Tinh Hoa

Bí ẩn chuyện hàng trăm sơn nữ mất tích

Không mang theo tài sản, cũng không một lời nhắn nhủ, hơn 600 sơn nữ ở tỉnh biên giới Lai Châu cứ thế lặng lẽ ra đi.

Có người 3-4 năm sau bỗng dưng xuất hiện trở về, người may mắn hơn thì được các cơ quan chức năng giải cứu… nhưng phần nhiều trong số họ đến giờ vẫn “bặt vô âm tín”.

“Từ hôm nó mất tích đến giờ vẫn không có tin tức gì cán bộ ơi!”, tay đang buộc thừng con trâu, giọng bà Lý Xa Chẩu, xã Tà Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu buồn rười rượi. Biết chúng tôi đến hỏi chuyện cô con gái út Lý Xa Tiền, học sinh lớp 7 vừa mất tích hồi tháng 2/2011, bà Chẩu vội vã gọi chồng về.

 

Thiếu nữ vùng cao (Ảnh: VOV)

Nước da xạm đen, người đàn ông là chồng bà Chẩu buông lời từ đầu ngõ: “Cán bộ đến để tìm con gái giúp vợ chồng tôi à”. Vào đến nhà ngồi bệt xuống đất, ông Lý Xuân Dìn thở hổn hển như khó ngắt hơi, rồi tiếp chuyện: “Giờ phải tìm nó ở đâu, cán bộ mách tôi biết với. Tôi đã đi nhiều nơi lắm rồi, gửi cả ảnh con gái lên công an, cơ quan báo của tỉnh rồi nhưng chẳng có tin tức gì…”.

Lý Xa Tiền là cô con gái út của vợ chồng ông Dìn, hàng ngày Tiền rất ngoan và nghe lời bố mẹ. Ngoài việc đến trường, Tiền còn lên nương giúp gia đình, rồi đi cõng nước ở đầu con suối. Tiền mất tích, vợ chồng ông Dìn như sống dở chết dở, không biết con mình đang ở đâu, sống chết thế nào.

Ông Dìn nhớ như in ngày con mình mất tích: “Hôm đó, lúc con gà bắt đầu đi ngủ, tôi đi cõng cát thuê về, mua được con cá đang nấu bát canh thì nó bảo: “Bố ơi, có người gọi con ra đầu bản có việc”. Tưởng con đi rồi về ngay, vì nó chưa được ăn gì, nhưng vợ chồng cứ đợi về ăn cùng, đợi mãi mà không thấy con trở về. Mấy hôm sau người hàng xóm bảo thấy có ai đó chở nó đi rồi. Trước khi đi nó mặc áo ấm màu trắng, quần bò, đi đôi dép nhọn”…

Không phải chỉ riêng ông Lý Xuân Dìn mà phần lớn các gia đình khi biết con mình mất tích đều rải người đi tìm kiếm khắp nơi. Trường hợp của các cô gái Lò Thị Hiêm, Lò Thị Noi ở huyện Tân Uyên là một ví dụ. Các cô gái này đều có tuổi đời trên dưới đôi mươi, mất tích quá một tuần không thấy con về, gia đình các “sơn nữ” giật mình, chia nhau đi tìm.

Anh trai Hiêm là Lò Văn Hôm nhớ lại: Hiêm đi được 9 ngày gia đình mới biết tin cô theo một người lạ bắt xe về hướng Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Anh Hôm liền tức tốc đi bộ ra trung tâm xã, mượn xe máy, lên Sa Pa, tìm một ngày mà không thấy em gái đâu. Ròng rã 2 tháng trời, chỉ cần nghe phong phanh tin Hiêm có khả năng ở đâu là hai bố con Hôm đến ngay đó, kể cả các khu cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai, cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Nhưng cuối cùng, Hiêm vẫn bặt vô âm tín.

Đau đầu mệt mỏi hơn cả có lẽ là trường hợp sơn nữ Hà Thị Noi, con gái ông Hà Văn Xanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên. Noi sinh năm 1986, là con thứ ba trong nhà. Đầu năm 2005, sau khi kết hôn được 6 tháng thì Noi bỏ đi, ông Xanh đau khổ nhớ lại: “Chắc chắn có người lôi kéo nó đi, gia đình đã trình báo cơ quan chức năng, tìm kiếm khắp nơi nhưng đến giờ vẫn không có tin tức gì, may mắn thì còn sống, nếu không chết rồi cũng nên”.

Tam Đường là huyện có nhiều trường hợp phụ nữ mất tích nhất ở tỉnh biên giới Lai Châu, còn Tả Lèng là xã có pụh nữ mất tích nhiều nhất huyện Tam Đường. Chỉ tính riêng năm 2010 trong xã có tới 20 phụ nữ mất tích không rõ nguyên nhân, có người chưa đầy 16 tuổi. Ông Phàm Phủ Chin, Chủ tịch xã Tả Lèng cho biết: “Tả Lèng trong thời gian vừa qua cũng có phụ nữ bỏ nhà đi. Một số do tự nguyện, còn một số người khác bị lừa đem đi bán, có một số người liên quan người ở địa bàn. Chúng tôi cũng có một số biện pháp như đăng ký quản lý về tạm trú tạm vắng với người ở nơi khác đến. Đến thời điểm này trên địa bàn đã phụ nữ bỏ nhà đi cũng hạn chế”.

Theo Đại tá Lê Văn Bảy – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, đằng sau những vụ sơn nữ mất tích đều có bóng dáng của những kẻ buôn người. Tuy chưa dám chắc 100% các cô gái mất tích đều bị lừa gạt và đem bán, nhưng rõ ràng đây là một vấn đề phức tạp. Thời gian gần đây vấn đề hoạt động của loại tội phạm buôn bán phụ nữ trên địa bàn tỉnh biên giới Lai Châu diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là những tháng đầu năm 2011.

(Theo VOV)