Ngày 17/8, Sở Y tế TP.HCM đã triệu tập một cuộc họp khẩn với trung tâm y tế dự phòng 24 quận/huyện để tháo gỡ những khó khăn và chỉ đạo công tác phòng chống các loại dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là dịch tay-chân-miệng (TCM).TS.BS Phạm Việt Thanh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận là khó dự đoán diễn tiến dịch TCM trong thời gian tới. TP.HCM đứng đầu cả nước với hơn 7.000 ca bệnh TCM, 22 ca tử vong, TP.HCM đã chi 20 tỷ đồng để chống dịch.
TS Thanh nhấn mạnh: “Điểm hạn chế lớn nhất trong phòng chống dịch là việc truyền thông đến người dân. Truyền thông, hướng dẫn của ngành y tế không tốt nên người dân không hiểu, không sử dụng hóa chất diệt khuẩn Cloramin B, hoặc sử dụng không hiệu quả”.
Những hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại TP.HCM hội đủ các yếu tố (gồm: có nhận được Cloramin B phát miễn phí, được hướng dẫn, và thực sự có sử dụng hóa chất này) là không quá 30%. Còn tỷ lệ hộ gia đình sử dụng đúng hóa chất này thì còn thấp hơn nữa.
Ngoài ra, theo Sở Y tế, do địa bàn rộng, lượng người nhập cư đông, nên tình hình dịch bệnh phức tạp, có những khó khăn cho công tác chống dịch.
TP.HCM chưa công bố dịch
Nếu tính theo số ca mắc TCM/100 ngàn dân, thì TP.HCM đứng hàng thứ 7 (với 79 ca/100 ngàn dân). 3 tỉnh đứng đầu là: tỉnh Bình Dương (với 143 ca mắc/100 ngàn dân), kế đến là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (136 ca/100 ngàn dân), và Đồng Nai (130 ca/100 ngàn dân). Nếu tính về tổng số mắc và chết do TCM thì TP.HCM hiện chiếm nhiều nhất – gần 7.500 ca (chỉ tính số nhập viện), 22 ca tử vong; Đồng Nai 16 ca tử vong trong số gần 3.500 ca mắc; Bình Dương 8 ca tử vong trong số gần 1.600 ca mắc; Bà Rịa – Vũng Tàu 6 ca tử vong trong số gần 1.500 ca mắc; Long An 6 ca tử vong trong số gần 1.400 ca mắc…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm trẻ bị bệnh tay chân miệng |
TS.BS Việt Thanh cho biết thêm: Lâu nay TP.HCM triển khai các công tác trong phòng chống bệnh TCM giống như phương án chống dịch. Nhưng, trước tình hình này, chúng tôi sẽ làm báo cáo, tham mưu cho UBND TP về tình hình bệnh TCM, để Ủy ban xem xét, cân nhắc trước khi có quyết định chính thức về công bố dịch.
Nhận hóa chất khử khuẩn miễn phí ở đâu?
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết , ngoài những đợt nhân viên y tế, tổ dân phố đi phát miễn phí hóa chất Cloramin B cho các hộ gia đình, thì người dân có nhu cầu có thể trực tiếp đến trạm y tế phường/xã để nhận hóa chất Cloramin B, được hướng dẫn cách pha chế, sử dụng. Không nhất thiết gia đình có trẻ em, cũng không nhất thiết phải chứng minh mình ở quận/huyện nào mới được nhận.
Tại buổi làm việc này, một số đơn vị y tế dự phòng quận/huyện cho rằng, không muốn làm trung gian để đưa sản phẩm Surfanios đến người dân, sợ bị hiểu lầm mang tiếng, vì gần đây có dư luận cho rằng, các trạm y tế bán hóa chất hưởng hoa hồng!
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM- TS.BS Phạm Việt Thanh khẳng định: “Quan điểm của Sở là muốn cho người dân biết đa dạng các loại hóa chất diệt khuẩn để họ có điều kiện chọn lựa, bên cạnh người dân có thể lĩnh miễn phí Cloramin B, chứ không kinh doanh ở đây. Còn nơi nào, y tế quận huyện nào tự ý ký hợp đồng, nhận hoa hồng trong việc bán hóa chất là sai, sẽ bị xử lý. Ngoài hai loại hóa chất người dân tự mua trên, tới đây, nếu có loại nào đạt chuẩn nữa, Sở cũng sẽ công bố cho người dân biết”.
Theo Luật phòng, chống bệnh bệnh truyền nhiễm, việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố; Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền. Về thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau: Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của giám đốc sở y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong như: bệnh do vi-rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, sốt xuất huyết Dengue…), và nhóm C (gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh như: bệnh giang mai, các bệnh do giun, bệnh lậu, bệnh mắt hột, và các bệnh truyền nhiễm khác); Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh như: bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, tả, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh…) và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch; Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. |
Phong Lan – Bee