Những người sử dụng máy vi tính có thể sớm lưu trữ dữ liệu của họ trên những ổ cứng làm bằng thủy tinh, sau khi các nhà khoa học phát triển thành công “bộ nhớ pha lê”.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Southampton (Anh) đã sử dụng các tia laser để biến đổi thủy tinh, khiến loại vật liệu này có thể lưu trữ được dữ liệu ở bên trong. Nhóm nghiên cứu cho biết, các bộ nhớ bằng pha lê có thể lưu được nhiều dữ liệu hơn, chịu được nhiệt độ cao hơn và ít bị hư hỏng hơn so với các loại ổ cứng thông dụng hiện nay.
Dữ liệu có thể được lưu trữ trên bộ nhớ pha lê. (Ảnh: Daily Mail)
Hiện tại, một bộ nhớ pha lê có kích thước bằng một màn hình điện thoại di động có thể lưu được 50GB dữ liệu, tương đương dung lượng của đĩa Blu-ray Disc. Bộ nhớ bằng pha lê có thể chịu được nhiệt độ lên tới 982 độ C và có độ bền hàng nghìn năm.
Theo tờ Daily Mail, các nhà khoa học đã tạo ra bộ nhớ pha lê bằng cách sử dụng các tia laser để tạo ra các chấm nhỏ có tên là “voxel” vào thủy tinh silic nguyên chất nhằm thay đổi hướng truyền ánh sáng trong loại vật liệu này. Những lỗ voxel sau đó có thể đọc được nhờ một thiết bị giải mã quang học, cho phép người sử dụng máy vi tính ghi và xóa dữ liệu như trên ổ cứng thông thường.
Tiến sĩ Martynas Beresna, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Bộ nhớ pha lê do chúng tôi phát triển có thể lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn. Công nghệ này cũng có thể được dùng để phát triển những bộ nhớ cầm tay có độ ổn định và an toàn cao”.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, bộ nhớ pha lê phù hợp với các tổ chức và công ty cần lưu trữ dữ liệu lớn. Hiện tại, các công ty thường phải sao lưu dự phòng dữ liệu của họ khoảng 5-10 năm/lần bởi vì tuổi thọ của các ổ cứng tương đôi ngắn.
Các nhà khoa học đang làm việc với một công ty của Lithuanian để đưa ra thị trường sản phẩm bộ nhớ pha lê này trong thời gian sớm nhất.
Theo Daily mail, Vietnamnet