáng sản năng lượng (dầu khí, than, urani, địa nhiệt), khoáng sản không kim loại, vật liệu xây dựng đến khoáng sản kim loại. Tuy nhiên chúng ta không giàu về tài nguyên khoáng sản vì hầu hết các khoáng sản ở Việt Việt Nam có trữ lượng không lớn, lại phân bố tản mạn không tập trung.
Về khoáng sản năng lượng, dầu khí của Việt Nam không nhiều, với sản lượng khai thác như hiện nay, nếu không phát hiện thêm trữ lượng thì chỉ vài ba chục năm nữa sẽ hết nguồn khai thác.
Than ở đất liền cũng đã cạn kiệt dần, đang và sẽ phải nhập mới bảo đảm được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Than ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng có thể có nhiều, theo số liệu tính toán có thể tới vài trăm tỷ tấn nhưng vấn đề công nghệ trong khai thác rất phức tạp, chưa giải quyết được, nếu có khai thác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và an sinh xã hội.
Ngoài ra, tiềm năng urani và địa nhiệt không đáng kể.
Việt Nam sắp phải nhập khẩu than |
Về khoáng sản không kim loại và vật liệu xây dựng, Việt Nam có nhiều nhưng chỉ dùng trong nước. Chúng không phải là loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao và trên thế giới cũng không có nhu cầu nhiều.
Về khoáng sản kim loại như vàng, bạc, đồng chì, kẽm, sắt, thiếc, molipden…, Việt Nam có rất ít không đáp ứng được các nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Những loại khoáng sản này thế giới cũng cạn kiệt dần.
Việt Nam có một số loại đá quý như ruby, saphia, peridot nhưng trữ lượng không nhiều. Việt Nam lại không có kim cương – loại đá có giá trị kinh tế rất cao và có nhu cầu rất lớn.
Loại khoáng sản Việt Nam có nhiều: Thế giới thừa
Ba loại khoáng sản có trữ lượng lớn là bauxite, đất hiếm và ilmenit (quặng titan) ở Việt Nam có trữ lượng lớn, nhưng trên thế giới cũng có nhiều loại này và phải hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm nữa vẫn chưa dùng hết.
Bauxite thế giới có tài nguyên 55 tỷ tấn, Việt Nam có hơn 5 tỷ tấn), mỗi năm chỉ cần 200 triệu tấn, như vậy 275 năm nữa mới khai thác hết.
Đất hiếm thế giới có 150 triệu tấn (Việt Naḿ hơn 10 triệu). Mỗi năm chỉ cần 135.000 tấn, như vậy phải hơn 1000 năm nữa mới hết. Chưa kể, gần đây Nhật đã phát hiện ở đáy Thái Bình Dương có khoảng 100 tỷ tấn đất hiếm, nếu vậy thì hàng nghìn năm nữa cũng không lo thiếu đất hiếm.
Về quặng titan thế giới có khoảng 2 tỷ tấn (Việt Nam dự báo có khoảng 600 triệu tấn), hàng năm thế giới chỉ cần hơn 6 triệu tấn, như vậy cũng phải hàng trăm năm nữa mới hết. Gần đây Paraguay đã phát hiện khoảng 20 tỷ tấn, như vậy hàng nghìn năm nữa cũng không lo thiếu quặng titan.
Tôi xin kiến nghị
Trên cơ sở tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản và thực tế, tôi kiến nghị:
1. Nghiêm chỉnh chấp hành luật khoáng sản sửa đổi thực thi từ ngày 1 tháng 7 năm 2011.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xiết chặt việc cấp giấy phép khai thác mỏ. Thậm chí cần hạn chế và tiến tới cấm khai thác xuất khẩu khoáng sản Việt nam không có nhiều như khoáng sản kim loại để dành tiêu thụ trong nước.
3. Song song với công tác nêu trên, để đảm bảo cho nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước, đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể lại các quy hoạch đối với từng loại khoáng sản, có kế hoạch khai thác sử dụng khoáng sản hợp lý phục vụ cho phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài tránh tình trạng khai thác tràn lan, xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến, xuất khẩu “tiểu ngạch” dẫn đến nạn ” than thổ phỉ”, “quặng tặc”… làm lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản của đất nước.
4. Khoáng sản là tài nguyên hầu hết không tái tạo được, không phải là vô tận, là tài sản quan trọng của quốc gia, là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đề nghị Chính phủ có chính sách khen thưởng xứng đáng cho việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý khoáng sản và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản trong hoạt động khoáng sản.
PGS.TS Nguyễn Khác Vinh – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam